xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lẹt đẹt sức vóc người Việt

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Trong 35 năm qua, người Việt dù cao thêm 4 cm song hiện vẫn thấp nhất khu vực châu Á, thua cả “người lùn” Nhật Bản. So với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta đang thấp hơn 13,1 cm với nam và 10,7 cm với nữ

Tại buổi họp báo nhân Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (từ ngày 15 đến 23-10) mới đây, PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện đạt 164,4 cm, nữ giới là 153,4 cm. Như vậy, so với chiều cao của thanh niên các quốc gia như Úc, Mỹ (181,4 cm với nam và 169,5 cm với nữ), thanh niên Việt khiêm tốn hơn rất nhiều.

Thua chị kém em

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, trước đây, chúng ta hay xem người Nhật là lùn nhưng hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt đã kém hơn họ tới 8 cm. Với Singapore, cách đây 10 năm, chiều cao trung bình của nam thanh niên trong độ tuổi 17-25 đã là 170,6 cm và nữ là 160 cm. Điều tra năm 2008 của Malaysia cũng cho thấy chiều cao trung bình của nam giới 25-34 tuổi là 168,4 cm, nữ 157,7 cm. Tại Trung Quốc, cùng thời điểm này, chiều cao trung bình của nam thanh niên độ tuổi 17-20 là 170,2, nữ 158,6 cm...

Nhiều gia đình đưa trẻ tới các trung tâm dinh dưỡng khi con có các vấn đề về chiều cao, cân nặng
Nhiều gia đình đưa trẻ tới các trung tâm dinh dưỡng khi con có các vấn đề về chiều cao, cân nặng

“So với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, chiều cao của nam thanh niên Việt thấp hơn 13,1 cm và nữ thấp hơn 10,7 cm. Theo các nghiên cứu, mất 10 năm, chiều cao trung bình của người Việt mới tăng được 1 cm, trong khi người Thái Lan và Trung Quốc tăng đến 2 cm” - bà Mai so sánh.

Theo đề án tổng thể phát triển nhân lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030, Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng bình quân: Nam 18 tuổi đạt chiều cao trung bình 167 cm vào năm 2020 và 168,5 cm năm 2030, đối với nữ lần lượt là 156 cm và 157,5 cm. Đề án cũng đề cập việc cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của đa số thanh niên, để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển ở châu Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng với chiều cao trung bình 164,4 cm (nam) và 153,4 (nữ) hiện nay, việc đạt sức vóc như đề án đặt ra là rất khó. Bởi lẽ, thực tế cho thấy dù kinh tế đã có sự cải thiện đáng kể, bữa ăn hằng ngày đã đầy đủ hơn song người Việt hiện nay vẫn không cao hơn thế hệ cha chú bao nhiêu. Trong 35 năm qua, người Việt chỉ cao được 4 cm.

Chế độ dinh dưỡng sai lầm

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định để cải thiện tình trạng thấp bé nhẹ cân, người Việt phải bắt đầu từ việc thay đổi thực hành dinh dưỡng. “Vóc dáng có thể cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, bữa ăn của người Việt hiện thừa thịt, ít rau và quá nhiều chất béo” - một bác sĩ phân tích.

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được nuôi dưỡng tốt, không bị suy dinh dưỡng thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt 1,7 m nhưng nếu bị thấp còi thì chỉ cao 1,58 m. “Như vậy, người Việt thấp bé nhẹ cân không phải thuộc tính di truyền mà có thể cải thiện được bằng dinh dưỡng hợp lý” - PGS-TS Mai nhấn mạnh.

Trên thực tế, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn còn ở mức cao trong khu vực. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 cháu thiếu cân, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì 1 cháu bị thấp còi. Ngoài ra, bữa ăn truyền thống của người Việt dù đã thay đổi, đầy đủ hơn nhưng không cân đối.

Khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ 1-3 tuổi chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D. Khảo sát trong nhóm trẻ 2-3 tuổi thấp còi cho thấy có 24% thiếu máu, 37,5% thiếu vitamin A và 41% thiếu kẽm. Riêng khẩu phần canxi (một chất khoáng để tạo xương, phát triển chiều cao của trẻ) trung bình của trẻ chỉ đáp ứng được khoảng 49% nhu cầu... Điều này lý giải phần nào tình trạng 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam bị thấp còi.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để phát triển chiều cao. Song, các bác sĩ lưu ý dinh dưỡng để phát triển chiều cao không giống với dinh dưỡng để phát triển cân nặng. Các loại thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo, bột đường chỉ sinh ra năng lượng, tăng cân nặng; trong khi những món chứa nhiều protein, canxi, sắt, vitamin, kẽm mới giúp tạo cơ và xương, giúp thúc đẩy chiều cao.

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, bữa ăn của các gia đình hiện đã được cải thiện nhưng chủ yếu chỉ tăng về lượng thịt, ít rau và nhiều chất béo nên đã hạn chế quá trình hấp thu canxi. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị ăn đủ 400 g rau/người/ngày thì bình quân người Việt chỉ dùng 200 g. Sự bất hợp lý còn thể hiện ở việc người Việt có thói quen ăn mặn, sử dụng đến 12 g muối/người/ngày - gấp đôi so với khuyến cáo.

“Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ thấy con còi cọc lại cho trẻ ăn thỏa thích những gì chúng muốn, từ đồ uống có gaz đến thức ăn nhanh, các loại bánh kẹo... Các đồ ăn này dù nhiều năng lượng nhưng thiếu vi chất dinh dưỡng. Việc uống quá nhiều nước ngọt có gaz có thể làm tăng mức độ đào thải canxi, hạn chế phát triển chiều cao và dễ dẫn tới béo phì. Với trẻ thừa cân, nhiều phụ huynh lại cắt khẩu phần sữa vì cho rằng uống nhiều sẽ tăng ký nhưng canxi để tạo xương có rất nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Do đó, thay vì cắt giảm các thực phẩm có chứa canxi, cha mẹ nên bớt lượng tinh bột và chất béo cho con” - PGS-TS Mai lưu ý.

Không phụ thuộc nhiều vào di truyền

Để giải bài toán trẻ em Việt suy dinh dưỡng, thấp còi, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng cha mẹ cần đa dạng bữa ăn với các thực phẩm giàu đạm (protein) và canxi, giàu vitamin và khoáng chất, các vitamin A, D, C, magiê, sắt...

Thức ăn chứa nhiều đạm là thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đậu nành. Thức ăn có nhiều canxi gồm: sữa, cá, tép, tôm, cua, nghêu, sò, ốc hến, đậu hũ, các loại rau. Thức ăn nhiều vitamin A là gan các động vật: cá, bò, lợn, dê, sữa, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, củ quả chín có màu đỏ, vàng như cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín, cam, đào... Vitamin D có trong dầu gan cá thu, sữa, bơ, phô mai, trứng, gan, tôm... Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn phong phú cung cấp protein, canxi, vitamin vốn kích thích chiều cao.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ và đa dạng dinh dưỡng để ngăn ngừa việc sinh ra những trẻ nhẹ cân, thấp còi. Nghiên cứu cho thấy những bà mẹ mà tình trạng dinh dưỡng kém, thấp bé thường có nguy cơ sinh ra những trẻ nhẹ cân, thấp còi. Vai trò của các vi chất dinh dưỡng như sắt, axít folic, canxi, vitamin D với người mẹ trong quá trình mang thai là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.

“Nghiên cứu trên thế giới cho thấy ở những bà mẹ có khẩu phần canxi dưới 600 mg/ngày và hàm lượng vitamin D dưới 50 nmol/lít thì chiều dài và cân nặng con thấp hơn so với những bà mẹ có khẩu phần canxi tốt hơn. Một nghiên cứu khác về bổ sung canxi trong thời gian mang thai cũng cho hiệu quả cải thiện 0,4 cm chiều dài trẻ sơ sinh ở nhóm bà mẹ can thiệp” - PGS-TS Lâm dẫn chứng. Chính vì thế, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khuyến nghị nhu cầu canxi trong thai kỳ là 1.200 mg/ngày. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy khẩu phần canxi của phụ nữ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam hiện rất nghèo nàn, chỉ đạt khoảng 500 mg/ngày.

Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết chiều cao và thể trạng của con người phụ thuộc vào di truyền 20%; còn yếu tố dinh dưỡng, lối sống, rèn luyện thể lực chiếm đến hơn 50%. “Chế độ dinh dưỡng phù hợp, sự vận động và những giấc ngủ sâu sẽ giúp trẻ em phát triển chiều cao tối đa. Tuy nhiên, một thống kê cho thấy có tới 52% bà mẹ chưa nắm rõ thời lượng giấc ngủ của con cái để giúp chăm sóc và phát triển tối ưu tiềm năng chiều cao, thể chất cho trẻ” - BS Diệp lưu ý. 

Chọn “giai đoạn vàng” để kích chiều cao

Có 3 giai đoạn quyết định về chiều cao con người. Giai đoạn trong bào thai: 9 tháng mang bầu, người mẹ cố gắng tăng cân 10-12 kg để trẻ sơ sinh đạt chiều cao 50 cm lúc chào đời (khoảng 3 kg). Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: Năm thứ nhất tăng 25 cm, 2 năm kế tiếp tăng 10 cm/năm. Giai đoạn tuổi dậy thì: Trẻ em Việt Nam là 11-13 tuổi đối với nữ và 13-15 tuổi đối với nam. Ở lứa tuổi này, chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6 cm và trẻ nam là 7 cm. Đây chính là các giai đoạn cha mẹ cần chú ý cân đối dinh dưỡng cho con.

Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa

Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa

Giai đoạn tiếp theo, chiều cao phát triển rất chậm hoặc hầu như không tăng. Sự phát triển chiều cao thường dừng lại khi nữ 20 tuổi và nam 25 tuổi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo