xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồi ức đau thương về cây cầu Vĩnh biệt

Bài và ảnh: Điền Minh

Không được bảo tồn, hàng ngàn hài cốt của các chiến sĩ cách mạng không thể tìm lại được

Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng từng là một “địa ngục trần gian”, nơi có hơn 1.600 chiến sĩ cách mạng, dân lành đã ngã xuống dưới bàn tay tàn bạo của quân thù.
 
Ngày nay, nơi đây trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, một chứng tích của tội ác Mỹ ngụy. Thế nhưng, nơi chứng tích “máu loang cây cỏ” này đã bị tàn phá nghiêm trọng trong nỗi khắc khoải của người dân.
 
Lời kể một cựu tù
 
Giữa cái nắng chói chang của tháng 6, vùng đất huyện Phú Tân (Cà Mau) vẫn mướt xanh, nằm hiền hòa bên sông lớn Cái Đôi Vàm. Vùng đất này thời chiến tranh là cái nôi của phong trào cách mạng, là nơi nuôi dưỡng bao người con kiên trung của Tổ quốc.
 
Ông Trần Minh Huyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Tân, cho biết: “Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng nằm ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân, cách thị trấn khoảng 12 km đường bộ, được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 30/QĐ – BVH ngày 24-11-2000”.
 
Ông Trương Hồng Hài, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải, bồi hồi: Ký ức kinh hoàng của tội ác kẻ thù còn hằn trong tâm khảm của những con người từng bị giam cầm trong biệt khu. 

img

Một phần cây cầu Vĩnh biệt, nơi ghi dấu tội ác Mỹ – ngụy
 
Người cựu tù còn lưu giữ những ký ức nơi đây là ông Út Đằng (Quách Văn Đằng), năm nay đã 89 tuổi. Ông Đằng kể: “Bọn chúng đặt ra hàng loạt  luật lệ để khống chế nhân dân, ai lạ mặt vào nhà mà không báo kịp thời cho chúng thì bị bỏ tù, nếu đưa người qua sông thì bị giết. Bất cứ ai có quan hệ với cộng sản đều bị chặt đầu. Chúng dồn dân vào các ấp chiến lược, dinh điền, nếu không chấp hành chúng sẽ thực hiện ba sạch (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Các gia đình có người thân tham gia kháng chiến ở quanh vùng Bình Hưng bị buộc phải làm lính hoặc làm mật báo viên cho chúng. Khi bắt được cán bộ, người dân, chúng tra khảo rất dã man như: trói chân tay bỏ vô lu rồi đổ nước sôi vào, lấy bông quấn quanh ngón tay tẩm xăng đốt, đóng đinh vào tay, chặt đầu, thẻo thịt, mổ bụng, moi gan..."
 
Ông Đằng bị tình nghi làm việc cho cách mạng nên bị địch bắt giam từ ngày 25-7-1960 đến ngày 25-1-1961. “Những ngày tháng bị giam cầm trong biệt khu, tôi đã chứng kiến biết bao chiến sĩ cách mạng bị tra tấn dã man, giết hại: anh Nguyễn Văn Đàng, anh Hiển ở kinh Tư, anh Miên Một ở kinh Xáng, nhà anh Sáu Hòa bị giết 5 người...” - ông Út Đằng ngậm ngùi.
 
Câu chuyện của ông Út Đằng chỉ nói lên được một phần nhỏ sự tàn khốc của biệt khu Hải Yến – Bình Hưng. Ông Trương Hồng Hài kể thêm: “Đêm 14-9-1961, bọn lính Bình Hưng kết hợp với lính Vàm Đình bao vây nhà bác Tám Sồi ở kinh Đất Sét, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, bắn chết anh Phước, anh Lung là giao liên, sau đó hãm hiếp con dâu và con gái út mới 15 tuổi của bác Tám Sồi. Sau đó, chúng bắt 10 người trong gia đình xếp hàng trước sân (có 6 trẻ em) rồi bắn chết tất cả”.
 
Trăn trở khu di tích
 
Đứng ngay bia tưởng niệm nằm trong biệt khu Hải Yến trước đây, được xây dựng năm 1997, ông Trương Hồng Hài cho biết cách đây khoảng 200m, còn có 1 cây cầu mang tên Vĩnh biệt. Đêm hay ngày, người nào mà bị bọn lính dắt qua cây cầu này là không bao giờ được trở lại.
 
Phía bên này cây cầu Vĩnh biệt là nhà giam, trại lính, còn phía bên kia là 2 hố chôn tập thể, hàng ngàn con người đã bị địch giết hại, vùi xác nơi đây. Một phần cây cầu còn lại hiện nay là di tích duy nhất còn sót lại trên vùng đất đau thương này.
 
Nửa thế kỷ trôi qua, sự hiện diện của cây cầu luôn nhắc nhở những hình ảnh về “địa ngục trần gian” năm xưa, những xiềng xích kéo lê trên đất, khuôn mặt hào sảng của người chiến sĩ cách mạng kiên gan đối đầu cái chết...
 
Đáng buồn thay, cho đến hôm nay, việc lưu giữ di tích này chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Trương Hồng Hài, từ năm 1997, đã có đề án tôn tạo di tích biệt khu Hải Yến – Bình Hưng và tại thời điểm này đang triển khai giai đoạn 1 là xây dựng bờ kè và đường nội bộ với kinh phí 2,3 tỉ đồng.  
 
img
Đài tưởng niệm khu di tích Hải Yến - Bình Hưng
 
Trước năm 2007, khu vực này do huyện đội Cái Nước quản lý. Năm 2000, đơn vị này cho thuê để khai phá làm vuông nuôi tôm. Những di tích này đã bị đào xới, băm nát, xóa mất di tích hai hố chôn người tập thể. Ông Hài ngậm ngùi: “Khi dự án tôn tạo di tích hoàn thành, cần quy tập những hài cốt trên thờ phụng để làm yên lòng những người đã khuất”.
 
Đến năm 2007, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định thu hồi đất từ huyện đội Cái Nước và giao cho UBND xã Tân Hải quản lý nhưng mãi đến năm 2009, huyện đội Cái Nước mới giao đất.
 
Năm 1997, ông Ngô Thanh Lỏi, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Tân, đã đặt vấn đề phải cố gắng giữ gìn những gì còn sót lại của biệt khu Hải Yến – Bình Hưng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này. Thế nhưng từ đó đến nay, di tích này tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng.
 

1.600 chiến sĩ, dân lành đã bị giết hại

 
Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng được xây dựng vào cuối năm 1957, hoàn thành vào đầu năm 1959, nằm trong mưu đồ thực hiện kế hoạch bình định miền Nam của Mỹ - ngụy.
 
Biệt khu có diện tích 29,8ha, đóng trên địa bàn của ấp Thanh Đạm, xã Tân Hưng Tây (nay thuộc xã Tân Hải, huyện Phú Tân). Ngoài những hệ thống bảo vệ đầy đủ khí tài, sức chứa tới gần 2.000 quân còn có cả nhà giam, phòng tra tấn, hầm thủ tiêu. Hơn 15 năm có trên 1.600 chiến sĩ và người dân bảo bọc cho cách mạng bị giết hại ở nơi này.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo