xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lơ là phòng sốt xuất huyết

NHÓM PHÓNG VIÊN

Sốt xuất huyết đang có chiều hướng bùng phát khắp nơi nhưng ý thức phòng bệnh trong cộng đồng còn kém

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, cho biết dịch sốt xuất huyết (SXH) đang xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành và đang có nguy cơ tăng cao, nhất là ở miền Nam.

Lo đuổi muỗi chứ không dọn dẹp môi trường

Trong những ngày qua, cùng với những trận mưa đầu mùa, muỗi xuất hiện dày đặc ở các khu dân cư ven kênh Nước Đôi (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM). Dưới kênh nước đen ngòm, muỗi núp trong từng tán lá lục bình, chỉ cần ném hòn đá xuống là bay ra từng đàn. Ông Lê Văn Xuân, nhà ven kênh Nước Đôi, than thở: “Chúng tôi không biết cách chi để ngăn muỗi. Dùng thuốc xịt, lấy vợt bắt không ăn thua gì”. Khi được hỏi cách phòng bệnh SXH bằng việc phát quang, diệt lăng quăng nơi nước tù đọng, chị Nguyễn Thị Thắm, nhà ở cạnh đó, tỏ ra khá ngạc nhiên, không nghĩ mầm bệnh SXH bắt đầu lây lan từ đây.


Ô nhiễm môi trường, nước tù đọng trên ao Sông Tân (phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) khiến muỗi phát triển làm người dân nơi đây khổ sở Ảnh: LÊ PHONG

Ô nhiễm môi trường, nước tù đọng trên ao Sông Tân (phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) khiến muỗi phát triển làm người dân nơi đây khổ sở Ảnh: LÊ PHONG

Rẽ vào một con hẻm nhỏ tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) lúc chạng vạng, chúng tôi phát hãi bởi muỗi bay theo đàn trên đầu. Dọc bờ mương nước đọng là cảnh đám trẻ nhỏ vừa chơi đùa vừa dùng tay đuổi muỗi. Lắc nhẹ một bụi cỏ ở ven đường mương dài chừng 25 m lộ thiên trong xóm, muỗi bay ra nhiều như ong vỡ tổ. Ông Nguyễn Chí Tâm, sống ven con mương này, thừa nhận ai cũng lo… đuổi muỗi chứ không vận động nhau dọn dẹp môi trường, diệt lăng quăng gì cả.

Hơn 1 tuần qua, muỗi cũng xuất hiện nhiều ở các khu dân cư ven kênh Tham Lương (đoạn từ KCN Tân Bình kéo dài đến quận 12). Tình trạng nước đọng, ao tù, lục bình dày đặc trên kênh đã làm lăng quăng sinh sôi, muỗi mòng phát triển nhanh. Đến nhà ông Lê Văn Ân (cạnh cầu Tham Lương), dù trời chưa tối, muỗi đã bám đầy tường và các chậu cây. Ông Ân dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, thử lắc mạnh bụi chuối, tức thì muỗi bay ra hằng hà sa số. “Người dân nơi đây bó tay với muỗi vì không biết cách gì để ngăn chặn, phòng chống bệnh” - ông Ân nói.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, khi mùa mưa đến là bệnh SXH “ngóc đầu” và các ổ dịch xuất hiện từ những khu dân cư như thế. Thống kê mới nhất của trung tâm cho thấy từ đầu năm đến nay, toàn TP có 7.773 ca SXH, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2015. Trước tình hình này, trung tâm đề nghị địa phương tiếp tục giám sát các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ; phối hợp với địa phương truyền thông vận động người dân diệt muỗi và lăng quăng.

Đang lan rộng

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, từ tháng 5 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc SXH tại 37 tỉnh - thành, trong đó 2 trường hợp tử vong tại Tiền Giang và Tây Ninh. Hiện khu vực miền Nam đang đứng đầu cả nước về số ca mắc SXH, chiếm 62,4%. TP HCM, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Phú Yên… là những điểm nóng của dịch SXH.

Báo cáo của ngành y tế các tỉnh ĐBSCL cũng cho biết dịch bệnh SXH đang bùng phát ở khu vực này và có chiều hướng tăng cao. Tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 100 ca mắc SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Sóc Trăng, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 600 trường hợp mắc SXH, tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số ca mắc SXH nhiều nhất tập trung vào các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề.

Tại TP Cần Thơ, theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TP, từ đầu năm đến ngày 6-6, TP Cần Thơ xảy ra 361 ca SXH, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, số ca mắc SXH ghi nhận đến ngày 6-6 lên đến 2.000, trong đó chỉ riêng huyện Cao Lãnh có gần 400 ca.

Trước tình hình dịch SXH có chiều hướng lan rộng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng chống. Ông Trần Đắc Phu cho rằng nếu không xóa sổ các ổ chứa lăng quăng, bọ gậy thì khó có thể chặn được bệnh SXH. Việc phun thuốc diệt muỗi tốn kém nhân lực, chi phí nhưng không thể ngăn chặn từ gốc vì chỉ diệt muỗi trưởng thành nhiễm virus truyền bệnh SXH ở thời điểm đó chứ không duy trì được lâu dài. Trong khi cách đơn giản, hiệu quả và ít tốn tiền nhất là phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, tiêu diệt các ổ chứa lăng quăng ngay tại cộng đồng không được người dân coi trọng. “Dù được tuyên truyền rất nhiều và rất nhiều chiến dịch diệt mầm bệnh SXH nhưng do tập quán sinh hoạt của người dân cùng với ý thức chưa cao nên chưa giải quyết được” - ông Phu nói.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, nhấn mạnh cách phòng chống SXH tốt nhất là từ cộng đồng. Nếu mọi nhà cùng diệt lăng quăng, diệt muỗi hằng ngày thì phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh SXH.

Khó thay đổi nhận thức

Ông Trần Đắc Phu cho biết tại miền Nam, khó nhất hiện nay là thay đổi nhận thức của người dân với việc phòng chống bệnh SXH. Qua kiểm tra thực tế cho thấy rất nhiều gia đình không lưu ý đến các vật dụng chứa nước như như lọ hoa, bể cây cảnh, dụng cụ phế thải, lốp xe, vỏ trái cây…. là những nơi muỗi dễ đẻ trứng, phát triển. Thậm chí, nhiều nơi, người dân bất hợp tác khi không cho cán bộ y tế vào phun thuốc trừ muỗi vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo