xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hội thề huyền thoại

Bài và ảnh: PHAN ANH

27 cánh tay giơ cao vững chãi “xin thề” trong đêm 30 Tết cách đây 66 năm ở Rừng Rong (Tây Ninh) đã trở thành biểu tượng cho ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì nền độc lập dân tộc

“Đứng dưới cờ đỏ sao vàng, trong khu rừng bạt ngàn của xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng - Tây Ninh, chúng tôi cắt máu ăn thề nguyện giữ trọn chí khí, quyết tâm chiến đấu đến cùng cho Tổ quốc”. Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xúc động hồi tưởng về lời thề Rừng Rong năm xưa nhân buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức mới đây.

img
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng chăm sóc vợ mình tại nhà riêng

Chết tự do hơn sống nô lệ

Ở tuổi 87, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng vẫn còn tráng kiện, giọng nói sang sảng. Vị tướng già đã đi qua trọn vẹn hai cuộc kháng chiến bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, Pháp quay lại đánh chiếm miền Nam. Người dân An Tịnh và cả miền Nam cùng đứng lên dù trong tay chỉ có tầm vông, giáo mác...”.

Ở cái tuổi 20 đầy nhiệt huyết, chàng thanh niên Nguyễn Thới Bưng cầm súng trong đoàn quân chiến đấu giữ chính quyền. Tuy nhiên, phong trào này nhanh chóng bị đàn áp. Vào một ngày của tháng 11-1945, dưới sự trợ giúp của liên quân Anh - Ấn với hàng trăm xe tăng và xe bọc thép, lính lê dương Pháp bất ngờ đánh úp Tây Ninh - vành đai đỏ của quân cách mạng và vùng giáp giới Campuchia. Để bảo toàn lực lượng cũng như chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, quân ta buộc phải rút về Rừng Rong, xã An Tịnh.

Tại đây, trong đêm 30 Tết Ất Dậu (1-2-1946), Hội thề được thành lập. 27 người con trai, con gái ở tuổi đôi mươi đứng nghiêm trang dưới ánh đuốc bập bùng cùng đọc lời thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập của đất nước:  “Độc lập hay là chết! Chết tự do hơn sống nô lệ! Quyết chiến đấu tới cùng! Đời cha có chết, con cháu tiếp tục chiến đấu! Ai phản bội sẽ chịu xử tử!”.

Hy sinh chứ không phản bội

Kể từ ngày lập Hội thề, các chiến sĩ Rừng Rong chiến đấu kiên cường. Cuộc kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ hết sức cam go. Trước nhiệm vụ phải mở rộng địa bàn, Hội thề chỉ để lại 8 người bám căn cứ Rừng Rong xây dựng cơ sở cách mạng, làm nòng cốt cho phong trào du kích địa phương, còn chàng thanh niên Nguyễn Thới Bưng cùng những người khác do ông Trần Văn Chói làm đội trưởng, gia nhập Chi đội 12 chiến đấu trên địa bàn Hóc Môn - Trảng Bàng.

Nhớ lại sự khốc liệt, mất mát trong chiến tranh của 66 năm trước, giọng vị tướng già run run: “Trong một lần phục kích quân Pháp đi càn, anh Nguyễn Văn Hung bị trúng đạn và bị bắt. Bị lính lê dương tra tấn dã man nhưng anh Hung vẫn không khai nửa lời về nơi đóng quân của đồng đội”.

Ánh mắt vị tướng già như mờ đi khi ông tiếp tục kể về những người đồng đội cũ. Đó là chị Trần Thị Đường, một nữ chiến sĩ kiên cường. Bắt được Đường, bọn giặc lấy dây điện quấn quanh hai bàn tay rồi ghim điện tra tấn suốt ngày đêm nhưng chị vẫn không khai nửa lời. Hay chị Trần Thị Đẹp đã chọn cái chết trước mũi súng quân thù để bảo vệ khí tiết. Hồi tưởng về sự hy sinh của những đồng đội, vị tướng già bật khóc: “Chỉ trong năm 1946, hơn một nửa những người tham gia Hội thề Rừng Rong đã nằm xuống. Họ chấp nhận hy sinh chứ không ai phản bội”.

Son sắt một mối tình

Mảnh đất An Tịnh còn có một kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong lòng tướng Nguyễn Thới Bưng. Ông kể hồi ấy, dù không một lời hứa hẹn nhưng cô gái xinh đẹp nhất nhì xã An Tịnh Nguyễn Thị Sáu vẫn chờ đợi chàng lính nghèo Nguyễn Thới Bưng. Lúc đó, cô gái xinh đẹp ấy có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Cha cô đã không ít lần đem trả cau trầu để… “dành phần” cho chàng lính nghèo. Trở về sau 2 năm bặt tin, chàng lính nghèo hỏi: “Sao vẫn ở vậy?”, cô gái e thẹn trả lời: “Lỡ nhớ rồi nên quyết tâm đợi”. Từ đó, họ đã cùng nhau đi qua chiến tranh, đi qua sống chết để có nhau trọn vẹn trong cuộc đời…

Khơi dậy ý chí tự cường

Sáng 21-12, Thành ủy HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 66 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2012), 52 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20.12.1960 - 20.12.2012), 68 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2012) và 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2012).

Ôn lại truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Dương Quan Hà khẳng định đây là dịp để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết trong mặt trận dân tộc thống nhất của cha anh; tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trước đó, đoàn lãnh đạo và nhân dân TP đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi và dâng hương liệt sĩ tại Đền Tưởng niệm Bến Dược.

Ph.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo