Mới đây, do bị đau bụng, anh N.V.K (ngụ xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lên Trạm Y tế xã An Trung khám. Khám xong, bác sĩ bảo ra nhà thuốc bên ngoài mua vì trạm hết thuốc.
Chị L.T.T (27 tuổi, ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết ngày 30-12-2015, chị đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Pleiku. Sau khi thăm khám, chị được kê 3 loại thuốc điều trị bệnh “rối loạn kinh nguyệt”, uống trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, lúc ra quầy nhận thuốc thì chị T. được nhân viên thông báo BV hết thuốc và chỉ ra quầy thuốc tư nhân để mua. “Lẽ ra tôi được BHYT chi trả, đằng này phải cầm đơn thuốc ra nhà thuốc ngoài BV mua, mất gần 1,5 triệu đồng. Liệu BV có hết thuốc thật?” - chị T. đặt vấn đề.
Thời gian qua, nhiều người đến khám bệnh theo diện BYHT tại các BV, cơ sở y tế ở Gia Lai bị từ chối cấp thuốc với lý do tương tự như 2 trường hợp trên. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Dược BVĐK TP Pleiku, thừa nhận thời gian qua, nhất là trong năm 2015, tại đơn vị này hầu như thuốc nào cũng thiếu.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc là do thay đổi cách thức đấu thầu thuốc. Thay vì đấu thầu theo hình thức tập trung như trước đây, hiện Sở Y tế tỉnh Gia Lai tổ chức đấu thầu theo hình thức đại diện và giao cho BVĐK tỉnh Gia Lai làm đại diện. Quy trình đấu thầu mới phức tạp, mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc cho các BV.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai, cho biết theo quy trình này, từ tháng 3-2015, các cơ sở y tế tuyến dưới xây dựng các danh mục thuốc cần mua gửi về Sở Y tế tỉnh Gia Lai, sau đó sở chuyển danh mục về BVĐK tỉnh Gia Lai để xây dựng kế hoạch đấu thầu rồi trình lại cho Sở Y tế tỉnh Gia Lai thẩm định. Thẩm định xong, Sở Y tế gửi lên UBND tỉnh Gia Lai để phê duyệt giá, kế hoạch. Đến khi BVĐK tỉnh Gia Lai có kết quả đấu thầu thuốc với các công ty dược, Sở Y tế thành lập hội đồng để thẩm định lại các danh mục thuốc cần mua. Lúc này, các cơ sở y tế tuyến dưới xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc lại từ đầu. Chưa hết, Sở Y tế tỉnh Gia Lai lại phải đứng ra tổ chức đấu thầu trực tiếp cho các cơ sở y tế tuyến dưới với các công ty dược, dựa vào kết quả đấu thầu lần đầu của BVĐK tỉnh Gia Lai.
Quy trình phức tạp này ngốn 10 tháng, đến tháng 1-2016, các cơ sở y tế mới mua được thuốc. Đa phần người dân khám BHYT không được cấp thuốc rơi vào thời điểm... thiếu thuốc này. Mặc dù vậy, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho rằng phương thức đấu thầu đại diện là tối ưu nhất, khắc phục được sự chậm trễ, mất thời gian và ngăn ngừa được tiêu cực như ở phương thức đấu thầu tập trung trước đây.
Ông Mai Xuân Hải cho rằng không loại trừ một số BV có thuốc nhưng không cấp hoặc cố tình kê đơn những loại thuốc biệt dược mà trong BV không có để buộc bệnh nhân ra ngoài mua.
Bình luận (0)