Con đường hẹp từ chân núi dẫn lên đỉnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) dài gần 40 km, ngoằn ngoèo và dựng đứng. Dọc đường, những cánh rừng nguyên sinh xanh thẫm, chồm ra tận mé đường. Xe của chúng tôi nhiều lần phải dừng đột ngột vì thú rừng băng ngang đường.
Chọc vào tim khu bảo tồn thiên nhiên
Khu bảo tồn thiên nhiên này được xem là có hệ động thực vật phong phú nhất còn sót lại của tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, khi lên đến đỉnh Hòn Bà, ở độ cao 1.578 m (so với mặt nước biển), một bãi đất rộng đã được san ủi từ lúc nào, hiện đang được Công ty CP Yasaka Sài Gòn - Nha Trang (gọi tắt Công ty Yasaka) xây dựng thành Khu Du lịch Hòn Bà - Yersin.
Vào năm 1915, bác sĩ Alexandre Yersin đã xây dựng trại nghiên cứu ở nơi này. Hiện nay, ngoài việc trùng tu trại nghiên cứu của bác sĩ A. Yersin, Công ty Yasaka còn xây thêm 1 nhà sàn rộng khoảng 100 m2 để phía dưới làm nhà hàng, bên trên làm nơi ở cho khách du lịch.
Ngoài ra, công ty này xây thêm 5 bungalow (dạng nhà ở nhỏ, riêng biệt) bằng gỗ, mái lợp tôn, mỗi bungalow rộng hơn 19 m2 trong rừng; 2 bể chứa nước mưa, mỗi bể có diện tích từ 30-32 m2 và 3 bãi đất treo bạt để cắm trại, mỗi bãi rộng gần 100 m2.
Không thể xác định có bao nhiêu cây rừng bị đốn hạ trong quá trình xây dựng các công trình này bởi tất cả đều không còn dấu vết. Chỉ thấy tại một bãi đất dùng để cắm trại, một cây gỗ to bằng thân người lớn có dấu đốn hạ đang nằm chỏng chơ.
Tại Khu Du lịch Hòn Bà - Yersin có 4 nhân viên túc trực. Trong vai khách tham quan, chúng tôi phải mua vé giá 30.000 đồng/người. Một nhân viên ở đây cho biết tầng trên của nhà hàng dùng làm chỗ nghỉ cho khách tham quan có sức chứa đến 40 người, giá nghỉ qua đêm 100.000 đồng/người, giá ở mỗi bungalow là 500.000 đồng/đêm.
“Nhờ khí hậu lạnh như Đà Lạt nên nhiều du khách đến đây. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi đón khoảng 100 lượt khách. Những ngày lễ, Tết đến 300 khách. Khách muốn đốt lửa trại, chúng tôi cũng đáp ứng ngay với giá 200.000 đồng. Mấy anh kiểm lâm ở đây thường qua đây giao lưu với chúng tôi” - một nhân viên nói rồi đưa mắt nhìn qua chốt kiểm lâm đỉnh Hòn Bà. Thời điểm ấy, chốt này khóa im ỉm.
Xử phạt nhưng vẫn tồn tại
Các công trình tại khu du lịch này được cho là xây dựng từ những năm 2010, 2011. Ngày 12-7-2012, đoàn kiểm tra gồm Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, Trung tâm Điều tra - Khảo sát - Thiết kế nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đã kiểm tra khu vực này với sự chứng kiến của đại diện Công ty Yasaka.
Đoàn kiểm tra kết luận ngoại trừ nhà làm việc của bác sĩ A. Yersin đã có sẵn trước khi nhận bàn giao, phần còn lại gồm 1 nhà sàn, 5 bungalow, 2 hồ chứa nước đều do Công ty Yasaka đầu tư, xây dựng.
Ngày 19-7-2012, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa báo cáo vụ việc đến Sở NN-PTNT Khánh Hòa. Chi cục Kiểm lâm nêu rõ: Việc xây nhà sàn, bungalow và hồ chứa nước của Công ty Yasaka để làm dịch vụ phục vụ khách tham quan, du lịch mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã vi phạm nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
“Nếu không quản lý chặt chẽ thì khu du lịch này sẽ lấn ra như vết dầu loang, gây nguy hại cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Làm gì làm phải tuân thủ pháp luật” - ông Nguyễn Khương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, nói.
Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đã đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh đình chỉ hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan, du lịch tại khu vực xây dựng các công trình trái phép trong rừng phòng hộ vì nếu không quản lý chặt chẽ hoạt động này thì nguy cơ cháy rừng, phá rừng, gây ô nhiễm môi trường rừng rất dễ xảy ra. Sau đó, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất ý kiến này lên UBND tỉnh. Ngày 26-7-2012, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường số tiền 125 triệu đồng đối với Công ty Yasaka.
Thế nhưng, về việc xử phạt này, ông Đống Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Yasaka, nói rằng ông không quan tâm. “Chỉ là lấy tiền túi này bỏ qua túi kia mà thôi, không có vấn đề gì cả” (phần lớn vốn công ty là vốn nhà nước - PV) - ông Sơn nói.
Một điều kỳ lạ khác là sau khi xử phạt, thay vì dỡ bỏ các công trình trái phép này để trả lại nguyên trạng cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thì các công trình này vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động ngày càng rầm rộ. Theo ông Đống Lương Sơn, trong văn bản xử phạt của UBND tỉnh Khánh Hòa không buộc công ty tháo dỡ và việc kinh doanh của công ty chỉ vì “trách nhiệm” của một doanh nghiệp trong việc gìn giữ lịch sử(?!).
Nếu xin phép sẽ không ai cấp
Ông Sơn cũng thừa nhận các công trình mà công ty xây dựng tại đây đều không xin phép và cũng không hề được ai giao đất. “Nếu làm đúng pháp luật thì không bao giờ làm được vì đã là rừng đặc dụng, không ai cấp phép cả” - ông Sơn khẳng định.
Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, khẳng định sở này không hề giao đất cho Công ty Yasaka xây dựng các công trình này. Sở chỉ giao đất cho BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà quản lý. “Hiện nay so với luật là sai hết đó” - ông Thái khẳng định về việc xây dựng các công trình trái phép tại khu du lịch này.
Điều ngạc nhiên là chính BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà chưa từng kiểm tra các bungalow trên nên cũng không biết sự tồn tại của công trình này có được phép hay không. Ông Nguyễn Hạnh, Phó Giám đốc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, thừa nhận BQL không hề lập dự án du lịch nào ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Khu du lịch này nằm ở vùng bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc loại rừng giàu IIIA3 nhưng ông không xác định được công trình này có nằm trong sự quản lý của BQL hay không.
“Đất này cũng không phải của Yasaka vì tôi chưa nhận được quyết định đó. Đề nghị các anh xem lại ở các cơ quan chức năng để tìm hiểu về cụm nhà này, chứ về cơ bản rừng và đất rừng đi theo là chúng tôi quản lý” - ông Hạnh nói thêm.
Ngạc nhiên hơn, chính cơ quan chủ quản của BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà là Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng không hề biết sự tồn tại các công trình trái phép trên đỉnh Hòn Bà. “Cách đây hơn 1 năm, tôi có lên đó nhưng tôi đâu có thấy cái bungalow nào. Đúng là khí hậu ở đây rất tốt. Nếu làm du lịch sinh thái mà không xây dựng gì hết ở đây thì được” - ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, nói. Theo ông Bản, sở này còn tính xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trở thành vườn quốc gia cấp tỉnh.
Trong khi đó, với nhà đầu tư Công ty Yasaka, vẫn để tồn tại các công trình trái phép này vì dựa vào Thông báo số 572 ngày 15-7-2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa về kết luận tại buổi kiểm tra, khảo sát thực tế khu nhà làm việc của bác sĩ A. Yersin do Phó Chủ tịch Lê Đức Vinh chủ trì vào ngày 29-6-2014.
Theo thông báo này, về chủ trương, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Yasaka đầu tư xây dựng 10 phòng nghỉ dạng bungalow dưới tán cây bằng vật liệu nhẹ, có thể phá bỏ hoặc tháo dỡ khi có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền và phải hoàn tất các thủ tục. Ngày 30-3, phóng viên Báo Người Lao Động đăng ký làm việc với ông Lê Đức Vinh (nay là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) về việc cho phép này nhưng ông Vinh cho biết đang rất bận việc, chưa thể trả lời.
Hệ động, thực vật phong phú
Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cách TP Nha Trang khoảng 30 km đường chim bay và khoảng 60 km đường đi ô tô, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp, có độ cao tuyệt đối 1.578 m. Hệ động thực vật ở đây rất đa dạng, phong phú với khoảng 592 loài thực vật bậc cao, 255 loài động vật. Trong số này có 43 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam như: các loài thông lá dẹt, pơ mu, hồng quang, gõ đỏ, trắc, mun, xoay. Đặc biệt có sự hiện diện của các đàn chà vá chân đen và vượn bạc má. Ở độ cao tương đương, khí hậu quanh năm mát mẻ nên đỉnh Hòn Bà được cho là Đà Lạt thu nhỏ.
Bình luận (0)