Thực ra, những hành động bạo lực nói trên đối với ngư dân Việt Nam không phải đến bây giờ mới có mà đã xảy ra từ nhiều năm trước. Và kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5-2014 thì tần suất bạo lực trên biển đối với ngư dân chúng ta ngày càng tăng.
Nếu không dùng những cụm từ “ngang ngược - bất chấp luật pháp quốc tế - vô nhân đạo” khi gọi những hành động nói trên thì là gì?!
Các cơ quan công quyền, những người có trách nhiệm luôn bảo rằng “ngư dân chính là chiến sĩ tiền tiêu để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. Nhưng để những “chiến sĩ tiền tiêu” ấy có đủ lực để hoàn thành trách nhiệm thiêng liêng của mình, xem ra còn thiếu sự hậu thuẫn căn cơ. Hiện nhà nước đã có nhiều hỗ trợ cho ngư dân như: cấp máy thông tin giữa các tàu cá với nhau, hệ thống liên lạc giữa biển với bờ để cơ quan chức năng phản ứng kịp thời khi có sự cố; cho vay vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi… Tuy nhiên, thực tế số ngư dân tiếp cận được những chính sách ưu đãi này còn quá ít so với những rủi ro, nguy hiểm, trách nhiệm quá lớn của họ.
Mặc dù liên tục bị tàu Trung Quốc, tàu lạ bắt bớ, xua đuổi, thậm chí đánh đập, tấn công đến mất mạng nhưng ngư dân Việt Nam vẫn bám biển. Thậm chí, sau những chuyến biển “thập tử nhất sinh”, những ngư dân hiền hòa, hào sảng của chúng ta vẫn không chùn bước mà ra khơi mạnh mẽ hơn. Một điều cảm thấy day dứt, áy náy là những người đứng đầu các cơ quan hữu trách có ai đã từng đặt câu hỏi: Vì sao ngư dân phải dũng cảm bám biển? Và có ai từng đặt câu hỏi vì sao người thân của số ngư dân vừa bị hành xử vô nhân đạo, giết chết trên ngư trường truyền thống của mình, chưa nguôi ngoai nỗi đau, họ lại phải ra khơi (!!?).
Trở lại chuyện tàu cá Việt Nam bị các tàu Trung Quốc có hành động vô nhân đạo trên biển nhưng ngư dân chúng ta không lấy đó làm hận thù. Họ vẫn thể hiện bản tính nhân hậu vốn có của người Việt từ ngàn đời nay, sẵn sàng ra tay tương cứu bè bạn khi gặp hoạn nạn, bất trắc. Họ cứu giúp ngay cả những người vốn dĩ có thể đã gây tai ương cho họ trước đó. Bằng chứng là hôm 15-3, khi nhận tin của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thông báo về tàu cá và ngư dân Trung Quốc bị chìm trên biển, một tàu cá Việt Nam đang đánh bắt gần đảo Bạch Long Vĩ đã hỗ trợ cứu được 3 ngư dân Trung Quốc. Vẫn còn nhớ, tháng 7-2014, một tàu cá của ngư dân Quảng Bình khi đánh bắt trên vùng đảo Trường Sa cũng đã kịp thời vớt được ngư dân Trung Quốc là Trình Tổ Ba khi người này không may rơi xuống biển lúc đang thả lưới.
Dũng cảm trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngư trường truyền thống của mình; hành xử nhân đạo, rất văn hóa trên biển; cao thượng trong cuộc sống đời thường là những đức tính vốn có của ngư dân Việt cho dù giờ đây, họ phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy bởi những kẻ xem thường luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)