xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng không gian ngầm

TRƯỜNG HOÀNG

Phát triển không gian ngầm sẽ giải quyết việc tắc nghẽn trên mặt đất, nhất là ở khu trung tâm TP HCM

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM vừa báo cáo với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân về quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị TP. Đây là vấn đề từ lâu được không ít chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kinh tế mong chờ bởi phát triển không gian ngầm ở TP có quá nhiều triển vọng.

Sầm uất khu mua sắm dưới lòng đất

Sense Market là khu chợ thương mại dưới lòng đất đầu tiên của TP HCM. Tuy mới đưa vào hoạt động hơn 3 tháng nhưng Sense Market đã thực sự trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều người.

Chiều tối 27-6, có mặt tại Sense Market, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước việc người dân và du khách nườm nượp vào Sense Market ăn uống, mua sắm; trong khi đó, ở ngày khai trương hồi đầu tháng 3, ít ai biết đến nơi này. "Tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất của TP - khu B Công viên 23-9, bên cạnh phố Tây Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện (quận 1) - nên việc Sense Market trở thành điểm đến của người dân TP và du khách là không khó" - anh Hoàng Triều, người thường xuyên dẫn bạn gái đến Sense Market, nói.

Kỳ vọng không gian ngầm - Ảnh 1.

Khu chợ thương mại dưới lòng đất đầu tiên của TP HCM - Sense Market - ngày càng sầm uất Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài vị trí đắc địa thì trung tâm mua sắm ngầm đầu tiên của TP kể trên còn lợi thế là có tới 400 gian hàng cung cấp đa dạng các mặt hàng từ quần áo, mỹ phẩm đến những phụ kiện nhỏ xinh thích hợp làm quà lưu niệm; một khu chợ tái hiện lại không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản. Đó là chưa kể khi đến Sense Market, người dân và du khách còn có thể dạo chơi ở công viên đầy cây xanh với không khí trong lành.

"Ở khu mua sắm dưới lòng đất này, sướng nhất là chuyện gửi xe" - anh Triều bật mí và chia sẻ thêm hầm giữ xe với thiết kế 3 tầng khá rộng giúp khách hàng có thể thoải mái trong việc gửi xe so với các trung tâm thương mại khác tại TP. Một ưu điểm khác là hầm giữ xe nằm cạnh trung tâm thương mại, giúp du khách có thể dễ dàng trong việc di chuyển mà không phải đi bộ quá xa.

Theo chị Nguyễn Ngọc Thiên Phúc (quận 1), so với các trung tâm thương mại ở trung tâm TP thì Sense Market dần chiếm ưu thế là vì sáng, trưa hay chiều tối nơi đây đều mát lạnh, bãi giữ xe thì không bao giờ quá tải… Nói chung, mọi thứ tiện lợi vô cùng. "Chẳng thế mà một tuần, cả nhà tôi đến Sense Market để ăn uống ít nhất 3 lần" - chị Phúc nói.

Đặc biệt, theo chia sẻ của chị Kiều (chủ cửa hàng quần áo H&P tại Sense Market), trước kia, chị có một quầy hàng tại Saigon Square buôn bán không mấy đắt khách thì nay, khi chuyển qua trung tâm thương mại ngầm đầu tiên này, hàng hóa cũng bán chạy hơn vì lượng khách ghé đến ngày càng nhiều.

"Chia lửa" cho mặt đất

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết chuyện phát triển không gian ngầm ở TP thực tế đã được đặt ra từ lâu, mà cụ thể nhất là việc chấp thuận chủ trương cho xây dựng các bãi giữ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại ở hàng loạt vị trí đắc địa thuộc khu vực trung tâm. Thế nhưng, do vướng quy định về tài nguyên dưới mặt đất, như đóng thuế thế nào, thuê ra sao... nên mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ.

"Sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian ngầm ở TP là điều mọi người đang mong đợi. Việc phát triển các bãi giữ xe, trung tâm mua sắm, siêu thị ngầm ở TP là chuyện không thể dừng. Nhà nước hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp vì đây sẽ là nơi chia lửa cho mặt đất, nhất là khu trung tâm TP đang quá tải mặt bằng" - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Kỳ vọng không gian ngầm - Ảnh 2.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc sử dụng không gian ngầm không chỉ cho mua sắm mà còn phục vụ rất lớn cho giao thông. Do đó, nếu TP sử dụng không gian ngầm theo tính bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường… thì sẽ góp phần rất lớn giải tỏa một phần ùn tắc trên mặt đất. Tuy nhiên, để phát triển không gian ngầm phải nhìn ở nhiều khía cạnh. Kỹ thuật và thiết bị tầng hầm phải thông thoáng để xử lý các sự cố đáng tiếc.

"Để sử dụng không gian ngầm thật hiệu quả, TP phải quy hoạch địa điểm nào khai thác không gian ngầm, địa điểm nào không khai thác" - TS Nguyên nói.

Vẫn chưa quá muộn!

Nói rõ hơn về việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị TP, ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho biết quy hoạch không gian ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị. Nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm ngày càng gia tăng vì sự khan hiếm diện tích mặt đất để bố trí xây dựng công trình, sự hình thành và phát triển của hệ thống metro… Về pháp lý, theo ông Tùng, Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể nội dung yêu cầu thể hiện quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại Nghị định số 37 về "lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 39 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị".

Hiện TP đã có quy hoạch và triển khai các tuyến tàu điện ngầm như tuyến số 1 (3 ga ngầm), tuyến số 2 (10 ga ngầm), tuyến số 3a (10 ga ngầm), tuyến 3b (8 ga ngầm), tuyến số 4 (14 ga ngầm), tuyến 4b (3 ga ngầm), tuyến số 5 (16 ga ngầm), tuyến số 6 (7 ga ngầm), nhà ga trung tâm Bến Thành quy mô 45.000 m2. Khu vực trung tâm hiện hữu TP có diện tích 930 ha là nơi có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng và cũng là khu vực có giá trị sử dụng đất rất cao nên việc phát triển không gian ngầm ở đây là tất yếu.

Trả lời thắc mắc về hiệu quả kinh tế sau quy hoạch và kinh doanh không gian ngầm, ông Hoàng Tùng cho biết về tổng quan, việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế mà còn vì yếu tố văn minh, xã hội và môi trường sống của con người. Khi có quy hoạch không gian ngầm thì hiệu quả và lợi ích mang lại dễ thấy là khả năng khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững đô thị; tăng quy mô, diện tích sàn công trình xây dựng, mở rộng không gian xây dựng; góp phần giải quyết xung đột, ùn tắc giao thông trên mặt đất đem lại lợi ích kinh tế chung cho xã hội; vấn đề môi trường, chỉnh trang đô thị cũng được giải quyết phần nào…

"Quy hoạch và phát triển thương mại dưới lòng đất mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa quá muộn vì dự kiến đến năm 2020 thì tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP mới đi vào hoạt động với 3 nhà ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát TP, Ba Son. Các dự án bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ vẫn chưa triển khai hoặc đang triển khai chưa hoàn thành đưa vào hoạt động" - ông Hoàng Tùng khẳng định. 

Không gian ngầm đang được sử dụng cho 3 nhóm hạng mục công trình hạ tầng cơ bản. Nhóm 1 gồm đường cấp khí gas, nước, điện, thông tin liên lạc… Nhóm 2 gồm các công trình giao thông đô thị như tàu điện ngầm, đường giao thông, bãi đỗ xe… Nhóm 3 là các công trình thương mại dịch vụ như các khu phố mua sắm…

Những thành phố ngầm lớn nhất thế giới

Thành phố ngầm RESO ở TP Montreal - Canada được biết đến là khu phức hợp dưới lòng đất lớn nhất thế giới. Với hệ thống đường ngầm dài 32 km và trải rộng diện tích tương đương 41 dãy phố (khoảng 12 km2) bên dưới Montreal, RESO kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung tâm thành phố này với nhau. Gần nửa triệu người xuống thành phố ngầm RESO mỗi ngày, từ đó tỏa đi nhiều khu căn hộ, khách sạn, văn phòng, ngân hàng, trường đại học, rạp chiếu phim, tàu điện ngầm, bảo tàng, trung tâm thương mại...

Trong khi đó, một trong những quốc gia có nhiều thành phố ngầm lớn trên thế giới là Nhật Bản, điển hình như Crysta Nagahori ở TP Osaka với tổng diện tích hơn 81.000 m2. TP Osaka có các mạng lưới ngầm lớn ở các quận Umeda, Namba và Shinsaibashi. Trong đó, chỉ riêng Umeda đã bao gồm hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, các ga tàu điện ngầm.

Cũng trong khu vực châu Á, hồi tháng 4 vừa qua, Trung Quốc công bố dự án thành phố trong mơ Tân Hùng dưới lòng đất với vốn đầu tư dự kiến lên tới 248 tỉ USD. Thành phố mới có diện tích khoảng 100 km2 thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 100 km về phía Bắc. Dự án này được xây dựng nhằm giúp giảm tình trạng ô nhiễm, dân số đông và tắc nghẽn giao thông ở thủ đô Bắc Kinh. Nếu hoàn thành, đây sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

X.Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo