xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo đổ nợ từ chương trình nông thôn mới!

Bài và ảnh: Thế Dũng

Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng không thể thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới

Ngày 25-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến đối với báo cáo kết quả giám sát bước đầu về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chạy theo hình thức

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn giám sát, cho biết tính đến tháng 3-2016, có 1.761 xã (19,7%) đạt tiêu chí nông thôn mới; có 1.223 xã (13,7%) đạt từ 15-18 tiêu chí, 3.155 xã (37,5%) đạt từ 10-14 tiêu chí, 2.123 xã (25,4%) đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 326 xã (3,9%) dưới 5 tiêu chí.

Đáng chú ý, trong 5 năm, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỉ đồng để thực hiện chương trình này. Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỉ đồng (31,34%), vốn tín dụng là 434.950 tỉ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp 42.198 tỉ đồng (4,9%), người dân đóng góp 107.447 tỉ đồng (12,62%).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 25-5
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 25-5

Ông Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, không có khả năng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới”. Theo báo cáo của Chính phủ, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành đến nay khoảng 8.600 tỉ đồng.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lo nhất là các địa phương lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bán đất nông nghiệp để trả nợ. “Không khéo được cái này thì mất cái kia. Trung Quốc xây dựng nông thôn mới là tập trung cho sản xuất, còn ở ta thì lại tập trung chủ yếu xây nhà, xây đường to và nhân dân không đồng tình với việc đó” - ông Phúc thẳng thắn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu lý do tại sao hợp tác xã kiểu cũ không thể chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới được, có phải vì nợ đọng, mặc dù đã mấy lần được xử lý nhưng vẫn còn tồn tại. “Đề nghị QH ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ nghiên cứu xóa số nợ đọng này. Chúng tôi chưa thống kê cụ thể nhưng số nợ nhỏ thôi, song về pháp lý nếu không giải thể được thì thành yếu kém” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Làm gì để phát triển?

Trăn trở với vấn đề trên, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - đề nghị phải đánh giá chương trình nông thôn mới đã nâng cao được đời sống nông dân chưa hay chỉ là hình thức; các công trình có bị lãng phí không? Ông Dũng nêu ví dụ nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất nông nghiệp ra nước ngoài (Mỹ, New Zealand, Nga, Úc, Lào…) rất hiệu quả và đặt vấn đề phải chăng do cơ chế chính sách trong nước chưa hiệu quả?

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng đáng ngại nhất là mới có 19,7% xã đạt nông thôn mới trong khi mục tiêu mà QH đề ra là 50% vào năm 2020. Thậm chí đến nay, vẫn còn 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn là Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng mục tiêu lớn là nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nông dân. “Phải chỉ rõ địa chỉ, con người cụ thể chứ cứ nêu chung chung kiểu “có nơi, có địa phương, có bộ - ngành...” thì chẳng ai sợ giám sát tối cao của QH cả”- bà Nga thẳng thắn.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong giám sát cần quan tâm đến các vấn đề tồn tại của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng như mục tiêu cần đánh giá phải thực chất hơn. “Những xã đã được công nhận nông thôn mới thì sắp tới cần làm gì để phát triển, chứ một vài năm lại trở về nông thôn cũ là không được” - bà Ngân quan ngại.

Cùng ngày, UBTVQH đã họp riêng để nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

800 triệu đồng cho một bài báo khoa học

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn báo cáo giám sát nêu rõ tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, số lượng đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng 15%-20%/năm…

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh cho biết số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế sử dụng ngân sách nhà nước thời gian qua tăng. Nguồn tăng đáng kể là qua Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia, khoảng 30%/năm. Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản môn toán, lý, hóa... “Loại đề tài này Việt Nam rất mạnh, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố tăng lên rất nhiều. Hằng năm, quỹ được cấp 300 tỉ đồng để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trung bình, chi phí nghiên cứu để có một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín là 800 triệu đồng” - ông Khánh nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo