Tiếp đó là vụ Nguyễn Quang Tân (SN 1970, ở Gia Lai) vì tranh giành đất đai đã nhẫn tâm hành hung gây thương tích nặng đối với cha và chị ruột. Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ trọng án liên tục xảy ra trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước.
Thực tế cho thấy cái ác ngày càng có chiều hướng gia tăng với biểu hiện khủng khiếp, kinh hoàng hơn. Chuyện các đối tượng côn đồ hành hung, sử dụng bạo lực, đâm chém nhau vẫn xảy ra hằng ngày. Ngoài những nguyên nhân về tình ái, tiền bạc, còn có những vụ án xảy ra chỉ vì những chuyện không giống ai như va chạm xe, “nhìn thấy gai mắt”, “ghét cái mặt kênh kênh”…
Rõ ràng tình trạng bạo lực trong thời gian gần đây đã gây tâm lý bất an cho xã hội. Cái ác đã trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của mọi người. Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn gọi tình trạng bạo lực hiện nay là biểu hiện của sự suy thoái, tha hóa đạo đức xã hội. Tuy nhiên, cái ác không chỉ là những hành động giết, cướp hay sử dụng bạo lực đối với người khác. Cái ác hiện nay rất “muôn hình vạn trạng”.
Dư luận từng bức xúc trước tình trạng sản xuất, buôn bán rau quả, thịt gia súc, gia cầm kém chất lượng hoặc có chứa chất cấm, gây nguy hại đến tính mạng người sử dụng. Dư luận cũng nhiều lần lên án mạnh mẽ đối với những doanh nghiệp, tư thương vô đạo đức vì chạy theo lợi nhuận đã buôn bán, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, sử dụng quá mức hóa chất để chế biến, bảo quản thực phẩm. Những hành vi trên cũng chính là tội ác bởi nó đã âm thầm hủy hoại sức khỏe, gieo rắc cái chết cho cộng đồng.
Xã hội càng phát triển sẽ phát sinh những loại tội phạm mới với hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Theo các chuyên gia tâm lý học, ranh giới giữa cái ác và cái thiện bây giờ rất mong manh. Thậm chí, trong một số trường hợp, cái ác đã lấn át cái thiện.
Còn theo các nhà xã hội học, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức trong xã hội, trước hết là tác động của nền kinh tế thị trường không tương đồng với phát triển văn hóa - xã hội. Nhiều người vì quen lối sống hưởng thụ, muốn làm giàu nhanh nên coi thường các giá trị đạo đức. Bên cạnh đó, sự phân hóa xã hội ngày càng rõ khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ mất niềm tin, phương hướng dẫn đến phạm tội. Nhưng một nguyên nhân khác rất căn cơ chính là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và kẽ hở của hệ thống pháp luật khiến cái ác có điều kiện “sinh sôi nảy nở”.
Có người bảo rằng “thôi thì một câu nhịn, chín câu lành”. Điều này có thể là hành động khôn ngoan trong trường hợp đối diện với cái ác, có thể nguy hại sinh mạng. Nhưng nếu tâm lý cầu an này luôn thường trực sẽ hình thành thái độ vô cảm, nếu không muốn nói đó chính là sự thỏa hiệp cho cái ác lấn lướt.
Một xã hội văn minh, hạnh phúc, công bằng sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi thủ ác nào cả!
Bình luận (0)