Xóa nhà “ổ chuột” ven kênh rạch không phải là chuyện mới của TP HCM. Thế nhưng, xem ra tới thời điểm hiện tại, chính quyền mới tìm ra lời giải chính thức để cả người bị giải tỏa, di dời và “chiếc túi” ngân sách cùng đồng thuận.
“Nhằn” được khúc xương
Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết hiện TP đã thành lập tổ công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch. Tổ công tác này đã ra được “đầu bài” những nhiệm vụ triển khai thực hiện và đã xây dựng được cơ chế để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án này.
Theo ông Hoan, tổ công tác trên được thành lập dựa trên cơ sở hiện có khoảng 5.800 hộ dân đang sống ven tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc địa bàn các quận 4, 7 và 8. Dự án kênh Đôi - kênh Tẻ xuất phát đầu tiên là dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3. Sau khi đi thực tế, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho chỉ đạo không chờ dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3 theo vốn của JICA mà TP triển khai ngay việc di dời nhà ở trên kênh rạch và tái định cư (TĐC) cho người dân.
Ông Hoan chia sẻ thêm cách làm trên được không ít các nhà đầu tư ủng hộ và đã có một nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. “Hiện nay, tôi chưa thể cung cấp tên nhà đầu tư nhưng tôi khẳng định là họ đã sẵn sàng cho dự án này. Họ sẽ bỏ tiền ra để giải tỏa, di dời, TĐC cho dân và sử dụng quỹ đất ven bờ để thực hiện dự án khác” - ông Hoan nói và cho rằng nếu tư nhân làm được cái này, TP sẽ triển khai nhanh dự án di dời bên cạnh việc triển khai dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa - phụ trách tổ công tác - nhìn nhận vấn đề di dời và TĐC cho người dân trên kênh rạch là một vấn đề “xương xẩu” đối với chính quyền TP suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia để cùng chính quyền thực hiện thực sự là lời giải cho vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đây là đầu việc mà TP phải triển khai làm ngay, không chờ đợi. “Những vướng mắc gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì TP sẽ có kiến nghị” - ông Phong cho hay.
Mong được TĐC tại chỗ
Ngày 24-6, trở lại những khu nhà “ổ chuột” chạy dọc con kênh Đôi - kênh Tẻ; rạch Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm (thuộc địa bàn quận Bình Thạnh),... đâu đâu người dân cũng mừng vì TP đã tìm ra cách giải quyết “êm thắm” hàng loạt khúc mắc của họ, nhất là lời hứa của Bí thư Thăng “rời kênh là có nhà”. Thế nhưng, đằng sau sự mừng vui đó cũng có không ít nỗi lo hiển hiện. Nổi lên nhất là chuyện ai cũng mong ngóng được TĐC tại chỗ.
Theo bà Lan, một hộ dân sống ven con rạch Văn Thánh (phường 19, quận Bình Thạnh), cách đây không lâu, chính quyền địa phương đã xuống khu vực này khảo sát và lấy ý kiến bà con trong việc di dời đến nơi ở mới. Khi đó, các phương án để người dân lựa chọn là chuyển đến một khu chung cư đã được chỉ định, nhận một nền đất TĐC hoặc lấy tiền bồi thường rồi tự tìm nơi ở mới.
Tuy nhiên, bà Lan cho biết hầu hết người dân ở khu vực này vẫn rất băn khoăn với các phương án trên. Lý do là ai cũng muốn được TĐC tại chỗ. Bởi TĐC ở nơi khác sẽ làm đảo lộn hoàn toàn đời sống vốn đã quen thuộc từ hàng chục năm nay của họ. “Chẳng hạn như gia đình tôi, các mối quan hệ, công việc làm ăn, con cái học hành... cũng đều gây dựng tại nơi này nên nếu chuyển đi quá xa thì chẳng khác nào cắt nguồn sống của mình” - bà Lan chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Long, ngụ tại khu vực Cù lao Nguyễn Kiệu bên bờ kênh Tẻ, trước đây gia đình ông chấp nhận mức đền bù lần một từ năm 2008 và sử dụng một khoản tiền trong số đó để đăng ký mua căn hộ TĐC dù khá xa chỗ ở hiện tại nhưng đến nay vẫn chưa có. Gần đây, chính sách đền bù lần hai với mức giá được điều chỉnh cao hơn nhưng gia đình ông Long cũng chưa được nhận thêm.
“Nhiều hộ dân tại đây lĩnh tiền xong rồi chuyển đi nhưng do cuộc sống còn khó khăn hơn trước nên lại quay trở về thuê nhà. Giờ lại đi xa thì nguy cơ quay lại cảnh cũ cũng rất cao” - ông Long chia sẻ.
Cũng với mong muốn trên, anh Trần Hữu Trung (ngụ bên bờ kênh Tẻ; phường 1, quận 4) cho biết: Vào khoảng năm 2001, sau khi giải tỏa khu nhà “ổ chuột” để chỉnh trang đoạn gần đường Bến Vân Đồn, rất nhiều gia đình nhận được khoản tiền đền bù chỉ đủ mua một nền đất và xây căn nhà nhỏ ở khu TĐC thuộc xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Tuy nhiên, do nơi này quá xa chỗ ở cũ khiến cuộc sống của không ít gia đình bị xáo trộn nên nhiều người đã quay lại khu vực cũ để thuê nhà. “Theo tôi, cái chính là khi di dời phải làm sao cho người dân TĐC tại chỗ mới ổn định được đời sống” - anh Trung nói.
Khổ trăm bề!
Ven con rạch Bùi Hữu Nghĩa là những căn nhà “ổ chuột” mọc chi chít, san sát nhau nhưng phần lớn chỉ được che chắn tạm bợ bởi các tấm gỗ mục, mái tôn đã hoen gỉ, nằm chênh vênh trên các cọc bê tông hay những thanh gỗ xiêu vẹo. Phía dưới, màu nước đen ngòm với đủ loại rác kết thành từng tảng nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi nồng nặc.
Chung cảnh ngộ, bên bờ rạch Văn Thánh cũng là những con hẻm ẩm thấp, tối om. Ngoài ô nhiễm thì vấn đề đi lại của nhiều hộ dân nơi đây cũng khổ sở trăm bề. Tại các dãy nhà sát bờ rạch, nhiều gia đình muốn ra đường chính phải đi qua những con hẻm ẩm thấp chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy chạy lọt. Thậm chí, nhiều đoạn, người dân phải đi lại trên những tấm ván mỏng được kê tạm, nằm trên mặt nước. “Chúng tôi cũng ngán lắm rồi. Khổ nhất là tụi nhỏ còn thường xuyên bị dị ứng, nhiễm bệnh ngoài da do môi trường quá ô nhiễm” - bà Lan chia sẻ.
Kỳ tới: Chung cư cũ hết lý do tồn tại
Bình luận (0)