xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không được hạn chế quyền công dân

Bài và ảnh: Phan Anh

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cần nghiên cứu kỹ khi sửa đổi, bổ sung Quyết định 23 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

Chiều 16-5, Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Dự thảo này do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện để sửa đổi, bổ sung Quyết định 23 ngày 15-5-2015 của UBND TP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Cho thỏa thuận giá bồi thường

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Quyết định 23 có 53 điều thì dự thảo đã sửa đổi, bổ sung hết 32 điều. Tuy nhiên, luật sư Hòa cho rằng vẫn cần xem xét sửa đổi, bổ sung thêm vì có những điều tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng. "Đó là nên có một hội đồng. Toàn văn quyết định này phải dùng từ thống nhất là Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì thu hồi đất phải có bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây là tinh thần các nghị quyết của Đảng, chính sách của nhà nước. Điều này cũng được luật quy định nên không có chuyện tách hội đồng tái định cư ra làm một hội đồng riêng" - luật sư Hòa đề nghị.

Không được hạn chế quyền công dân - Ảnh 1.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội nghị

Đi vào cụ thể, luật sư Trương Thị Hòa cho biết bà không đồng ý với việc sửa khoản 2, điều 3 của Quyết định 23. Khoản 2, điều 3 của Quyết định 23 quy định "Việc bồi thường được thực hiện bằng giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất". Việc này cũng được nói rõ trong Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên thực tế, TP không có quỹ đất để thực hiện bồi thường bằng giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi nên đề nghị sửa khoản 2 điều 3 cho phù hợp là: "Do TP không có quỹ đất để thực hiện bồi thường bằng giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi nên sẽ thực hiện bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất". "Sở Tài nguyên và Môi trường sửa như vậy là trái với Luật Đất đai năm 2013. Hơn nữa, còn vi phạm Hiến pháp khi hạn chế quyền của người dân. Tự nhiên lại bỏ đi quyền lợi của người dân trong khi luật cho phép. Các địa phương khác có, tại sao TP lại không, trong khi nguồn đất đai không phải thiếu" - luật sư Hòa đặt vấn đề.

Cũng liên quan đến khoản 2 điều 3, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng để bảo đảm việc bồi thường theo nguyên tắc giá thị trường và giảm bớt thủ tục hành chính, đối với các dự án thu hồi để giao đất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thì cho phép hai bên thỏa thuận giá bồi thường. Theo luật sư Hậu, có những trường hợp khi thu hồi đất của dân, TP không có quỹ đất nên việc đền bù giao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu hồi đất, đền bù cho dân thấp nhưng sau đó bán ra thị trường với mức giá cao gấp nhiều lần.

Phải thuê đơn vị tư vấn

Việc sửa đổi, bổ sung điều 4 về việc xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi cũng được nhiều đại biểu thảo luận. Theo Quyết định 23, việc xác định giá đất để tính bồi thường thì sẽ thuê tư vấn. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian nên kiến nghị giao cho UBND quận - huyện tiến hành khảo sát hoặc thuê đơn vị tư vấn để xác định hệ số điều chỉnh giá đất ngay sau khi có chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận của UBND TP. Về vấn đề này, luật sư Trương Thị Hòa đánh giá là không phù hợp. "Giá đất trên cơ sở bảng giá đất và hệ số K. Ở đây lại để cho UBND quận - huyện tự khảo sát. Pháp luật phải quy định cụ thể, đâu có thể muốn làm gì thì làm. Tôi đề nghị phải thuê đơn vị tư vấn để xác định hệ số điều chỉnh giá đất và UBND quận - huyện giám sát đơn vị đó" - luật sư Hòa kiến nghị. Luật sư Hòa cũng không đồng tình việc có chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận của UBND TP thì áp dụng giá bồi thường mà phải sau khi có nghị quyết của HĐND TP. "Xin chủ trương đầu tư hiện nay rất dễ, dự án càng lớn càng dễ xin. Khi TP đồng ý chủ trương thì chưa chắc thực hiện dự án liền mà nhiều khi mấy năm sau mới triển khai. Vì vậy, nếu lấy giá khi có chủ trương của UBND TP thì quá thiệt thòi cho người dân" - luật sư Hòa lý giải.

Ở điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng đề nghị cần nêu rõ quyền giám sát của người dân trong quá trình điều tra, khảo sát giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất có ảnh hưởng lớn đến tổng giá trị của thửa đất thu hồi. Để công khai minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật, luật sư Hậu đề xuất cần quy định rõ việc cho phép sự tham gia của MTTQ tại địa phương để giám sát, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân đối với tổ chức thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để xác định hệ số đất trên thị trường tại nơi có quyết định thu hồi. Qua đó, phản ánh được sự công bằng, minh bạch và bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Tránh cơ chế giải quyết theo "thâm tình"

Theo TS Phạm Sanh, muốn tránh được việc người dân khiếu kiện kéo dài thì sửa đổi, bổ sung Quyết định 23 là rất cần thiết. Ông đánh giá: "32 điều sửa đổi, bổ sung thì trên 20 điều đều coi lại hết hoặc giữ nguyên như trước đây TP đã có. Mở rộng vừa khó hiểu và không đúng quy định pháp luật, trong khi việc thu hồi đất dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hàng chục năm nay". Ông cũng lưu ý Sở Tài nguyên và Môi trường khi soạn dự thảo phải nghiên cứu các luật khác như nhà ở, xây dựng, đầu tư công… Bởi nếu không có quy định rõ ràng, minh bạch thì sẽ đẩy "trái banh" về cho các quận - huyện, dễ dẫn tới việc giải quyết theo thâm tình, thậm chí là xin cho. Ngoài ra, TS Phạm Sanh cũng cảnh báo TP HCM là một trong những TP "yếu" nhất trong việc công bố chỉ số giá xây dựng. Luật quy định từng quý, từng tháng phải ban hành chỉ số giá nhưng 2 năm nay, TP không làm được. "Cả nước đều có, trừ TP không có nhưng lại đưa vô dự thảo. Đã không công bố còn đưa vô làm chi?" - TS Phạm Sanh đặt vấn đề.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo