Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 14-4 về kết quả hoạt động quý I/2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết đã phát hiện 4 vụ gồm 6 đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 3 cá nhân, xử lý hình sự 3 vụ, 5 đối tượng.
Trong quý I, toàn ngành đã triển khai 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351,4 tỉ đồng và 1.973,5 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 731,5 tỉ đồng và 335,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 22.619,9 tỉ đồng và 1.637,9 ha đất; ban hành 60.661 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 642,7 tỉ đồng. Các vụ tham nhũng bị phát hiện xảy ra tại Thừa Thiên - Huế (1 vụ), Hà Nội (1 vụ), Lâm Đồng (1 vụ) và Đồng Nai (1 vụ).
Về kế hoạch công tác quý II/2016, ngành thanh tra tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc, chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và khi được giao, thanh tra lại theo đúng quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công trình khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho thấy việc kiểm soát tham nhũng của nước ta còn hạn chế, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - TTCP, cho biết TTCP chỉ là cơ quan phối hợp với UNDP. “Chúng ta vừa kết hợp phương pháp đánh giá của PAPI vừa phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá của ta căn cứ vào nhiều nguồn khác, còn PAPI thì chỉ qua điều tra xã hội học và chưa được kiểm nghiệm chính xác trong thực tế, chỉ mang tính tham khảo” - ông Đạt lý giải.
Ông Phạm Trọng Đạt cho biết tới đây, TTCP sẽ tổng kết Luật Phòng chống tham nhũng sau 10 năm thực hiện. Trong đó, việc kê khai tài sản là một trong những biện pháp quản lý tài sản của đối tượng có nguy cơ tham nhũng, nhất là quan chức. “Hiện nay, kê khai nhưng không công khai được nhiều, được sâu. Kê khai nhưng không thẩm định, xác minh được, không trung thực, mang tính hình thức” - ông Đạt chỉ rõ.
Ông Đạt khẳng định: “Sắp tới đây, Luật Phòng chống tham nhũng sẽ sửa việc kê khai tài sản theo hướng thu gọn đối tượng kê khai. Đã kê là phải công khai, còn công khai ở mức độ nào thì sẽ tính toán và phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai. Tài sản thì phải công khai, trừ bí mật của nhà nước. Không công khai tài sản thì đừng làm quan chức nữa”.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho rằng hiện nước ta chủ yếu còn tiêu dùng bằng tiền mặt nên rất khó để quản lý được thu nhập bên ngoài của cán bộ, khó chứng minh được nguồn thu nhập đó đến từ tham nhũng, hối hộ, dẫn đến khó chống tham nhũng tốt được.
Bổ nhiệm cán bộ “rất chặt chẽ”
Về việc ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng TTCP, bổ nhiệm, điều động 35 cán bộ, gồm 11 cấp vụ và 24 cấp phòng, trong 6 tháng gần đây, ông Ngô Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - TTCP, khẳng định công tác bổ nhiệm được thực hiện đúng nguyên tắc, rất chặt chẽ. Các trường hợp này đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm.
Bình luận (0)