xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hổ than, đại bàng khóc !

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Chúa sơn lâm bị nhốt trong hũ rượu, đại bàng bị móc mắt để ăn. Thú quý đang trở thành mốt ăn, mốt trưng bày của những người lắm tiền

Bước vào nhà bà N. (phường Thạnh Xuân, quận 12 – TPHCM), chuyên nghề kinh doanh bất động sản, tôi phải trố mắt khi chứng kiến nguyên một con hổ nằm khoanh tròn trong hũ rượu lớn làm bằng thủy tinh. “Hổ thiệt chứ không phải mèo đâu em. Nhìn móng vuốt vừa dài vừa to của nó là em biết liền!”- bà N. hồn nhiên khoe.

 
Từ uống rượu ngâm xác hổ...
 
Quan sát kỹ móng vuốt, bộ lông, cỡ đầu và thân hình của con thú đang nằm trong chiếc hũ thì đích thị đây là... chúa sơn lâm. “Nhiều người mới bước vào nhà chị cũng bảo không phải hổ nhưng nhìn kỹ họ mới tâm phục khẩu phục. Chị bỏ 2.000 USD để mua chứ ít à?”- bà N. tiếp tục khoe.
 
Trong vai một người có nhu cầu mua nhà đất, tôi giả vờ  kính nể cách chơi rượu của bà N. và ngỏ ý: “Chị cho em chụp một tấm hình bình rượu hổ để về khoe với bạn bè?”.
 
Bà N. đắc ý gật đầu. Dường như đối với bà N., việc “ông ba mươi” chết yểu trong hũ rượu là thứ trang sức giúp phòng khách nhà bà toát lên sự giàu sang, quyền lực.
 
Bà N. cho biết con hổ con này nặng 13 kg được những tay buôn mang từ Campuchia sang tận nhà bà rồi mới “cắt tiết” để chứng tỏ hổ còn sống. “Hổ này phải ngâm chung với nhân sâm suốt 3 năm mới uống được”- bà N. nói. Tôi rợn cổ khi mường tượng cảnh 3 năm sau, bà N. mở nắp, nghiêng hũ cho dòng rượu thấm qua xác con hổ đầy lông lá rồi rót ra ly để nuốt ực.
 
 
img
Hổ con nặng 13kg bị ngâm trong hũ rượu đặt trong phòng khách nhà bà N 
 
Song những người chịu chơi, chịu uống rượu ngâm xác hổ như bà N. hiện nay không hiếm. Theo thông tin chúng tôi có được, tại nhà một số đại gia ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mốt uống rượu ngâm xác hổ cũng đang thịnh hành.
 
Tại buổi giáo dục về bảo tồn động vật hoang dã do Chi cục Kiểm lâm TPHCM và Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WAR) tổ chức mới đây, ban tổ chức cho biết hiện VN chỉ còn khoảng 30 con hổ, nếu chúng ta không tích cực bảo vệ thì đến năm 2022,  VN sẽ không còn một “chúa sơn lâm” nào.
 
Theo pháp luật quy định, những ai buôn bán, tiêu thụ hổ có thể bị xử lý hình sự. Ấy vậy mà không hiểu sao những người giàu có lại ngang nhiên “bóp cổ” chúa sơn lâm rồi trưng bày chễm chệ giữa phòng khách?
 
... Đến nuốt mắt đại bàng
 
“Có lẽ em phải bắt chước chị ra đường Nguyễn Đình Chiểu kiếm cặp mắt đại bàng mà ăn, mắt em dạo này nhìn hốc hác quá!”- tôi tình cờ nghe được cuộc chuyện trò của hai người đàn bà ngồi uống cà phê trong quán Khánh Hà trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3-TPHCM.
 
Lân la bắt chuyện, tôi được biết trào lưu ăn mắt đại bàng rộ lên từ dạo trên internet có thông tin một người đàn bà tên Hoàng Ngọc, chủ một tiệm vàng lớn ở phường Tân Định, quận 1 - TPHCM, trong một lần hành hương về vùng núi Thiên Cấm Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã gặp một thầy thuốc, mặc dù đã 80 tuổi nhưng có đôi mắt sáng quắc.
 
Thầy thuốc này tiết lộ muốn có mắt sáng, mắt đẹp thì móc mắt chim đại bàng đem chưng cách thủy rồi  ăn. Ăn mắt bổ mắt vì đại bàng là “chúa tể trời xanh”, có đôi mắt tinh sắc, có thể quan sát con mồi từ trên núi cao (?!).
 
 
img
Nhiều đại bàng được bày bán trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3
 
Hiện nay vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3-TPHCM) là nơi giới buôn bán đại bàng lén lút hoạt động. Trong vai người cần mua đại bàng, sáng 5-6, tôi ghé vào một điểm có bán 7-8 con đại bàng trên đường này.
 
Người đàn ông bán “thần điêu” hồ hởi giới thiệu: “Đây là đại bàng đầu trắng, đây là đại bàng Nam Mỹ, con bèo nhất giá cũng 1,2 triệu đồng!”. Khi được hỏi nguồn gốc những loài đại bàng quý hiếm này, người bán chỉ cười: “Dạo này khách chuộng đại bàng lắm, có tiền, đại bàng quý cỡ nào cũng có!”.
 
Trao đổi với phóng viên, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt TPHCM đều khẳng định không có bất cứ tài liệu khoa học nào cho thấy ăn mắt đại bàng sẽ tốt cho mắt người. Mắt đại bàng sáng, săn mồi giỏi là do cấu trúc, chức năng riêng của nó. Người dân không nên tin những lời đồn đoán ăn mắt bổ mắt để rồi giết hại loài chim quý.
 
Theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, đại bàng là động vật quý hiếm, việc mua bán, tiêu thụ loài vật này là vi phạm pháp luật. Riêng hiện tượng giết hổ sống để ngâm rượu, ông Cương đánh giá là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể xử lý hình sự. 
 

43% doanh nhân “xài”  thú rừng!

Đó là con số mà Tổ chức Traffic - mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang toàn cầu -  đưa ra tại một hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Traffic đồng tổ chức tại tỉnh Ninh Bình vào năm 2009.

 
Traffic đã làm cuộc điều tra với 2.000 người sống ở Hà Nội. Kết quả có đến 47% người cho biết từng sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã, 82% từng ăn thịt thú rừng.
 
Đặc biệt, doanh nhân là nhóm sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nhiều nhất (43%), tiếp theo là công chức Nhà nước (34%).

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo