xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không quy chuẩn, thủy điện cứ xây

THU MINH - THÚY PHƯƠNG

Các nhà khoa học nhận định: Việc phát triển thủy điện tràn lan gây mất rừng, xói mòn đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tính mạng của người dân

Ngày 7-5, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững - các bài học và khuyến nghị” nhằm mổ xẻ câu chuyện được - mất từ việc phát triển thủy điện sau sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2.

Tiêu chuẩn của… Trung Quốc

Tại hội thảo, các chuyên gia đều có chung nhận định: Đập thủy điện Sông Tranh 2 có sự cố lớn về chất lượng chứ không thể nói là bình thường, bảo đảm an toàn. Con đập này đang “mắc bệnh” nên cần phải sớm tìm nguyên nhân, xử lý dứt điểm để tránh gây thảm họa cho vùng hạ lưu.

img

Nhà tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bị bỏ hoang vì không phù hợp với cuộc sống người dân. Ảnh: THÚY PHƯƠNG

Trước khi diễn ra hội thảo, đoàn chuyên gia độc lập đã thị sát công trình đập thủy điện Sông Tranh 2.  Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không cho thành viên nào của đoàn công tác mang theo máy ảnh vào bên trong hầm. Tận mắt chứng kiến các điểm rò rỉ nước khắp nơi trong hầm, các chuyên gia tỏ ra lo ngại về sự an toàn của con đập. Hiện lượng nước thẩm thấu qua đập chỉ được thu gom sơ sài, vẫn còn chảy tràn lan khắp nơi trong hầm. Hiện Ban Quản lý dự án thủy điện 3 vẫn đang… lựa chọn nhà thầu để xử lý sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, lo lắng: “Điều nghịch lý là lâu nay, cả nước đã triển khai xây dựng hàng loạt thủy điện lớn - nhỏ. Thế nhưng, hiện quy chuẩn quốc gia về thủy điện mới chỉ dừng lại giai đoạn… soạn thảo ! Thủy điện Sông Tranh 2 thiết kế theo tiêu chuẩn của Mỹ và Nga nhưng khi xây dựng lại áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc”.
GS  Vũ Trọng Hồng cho rằng nếu không xử lý dứt điểm sự cố rò rỉ ở đập Sông Tranh 2 thì tuổi thọ công trình bị rút ngắn, đập có thể không vỡ ngay bây giờ nhưng vài chục năm sau, thế hệ con, cháu dễ gánh lấy thảm họa.

Đe dọa cuộc sống người dân

Hiện nay, việc xây dựng công trình thủy điện tràn lan đã làm trơ đáy các dòng sông, ngăn chặn cả các nhánh sông, gây xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân vùng hạ lưu. Các chuyên gia về đập thủy điện, thủy lợi đánh giá hơn 90% công trình thủy điện trong cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ du vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Vào mùa mưa lũ năm 2009 và 2010, thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 đã xả lũ không theo quy trình gây lụt lớn, thiệt hại nặng về người và tài sản cho hàng vạn người dân vùng hạ du Quảng Nam. Trong khi đó, việc tái định cư cho người dân ở trong khu vực thủy điện không hợp lý, thiếu đất canh tác nên họ phải phá rừng, cuộc sống rất khó khăn”.

TS Đào Trọng Hưng, thành viên Ban Tư vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cho biết thủy điện tác động xấu đến môi trường: mất rừng, ảnh hưởng đến khu bảo tồn đa dạng sinh học, xói mòn, thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, gây địa chấn… Có đến 119 thủy điện liên quan trực tiếp đến 47 khu rừng đa dạng sinh học. Mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “cõng” 2,5 dự án thủy điện. Riêng Vườn Quốc gia Cát Tiên có 6 dự án, Hoàng Liên có 6 dự án, khu bảo tồn Sông Tranh có 7 dự án...
GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, công bố: Từ cuối năm 2010, mạng lưới trạm quan trắc tại Huế và Bình Định đã ghi nhận 10 trận động đất kích thích xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh nhất đạt xấp xỉ 5,5 - 6,1 độ Richter.

Kết thúc buổi hội thảo, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia đầu ngành để kiến nghị lên Quốc hội về vấn đề quy hoạch, phát triển thủy điện bền vững, đặc biệt là việc xử lý dứt điểm sự cố rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2 để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hàng vạn người dân vùng hạ du.

Hạn chế phát triển thủy điện tràn lan

TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cho rằng cần xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế phát triển thủy điện tràn lan, giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái các dòng sông, văn hóa cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn; phải có kịch bản liên quan đến sự cố vỡ đập và các phương án phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng trong phạm vi ảnh hưởng của đập.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo