Ngày 26-10, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông, cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án giết người xảy ra tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông trong vụ xả súng hoa cải bắn chết 3 người và 16 người khác bị thương. Cùng ngày, cơ quan này cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đối với Đặng Văn Hiến (SN 1976; ngụ xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).
Giao đất mất rừng
Ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh cơ quan chức năng đang làm rõ vai trò của một số đối tượng trong vụ án và sẽ khởi tố trong thời gian tới. Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Đức, ngoài Đặng Văn Hiến, bước đầu cơ quan điều tra xác định được 4 nghi can liên quan là Hoàng Văn Thắng (SN 1965; ngụ xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp), Ninh Viết Thọ (SN 1980), Ninh Viết Bình (SN 1982, cùng quê Thái Nguyên) và Ninh Viết Vương (em họ của Thọ).
Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ xả súng làm 3 người chết
Lần theo hồ sơ của vụ việc trên, được biết năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty TNHH Long Sơn (Công ty Long Sơn) thuê 1.079 ha đất và rừng tại Tiểu khu 1535 ở xã Quảng Trực để đầu tư dự án nông lâm nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng. Trong số đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 539 ha. UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt phương án trồng cao su, trồng rừng trên diện tích đất trống và bảo vệ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Tuy Đức ngày 24-10, sau gần 9 năm triển khai dự án, công ty mới chỉ trồng được hơn 92 ha cao su, trong khi diện tích rừng bị tàn phá lên gần 502 ha.
UBND huyện Tuy Đức cũng cho biết phần lớn diện tích đất tranh chấp ở đây đều được người dân trồng cây công nghiệp trước thời điểm giao đất cho doanh nghiệp (DN) nhưng chính quyền và DN không thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đầy đủ khiến người dân bức xúc. Về diện tích cây trồng bị Công ty Long Sơn san ủi dẫn đến nổ súng, báo cáo của UBND huyện Tuy Đức cũng khẳng định: “Công ty TNHH Long Sơn cho xe múc ủi khoảng 0,5 ha điều (trên 2 năm tuổi) của ông Hoàng Văn Thắng tại khoảnh 7, Tiểu khu 1535 lấn chiếm đất do nhà nước quản lý”. Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức, cho biết vị trí, diện tích san ủi không thuộc đất của Công ty Long Sơn. Thế nhưng ngày 23-10, công ty này tự ý đưa người, máy móc vào san ủi nhưng không thông báo với chính quyền địa phương.
Không giải quyết dứt điểm
Trong những năm qua, nhiều hộ dân đã khiếu kiện đòi bồi thường, hỗ trợ khi Công ty Long Sơn thu hồi đất mà họ cho rằng mình đã khai hoang tại Tiểu khu 1535.
Cụ thể, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông giải quyết vụ việc nhưng các hộ dân vẫn chưa chấp nhận vì cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng. Cuối năm 2015, nhiều hộ dân tiếp tục tố cáo Công ty Long Sơn hủy hoại tài sản của họ. UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo công an huyện điều tra, xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Tiếp đó, ngày 4-12-2015, nhiều hộ dân gửi văn bản tới các cơ cơ quan chức năng, yêu cầu Công ty Long Sơn bồi thường, hỗ trợ khi san ủi, chặt phá cây trồng, nhà cửa của người dân nhưng cũng chưa được giải quyết.
Ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, thừa nhận việc tranh chấp đất đã làm mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương trong thời gian dài. Trên địa bàn có quá nhiều người di cư tự do nên địa phương không quản lý được. Trong khi đó, Công ty Long Sơn cũng chưa làm tốt công tác quản lý đất rừng được giao.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, trong thời gian qua, việc ổn định dân di cư tự do khó khăn do người dân thiếu đất sản xuất. “Phải có cách nào đó để những sự việc như ở Quảng Trực không còn xảy ra” - ông Huân nói.
Hàng ngàn hecta rừng bị tàn phá
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các DN với tổng diện tích rừng hơn 31.600 ha, trong đó có hơn 14.300 ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ, phát triển. Sau 6 năm đã có gần 4.800 ha rừng bị tàn phá, gần 8.300 ha rừng và đất rừng bị người dân lấn chiếm. Tuy Đức là huyện được tỉnh giao đến 18 dự án với hơn 9.100 ha, trong đó có hơn 5.500 ha rừng tự nhiên phải quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ nhưng nay đã mất hơn 2.200 ha. Công ty Long Sơn là 1 trong 3 DN để mất gần hết rừng tự nhiên được giao.
Bình luận (0)