xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên tục lúng túng và hứa

Bài và ảnh: THẾ DŨNG

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận những vấn đề về đất đai mà các đại biểu đặt ra là “bức bách” và hứa sẽ tập trung giải quyết

Ngày 13-6, mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang đã nhận liên tiếp những câu hỏi khó liên quan đến chính sách pháp luật về đất đai - lĩnh vực “nóng” và đầy rẫy bức xúc.
img
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chưa hài lòng vì câu hỏi của mình đã không được Bộ trưởng  Bộ Tài nguyên -
Môi trường trả lời thấu đáo

Nới hạn điền, thời hạn sử dụng đất

Theo Phó trưởng Đoàn đại biểu (ĐB) QH Nam Định Nguyễn Anh Sơn, vấn đề giao đất, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng  những năm qua đã gây ra nhiều bức xúc cho cử tri cả nước và là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất ổn xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền… “Đây là vấn đề đã nóng, đang nóng và sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới. Bộ TN-MT đã có giải pháp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Vậy tới đây, bộ trưởng sẽ có những giải pháp cụ thể gì?” - ông Sơn hỏi. ĐB Nguyễn Anh Sơn và ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) đặt vấn đề: “Chính sách pháp luật đất đai đang bộc lộ nhiều bất cập. Với trách nhiệm của mình, bộ trưởng kiến nghị gì về sửa đổi Luật Đất đai?”. Tiếp tục xoáy vào vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: “70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Bức xúc lớn nhất là vấn đề bồi thường khi thu hồi đất. Trách nhiệm của ngành TN-MT ở đâu?”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận những vấn đề mà các ĐB đặt ra đúng là “bức bách”. Theo ông, từ khi có Luật Đất đai 2003, những vấn đề như thu hồi đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; tổ chức tái định cư... diễn biến rất phức tạp ở tất cả các địa phương; đặc biệt là các vùng đô thị, vùng liên quan đến KCN… “Nguyên nhân dẫn tới những bức xúc trong bồi thường là vì chưa bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng khi thu hồi đất; giá đất bồi thường còn thấp; chưa chú trọng tạo việc làm mới cho người bị thu hồi đất; năng lực đội ngũ làm công tác giải phóng mặt bằng còn hạn chế...” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.      

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang vì câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé rất rõ ràng, cụ thể nhưng lại chưa được giải đáp. Trước yêu cầu làm rõ thêm của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết hiện còn khoảng hơn 500 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. “Tới đây, các địa phương và cơ quan Trung ương sẽ tập trung giải quyết dứt điểm” - ông Quang khẳng định.        

Không hoàn thành mục tiêu cấp sổ đỏ

ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) hỏi: “Theo quy định, năm 2010 phải cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng nay là năm 2012 mà vẫn chưa xong. Vậy, giải pháp của bộ trưởng để thực hiện yêu cầu này là gì?”. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận: “Về cấp sổ đỏ, bộ trưởng nhiệm kỳ trước có hứa làm xong vào năm 2010 nhưng kết quả chưa đạt được”. Theo ông Quang, nguyên nhân là do một số trường hợp có nguồn gốc phức tạp hoặc vi phạm trong quá trình xây dựng nên khó cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí cũng cản trở việc hoàn thành cấp sổ đỏ theo dự kiến. “Việc cấp xong toàn bộ sổ đỏ vào năm nay là rất khó, chỉ cố phấn đấu được khoảng 80%, nếu đủ nguồn vốn thì cũng phải tới năm 2015 mới xong” - ông Quang nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại bày tỏ không hài lòng: “Bộ trưởng nói năm 2015 mới cấp xong sổ đỏ, tôi không đồng ý. Liệu năm 2013 có hoàn thành cơ bản được không?”. Trước câu hỏi của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, “tư lệnh” lĩnh vực TN-MT hứa:  “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành hơn 80% sổ đỏ cho đất đô thị và đất chuyên dùng trong năm 2013”.

Trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã đưa ra được một giải pháp phần nào làm yên lòng cử tri là sửa đổi Luật Đất đai 2003 sẽ theo chủ trương mở rộng thời hạn sử dụng đất và hạn điền. “Mở rộng bao nhiêu năm thì khi trình QH sẽ nêu cụ thể nhưng có thể 30-50 năm. Nới hạn điền cũng cần thiết bởi mức hiện nay là thấp, phải nâng lên gấp 5 - 10 lần so với quy định hiện nay. Tất nhiên, đi cùng với đó là công cụ quản lý bằng thuế bởi nới hạn điền là để phục vụ sản suất chứ không phải để đầu cơ...” – ông Quang cho biết.

Chưa biết bao giờ sông sẽ xanh

Vấn đề đất đai KCN, khu đô thị bỏ hoang ở các địa phương cũng được nhiều ĐBQH đặt lên bàn nghị sự. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: “Dự án “treo” do năng lực của doanh nghiệp có hạn để gây lãng phí xử lý như thế nào?”. Sau khi nêu thực tế nhiều dự án khu kinh tế ven biển, KCN, khu đô thị... đã thu hồi đất xong nhưng lại bỏ hoang, thành đô thị “ma”, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp hoặc đề xuất gì?”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đáp: “Quy định xử lý dự án “treo” đã rất rõ nhưng tình trạng này vẫn phổ biến. Địa phương cũng lúng túng, trong khi dân bức xúc vì dự án rào đất lại, đổ cát vào nhưng mãi không làm gì. Bộ TN-MT đang tổng hợp và tìm hướng xử lý. Nếu dự án “treo” do lỗi nhà đầu tư thì sẽ thu hồi mà không bồi thường”.

Cùng giải trình với Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết đất khu đô thị để hoang hóa, không có hiệu quả xuất phát từ việc chạy theo “phong trào”, quy hoạch luôn chạy sau thực tiễn, chất lượng quy hoạch kém... Ngoài ra, việc bất động sản đang đóng băng, để hoang còn do quy định pháp luật thiếu đồng bộ. “Có nơi tiếp tục giao đất trong vòng 20 năm nên cung vượt cầu và tất yếu dẫn đến bỏ hoang” – ông Dũng thừa nhận. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm và cho biết hiện đang soạn thảo các quy định pháp luật, trong đó có nhiều quy định lập lại trật tự phát triển đô thị; làm rõ các lợi ích, đặc biệt là lợi ích của người dân…

Tiếp mạch chất vấn về đất đai, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi: “Vụ ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng - Hải Phòng) và vụ ở Văn Giang (Hưng Yên) đến bao giờ giải quyết xong; ai đúng, ai sai?”. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận để xảy ra các vụ việc trên là bài học sâu sắc cho ngành TN-MT. Bộ TN-MT thấy rõ trách nhiệm của mình và địa phương. Thái độ chung là các vụ việc phải được giải quyết theo quy định pháp luật, đúng trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân liên quan. “Sau vụ Tiên Lãng, chúng tôi đã kiểm tra một số địa phương có đất bãi bồi ven sông, ven biển và thấy tình hình bình thường” - ông Quang trấn an.

Chưa hài lòng với lời đáp của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ĐB Bùi Thị An vẫn muốn biết ai đúng, ai sai trong vụ ở Tiên Lãng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết tất cả đã có kết luận rõ ràng nhưng vì không có thời gian trình bày nên mời ĐB An tới Bộ TN-MT để trao đổi cụ thể.

Một số ĐB đặt vấn đề: “Bao giờ người dân ở các lưu vực sông được sống trong môi trường trong lành?”. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tỏ ra lúng túng: “Bao giờ dòng sông xanh lại là câu hỏi rất hóc búa. Khi nào đất nước đạt đến một trình độ phát triển nhất định thì các vấn đề như vậy mới giải quyết hết được”. Cũng mối lo “sức khỏe” các dòng sông, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi: “Sông Hồng bị ô nhiễm nghiêm trọng, thu hẹp dòng chảy, sao Chính phủ chưa có chương trình bảo vệ?”. Bộ trưởng Quang giải thích: “Đúng là sông Hồng bị ô nhiễm nặng nề. Ở đây, có trách nhiệm của cả phía bên kia biên giới (Vân Nam - Trung Quốc) và chúng ta. Hiện nay, sông Hồng chưa có chương trình bảo vệ. Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ về việc này”.

Phải nghiêm túc thực hiện lời hứa

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Không khí chất vấn thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm rất cao. ĐB hỏi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Bộ trưởng Bộ TN-MT đã trả lời khá đầy đủ nhưng cũng có những điểm cần giải thích, bổ sung. Với những gì đã hứa trước QH, bộ trưởng phải tập trung giải quyết, thực hiện cho tốt”.

Không chia lại ruộng đất

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) hỏi: “Sau năm 2013, sẽ kéo dài thời hạn sử dụng đất tiếp 20 năm. Vậy, những đối tượng ra đời sau năm 1993 thì có chính sách gì để tạo điều kiện cho họ sinh sống? Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời: “Trung ương đã có bàn nội dung này và kết luận không chia lại đất đã giao. Tỉ lệ lao động trong nông nghiệp đang ngày càng giảm đi và những năm tới, nhu cầu đất cho sản xuất nông nghiệp sẽ không còn bức bách như hiện nay”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo