xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không bỏ cuộc: Đi qua nỗi đau

Bài và ảnh: KHA MIÊN

Mất giọng nói và ánh sáng nhưng trong trái tim những người khuyết tật, ước mơ không bao giờ tắt. Họ đã vươn lên làm chủ bản thân và giúp đỡ rất nhiều người cùng cảnh ngộ

Sáng chủ nhật, hơn 40 gương mặt chăm chú theo dõi một phụ nữ tóc bạc trắng ra dấu tay liên tục ở một góc Công viên 23-9 (quận 1, TP HCM). Vắng tiếng giảng bài hay lời phát biểu nhưng không vì thế mà lớp học dành cho những người khiếm thính của cô giáo Lê Thị Thu Xương (SN 1953, ngụ quận 4) kém sôi nổi.

Người kết nối ngôn ngữ

Năm 1977, Lê Thị Thu Xương tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm mẫu giáo, trở thành giáo viên mầm non tại Trường Mẫu giáo Lê Văn Tám (phường 2, quận 4). Sau nhiều năm đứng trên bục giảng, cô được đề bạt làm hiệu phó của trường rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục quận 4. 10 năm gắn bó với nghề, bỗng một ngày, căn bệnh ung thư thanh quản cướp đi của cô giọng nói. 33 tuổi, cùng với kết luận bệnh án “mất âm thanh vĩnh viễn” là quyết định buộc thôi việc của nhà trường.

Suy sụp, cô Xương khóc đến nỗi mang thêm căn bệnh lao phổi. Cô bị cách ly hoàn toàn, tách biệt với thế giới đang sống không chỉ riêng giọng nói. Rời khỏi giường bệnh sau 1 năm chữa trị, cô buộc mình phải mạnh mẽ hơn để chấp nhận sự thật và bắt đầu một cuộc sống mới.

img
Cô Lê Thị Thu Xương dạy ngôn ngữ ký hiệu tại Công viên 23-9

Không biết đi xe, cô lội bộ khắp các ngõ hẻm với một tờ giấy và một cây bút. Xin rửa chén, không một quán ăn nào chịu nhận cô. May mắn, cô được một người bạn giới thiệu vào làm đánh bóng sơn mài ở quận Bình Thạnh. Ba năm sau, cô xin nghỉ việc vì bị dị ứng sơn, chuyển sang phụ cân bánh mứt ở chợ Bến Thành rồi làm tạp vụ ở văn phòng Hãng Hàng không Singapore Airlines.

Chín năm sống trong câm lặng, tình cờ cô gặp một thanh niên người Mỹ. Sau cuộc trò chuyện qua giấy, chàng trai trẻ một lần nữa trở lại Việt Nam, trao tận tay cô chiếc máy có thể phát ra âm thanh khi đưa vào dưới cằm, bên ngoài thanh quản. “Tôi cứ suy nghĩ hoài, sợ một lúc nào đó sẽ bị cho nghỉ việc nên quyết định đi học ngôn ngữ ký hiệu tại cơ sở giáo dục chuyên biệt Anh Minh (quận Bình Thạnh, TP HCM) vào năm 2001” - cô Xương chia sẻ.

Những buổi học đầu tiên trôi qua vô cùng khó khăn khi ngón tay cô cứng ngắc. Không bỏ cuộc, cô cố gắng ghi nhớ bài giảng rồi tìm mua sách về ngôn ngữ ký hiệu, tự mày mò thêm. Học được 3 tuần, giáo viên đứng lớp bị bệnh, cô xung phong lên bảng viết chữ. Cơ duyên cũng bắt đầu từ đó, cô trở thành giáo viên lần thứ hai ở độ tuổi 48 sau 2 tháng làm quen với ngôn ngữ mới.
 
Khi đã sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ ký hiệu, cô không chỉ trở thành “linh hồn” của CLB Khiếm thính TP HCM mà còn miệt mài trên hành trình “gieo” ngôn ngữ ký hiệu miễn phí tại nhiều nơi như: Trường ĐH Y Dược TP HCM, Hội Cựu giáo chức, CLB Nhịp sống trẻ...

Thầy Đến dạy đàn

Nằm sâu trong con hẻm phủ kín tầm vông, mái ấm Mây Bốn Phương ở địa chỉ 36A Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười và âm nhạc.

Trong cơn mưa tầm tã sáng chủ nhật, tiếng đàn organ điêu luyện của anh Lê Văn Đến (SN 1976, quê Trà Vinh) hòa cùng nhịp trống của chị Bùi Thị Kim Loan (vợ anh Đến, SN 1972, quê Khánh Hòa) đã giúp lời ca của các thành viên mái ấm cất lên đầy cảm xúc.

img
Anh Lê Văn Đến (trái) đang hướng dẫn học trò Nguyễn Bá Nhanh học đàn
 
Sinh ra với đôi mắt mờ đục, tuổi thơ của anh Đến gắn với những bài ca cách mạng được cha vốn là văn công phục vụ kháng chiến say sưa hát cùng bạn bè. Bảy tuổi, cậu bé nghèo gặp được một người thầy khiếm thị ở quận 8 dạy miễn phí đàn mandolin.
 
Gia đình có 6 anh chị em nhưng có đến 2 người khiếm thị từ nhỏ, 1 người mắc bệnh tâm thần nên cha mẹ anh đã vô cùng chật vật khi nuôi nấng các con. Không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ, năm 12 tuổi, anh một mình rời quê lên TP HCM tìm kiếm người thầy năm xưa với khát khao trau dồi ngón đàn, học được một cái nghề.
 
Vừa đặt chân lên TP, anh bị kẻ xấu lấy hết tài sản. Tuần đầu tiên không tiền bạc, anh lang thang khắp nơi, lấy công viên, hiên nhà… làm chốn ngủ. Tìm được nhà thầy, ban ngày, anh đi làm đủ thứ nghề từ bán vé số, bánh bò, bánh mì… để mưu sinh; tối đến, anh đắm chìm với âm nhạc.
 
Năm 20 tuổi, đã thành thạo nhiều loại nhạc cụ, anh bắt đầu đi tìm việc làm với nghề đánh đàn. Thế nhưng, không ai nhận một người khiếm thị như anh. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục với những công việc cũ và chơi đàn mỗi lúc rảnh rỗi. Say tiếng hát của chàng trai giàu nghị lực, người con gái bị cướp đi ánh sáng bởi căn bệnh trái rạ lúc 5 tuổi đã vượt qua mọi rào cản để nên duyên vợ chồng với anh.

Cuộc sống ngày càng khó khăn, anh Đến - chị Loan quyết định về Củ Chi sinh sống. Với nghề đàn sẵn có, anh trở thành cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi. Nhờ sự cố gắng miệt mài, đôi vợ chồng trẻ mua mảnh đất trả góp, dựng tạm một ngôi nhà, đùm bọc và dạy nghề cho một vài người bạn khiếm thị khó khăn.

Tiếng lành đồn xa, những mảnh đời bất hạnh tìm đến với anh chị nhiều hơn. Mái ấm Mây Bốn Phương chính thức ra đời vào ngày 13-4-2007. Đến với mái ấm cách đây 4 năm, anh Nguyễn Bá Nhanh (SN 1983, quê Bạc Liêu, “ca sĩ chính” của mái ấm) tâm sự: “Người bình thường học đàn đã khó, chúng tôi không nhìn thấy gì nên càng khó khăn gấp bội. Nhờ sự chỉ dạy tận tâm của thầy Đến, tôi đã vượt qua thử thách để theo đuổi đam mê của mình”.

Đến nay, hơn 100 người khiếm thị đã được thầy Lê Văn Đến dạy chơi nhạc cụ miễn phí và hỗ trợ việc làm. Nhiều người trong số ấy đã thành tài và có thể tạo dựng cuộc sống riêng. Trong khi chồng truyền ngón đàn, chị Loan cũng tận tình chỉ dạy nghề mát-xa cho các chị em đồng cảnh ngộ.

Trả ơn đời

Hiện nay, đôi vợ chồng khiếm thị Lê Văn Đến - Bùi Thị Kim Loan còn chăm sóc một cụ già trên 80 tuổi, 15 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc mồ côi cha mẹ và 32 trẻ khuyết tật. Mới đây, 6 đám cưới giản dị nhưng ấm áp của các đôi vợ chồng khiếm thị lần lượt diễn ra trong niềm vui chung của những thành viên mái ấm Mây Bốn Phương.
 
“Trước đây, tôi may mắn được một người thầy khiếm thị dạy nhạc miễn phí nên bây giờ tôi chỉ góp chút sức nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ các em” - anh Đến chia sẻ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo