xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế hồi phục rõ nét

ĐỖ DU

Báo cáo của Chính phủ cho thấy một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 đạt cao hơn so với con số đã báo cáo Quốc hội, khẳng định rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế

Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 là 6,04% (đã báo cáo Quốc hội khoảng 7%) - thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Nhiều chỉ số khả quan

Ngoài ra, dư nợ tín dụng cả năm tăng 12,5%, tỉ lệ nợ xấu giảm còn 3,63%, trong khi mặt bằng lãi suất năm đã giảm 2%-5% so với trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, cán cân thương mại đã thặng dư năm thứ hai liên tiếp. Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 53,4% GDP, nợ Chính phủ 41,5%, nợ nước ngoài của quốc gia 37,2% và đều trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Tăng trưởng GDP đạt 5,42%, các mặt văn hóa, xã hội có bước phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện.

Theo báo cáo của Chính phủ, dư nợ tín dụng cả năm 2013 tăng 12,5%, mặt bằng lãi suất đã giảm 2%-5% so với trước.  Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Theo báo cáo của Chính phủ, dư nợ tín dụng cả năm 2013 tăng 12,5%, mặt bằng lãi suất đã giảm 2%-5% so với trước. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả đó cho thấy một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội, khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 vẫn phù hợp và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát theo nghị quyết của Quốc hội. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số DN và 16,2% về vốn; đã có hơn 5.800 DN trở lại hoạt động.

Tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6%; thấp hơn nhiều so với con số trung bình khoảng 20% trong các năm trước năm 2011 và thấp hơn mức tăng 16% của năm 2012.

Đáng chú ý, theo ông Giàu, tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn. Năng suất lao động và chất lượng lao động chậm cải thiện so với yêu cầu; tỉ lệ người lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Thống kê cho thấy quý IV/2013 tỉ lệ thất nghiệp chung là 1,9%, tương đương khoảng 900.000 lao động, trong đó 99.500 người có trình độ chuyên môn (CĐ nghề là 8.300 người, CĐ là 19.200 người, ĐH trên 72.000 người). Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 năm 2013 ước tính 6,36%, trong đó khu vực thành thị là 11,11%, khu vực nông thôn là 4,87%...

“Mục tiêu tổng quát Quốc hội đề ra cho năm 2013 đã cơ bản đạt được, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân. Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, nhất là nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại. Đời sống một bộ phận người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, còn có chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, nhóm dân cư... Trật tự, an toàn xã hội, môi trường vẫn còn nhiều vấn đề chậm được xử lý và một số vụ án tham nhũng lớn gây bức xúc dư luận xã hội” - ông Giàu lưu ý.

Đề nghị xử lý việc để nhiều trẻ em chết vì sởi

Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, đặc biệt lo lắng về nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực, sản phẩm còn thấp.

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng thay đổi nhưng thời gian qua, nhiều dịch bệnh diễn ra liên quan đến công tác y tế dự phòng, như: dịch bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Cử tri cho rằng công tác truyền thông trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao, việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện chưa tốt dẫn đến số tử vong do sởi và liên quan tới sởi cao. “Cử tri đề nghị Bộ Y tế tăng cường hơn nữa công tác y tế dự phòng, đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc tiêm vắc-xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo