xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hòa bình và tự vệ

Hoàng Phương

Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác

Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban tổ chức Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chính tại lễ khai mạc sự kiện diễn ra từ ngày 31-5 đến 2-6 tại Singapore.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-la Ảnh: TTXVN

Coi trọng an ninh hàng hải

Với tư cách là khách mời, diễn giả chính, tối 31-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La. Trong phát biểu, Thủ tướng đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết khu vực đang diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, khu vực cũng đang chứng kiến nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thông điệp về tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn. Điều quan trọng trên hết của lòng tin chiến lược là sự thành tâm và chân thành trong quan hệ giữa các nước, trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực.
 
Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh vai trò và đóng góp không thể thiếu của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương đối với hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực, qua đó đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thủ tướng khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trước mắt là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La Ảnh: REUTERS

Thách thức an ninh nóng bỏng hơn

Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút các nhà lãnh đạo, bộ trưởng quốc phòng, quan chức quân sự và chính phủ cấp cao đến từ 31 nước. Theo đài BBC, căng thẳng hàng hải, tranh chấp lãnh thổ, sự bất an về một Trung Quốc ngày càng lấn lướt sẽ là những nội dung chính tại hội nghị năm nay. Ngoài ra, an ninh mạng cũng được quan tâm nhiều sau khi liên tiếp xuất hiện cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin mật của Mỹ và Úc. Các nội dung đáng chú ý khác là tình hình Afghanistan, sự hiện đại hóa quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác quốc phòng…

Ông Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) ở châu Á, nói với trang Defense News: "Hơn bao giờ hết, hội nghị sẽ mang lại nhiều cơ hội để các đại biểu thảo luận, tranh luận công khai về những nỗi lo an ninh, như tác động của các vụ tranh chấp hàng hải, các chương trình hiện đại hóa vũ khí và hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh xảy ra nhiều tranh cãi ở biển Đông, biển Hoa Đông, trên bán đảo Triều Tiên…".

Tìm cách giải quyết các thách thức

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 theo sáng kiến của IISS, Đối thoại Shangri-La là cơ hội gặp mặt duy nhất của các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương để bàn về các vấn đề an ninh nổi cộm trong khu vực. Hội nghị năm nay diễn ra giữa lúc căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo leo thang không ngừng.

Ông John Chipman, Tổng giám đốc IISS, nhận định những căng thẳng như vậy đang ngày càng gia tăng và diễn ra thường xuyên hơn. Ông nói với đài BBC: "Chúng ta đã đối mặt với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng như một loạt tranh cãi chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông trong 4-5 năm qua. Tuy nhiên, các vấn đề đặc biệt căng thẳng trong năm nay". Vì thế, theo ông Chipman, Đối thoại Shangri-la 2013 là cơ hội để bộ trưởng quốc phòng các nước châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm cách thức giải quyết hiệu quả các thách thức trên.

Ngoài ra, đã xuất hiện những câu hỏi hóc búa liên quan đến tương lai của một số mối quan hệ quan trọng trong khu vực, nhất là cuộc chạm trán chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của nước này có ảnh hưởng về mặt kinh tế và ngoại giao quan trọng không thua kém mặt quân sự.
 
Tuy nhiên, chính những tác động về mặt quân sự của chiến lược khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại và xem đây là nỗ lực khống chế sức mạnh đang lên của nước này. Trong khi đó, dù khẳng định muốn hợp tác nhiều hơn với Bắc Kinh, không có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẵn sàng từ bỏ vị thế quân sự vượt trội ở châu Á - Thái Bình Dương. Giới phân tích lo ngại sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Việt Nam - Singapore thúc đẩy hợp tác nhiều mặt

Nhân dịp tham dự Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chào xã giao Tổng thống Singapore Tony Tan và hội kiến Thủ tướng Lý Hiển Long tại Cung Istana.

Tại buổi chào xã giao, Tổng thống Tony Tan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam và Singapore sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của các diễn đàn khu vực và quốc tế, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tại buổi hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức Đối thoại Shangri-La và cho đây là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Hai thủ tướng khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, xây dựng, du lịch... Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Về vấn đề biển Đông, Tổng thống và Thủ tướng Singapore nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, các bên cần thực hiện kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện DOC và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông, sớm xây dựng COC.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo