Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai dự báo triều cường có thể đạt đỉnh trong tối 17-10 với mực nước cao nhất là 1,68 m, có thể tiếp tục gây ngập ở nhiều khu vực trên địa bàn TP HCM.
Bất lực
Đến 18 giờ ngày 17-10, triều cường gần như chiếm toàn bộ khu vực huyện Nhà Bè; các quận 7, 2, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức… khiến hàng ngàn hộ dân phải chống chọi với ngập lụt. Trong đó, đường B Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), thủy triều liên tục tấn công trong 2 ngày 16 và 17 đã khiến hàng trăm hộ dân nơi đây bị ngập nặng.
Người dân phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức rất khổ sở khi triều cường. Ảnh: Sỹ Đông
Tối cùng ngày, người dân ở cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), đường Lương Định Của (phường An Phú, quận 2) tiếp tục vật lộn với dòng nước cuồn cuộn từ sông Sài Gòn chảy vào và từ các cống trào lên. Bà Nguyễn Thị Tám - ngồi thẫn thờ trong ngôi nhà ngập nước tại phường An Phú, quận 2 - than thở: “Tôi đã nhiều lần nâng nền nhà nhưng vẫn bị ngập!”
Trong khi đó, bắt đầu từ 16 giờ, nhiều gia đình ở huyện Nhà Bè; các quận 7, Bình Thạnh đã lên kế hoạch đưa người già và trẻ em sang nhà người thân lánh nạn vì hay tin triều cường đạt đỉnh.
Trước đó, tối 16-10 đã xảy ra vỡ bờ bao ở phường Thạnh Xuân, quận 12 gây thiệt hại lớn cho hàng trăm hộ dân khu vực này. Trở lại hiện trường vào chiều 17-10, chúng tôi ghi nhận hàng chục hộ dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể cảnh nước tràn như lũ, nhấn chìm nhiều tuyến đường. Triều cường tối 16-10 đạt đỉnh 1,6 m, kết hợp với mưa lớn khiến nước dâng lên cuồn cuộn làm bờ bao gần cầu Cống hộp số 4 bị xói mòn rồi vỡ một đoạn dài khoảng 10 m, nhấn chìm hàng loạt tuyến đường, vườn tược. Những hộ dân nuôi cá cảnh giống, trồng hoa kiểng,… như chết đứng khi chứng kiến khối tài sản của mình mất trắng theo dòng nước dữ.
Ông Phan Văn Phát (64 tuổi; ngụ đường TX25, phường Thạnh Xuân) cho biết dù gia đình đã chuẩn bị đối phó với ngập khi triều dâng nhưng không ngờ mưa lớn lại trút xuống cùng lúc. “Toàn bộ 25 ô nuôi cá cảnh giống mất trắng do nước ngập” - ông Phát buồn rầu. Theo ông, khi sự cố xảy ra, nước chảy cuồn cuộn như lũ tràn vào nhà và dù các ô nuôi cá được xây tường cao hơn 1 m nhưng vẫn bị ngập khiến toàn bộ số cá trong các ô thoát ra ngoài. Cách nhà ông Phát không xa là một cơ sở kinh doanh giấy bìa cũng gần như bị hư hại hoàn toàn. Đến sáng 17-10, các công nhân trong cơ sở này phải tiếp tục chuyển những lô giấy hỏng ra ngoài.
Nhiều hộ dân bị thiệt hại
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP, cho biết nguyên nhân sự cố vỡ bờ bao ở phường Thạnh Xuân là do van ngăn triều cống Đá Hàn ngoài sông Vàm Thuật gặp sự cố không đóng được, khi triều dâng cùng mưa lớn làm vỡ bờ bao. Trung tâm chống ngập đang điều phối 7 cống ngăn triều lớn và 1.077 cửa van, trong đó có các cống ngăn triều do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Dịch vụ thủy lợi TP quản lý và khai thác. “Sắp tới sẽ kiến nghị TP giao quản lý về một đầu mối để dễ xử lý khi có sự cố xảy ra” - ông Công nói.
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa - Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, thông tin thêm đoạn bờ bao bị vỡ dài khoảng 10 m trên tổng chiều dài hơn 500 m. Sau khi sự cố xảy ra, công ty đã huy động nhân lực cùng phương tiện phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục. Đến trưa 17-10, sự cố cơ bản đã được xử lý.
Theo ông Vũ Anh Đức, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, sự cố vỡ bờ bao đã làm ảnh hưởng khoảng 10 ha đất, gây thiệt hại tài sản cho nhiều hộ dân. Hiện phường đã thống kê thiệt hại báo cáo UBND quận 12 cùng trung tâm chống ngập để lên phương án hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.
Về tình trạng ngập ở một số tuyến đường tại phường Hiệp Bình Chánh, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết khi mưa lớn kết hợp với đỉnh triều thì phải chấp nhận ngập chứ không còn cách nào khác. Theo ông Dũng, mặc dù đã có các cống ngăn triều không cho nước ngoài sông tràn vào nhưng mưa lớn quá nên khả năng tiêu thoát nước chậm. Hiện quận Thủ Đức có 5 cống ngăn triều lớn gồm Gò Dưa, Ông Dầu, Rạch Đá, Thủ Đức và Cầu Đúc Nhỏ do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Dịch vụ Thủy lợi TP (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, khi mực nước lên tới 1,3 m thì sẽ đóng cống để ngăn nước tràn vào các kênh rạch bên trong. Riêng Quốc lộ 13 bị ngập là do chưa có hệ thống thoát nước nên khi mưa, triều cường thì nước tràn trên mặt đường, triều rút thì nước sẽ rút theo các đường nhánh mương bên trong. “Để giải quyết điểm ngập này phải chờ dự án mở rộng Quốc lộ 13 thi công” - ông Dũng nói.
Vùng ven Biên Hòa bị nước lũ cô lập
Đến chiều 17-10, nước lũ mới bắt đầu rút khỏi khu vực xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, theo dự báo, đường sá và nhà cửa ở nơi đây sẽ tiếp tục bị lũ tấn công.
Toàn xã Phước Tân bị nước lũ cô lập, dân phải bám dây về nhà
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, một cơn lũ lớn từ sông Buông ập về khiến cả khu vực xã Phước Tân chìm trong nước, hơn 2.200 học sinh của Trường THCS Phước Tân phải nghỉ học, đường ngập gần 1 m, nhiều đoạn chảy xiết nên người dân phải giăng dây để đi lại. Do bị lũ “đánh úp” nên nhiều hộ dân không kịp di dời các tài sản trong nhà. Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, cho biết đây là trận lũ đầu tiên trong năm nay từ sông Buông đổ về khu vực phía Đông TP Biên Hòa. Năm nay, mức ngập lũ cao hơn các đợt trước khoảng 15 cm nên có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng.Tin-ảnh: X.Hoàng
Bình luận (0)