Nhưng cũng từ đó gây ra cách hiểu khác, nhầm lẫn và ảo tưởng về một đất nước rất “giàu và đẹp” nhưng thực ra là rất nghèo; tạo nên tâm lý ỷ lại vào nguồn tài nguyên sẵn có, ăn bám thiên nhiên.
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Dường như loại tài nguyên nào cũng được khai thác thô và đem bán với giá trị thấp. Than là nguồn khoáng sản dồi dào, bể than sông Hồng tính đến chiều sâu 1.700 m có trữ lượng đạt 36,960 tỉ tấn (ở độ sâu 3.500 m có thể đạt đến 210 tỉ tấn) nhưng đào lên bán mãi rồi cũng vơi, nay đã sớm phải nhập khẩu than, không bảo đảm nhu cầu phát triển. Dầu khí với trữ lượng được dự báo là 4.300 tỉ tấn quy đổi cũng được ráo riết khai thác và xuất thô toàn bộ, lấy ngoại tệ mua xăng dầu về dùng, ước chừng trong 30 năm là hết. Bauxite và titan cũng thế, chỉ vài mươi năm nữa sẽ cạn kiệt. Trong lúc hiệu quả kinh tế đang còn mơ hồ và gây tranh cãi thì hậu quả về môi sinh do bauxite và titan gây ra đã nhãn tiền, có xu hướng ngày càng tồi tệ thêm.
Và rừng. Thuở nào là “vàng” vì tốt tươi còn nay đã vàng phai, hoang hoải. Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, Nam Trung Bộ, đâu đâu cũng gặp những cánh rừng bị tàn sát để làm thủy điện, để di dân… Từ chỗ diện tích núi rừng chiếm đến 40% tổng diện tích cả nước với bạt ngàn rừng nguyên sinh, hệ động vật và thực vật hết sức đa dạng, nay chúng ta còn lại gì?
Và biển. Với đường bờ biển dài gần 3.500 km, hàng triệu km2 thềm lục địa, sản vật vô cùng phong phú, tiềm năng kinh tế từ khai thác thủy sản và du lịch cực kỳ lớn, đúng là “biển bạc”. Quý như thế nên luôn bị dòm ngó, tranh đoạt và dưới bàn tay thô bạo của con người, biển đã “bạc” thật: Bạc bẽo đời ngư dân đạp sóng ra khơi xa. Bạc thếch những đám cá tôm chết phơi bụng gần cả tháng qua vì bị nhiễm độc. Bạc trắng mái đầu bao người nghèo ven biển, suốt đời thủy chung với biển, sống để giữ biển.
Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản thua trận, lại nghèo về tài nguyên thiên nhiên; đất đai cằn cỗi; núi lửa, động đất và sóng thần quanh năm; thời tiết lại khắc nghiệt… Họ đã dạy cho bao thế hệ học sinh ý thức về cái nghèo và tinh thần chinh phục thiên nhiên. Và nước Nhật đã phát triển thần kỳ như chúng ta đã thấy. Singapore cũng vậy, từ một đảo quốc bé nhỏ, thứ gì cũng nhập khẩu, hàng chục năm nay đã khiến cả thế giới nghiêng mình kính nể. Họ tự lực đi lên bằng đôi tay mẫn cán và cái đầu sáng tạo.
Tài nguyên luôn là hữu hạn. Chẳng ai như chúng ta, đã không có nguồn tài nguyên vô tận nhưng lòng tham thì khôn cùng. Mãi sống bám vào thiên nhiên thì đâu còn động lực lao động và sáng tạo, càng không thể tự lực tự cường; ngược lại, càng yếu đi và phải trả giá ngày càng đắt: thiên tai khốc liệt hơn, môi trường khắp nơi bị ô nhiễm trầm trọng thêm, cuộc sống người dân đảo lộn...
Đừng đem vàng, đem bạc đi bán nữa!
Bình luận (0)