xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo tham nhũng lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Nguyễn Quyết - Văn Duẩn

Đại biểu Quốc hội yêu cầu Thanh tra Chính phủ có biện pháp ngăn chặn quan chức có hành vi tham nhũng, đề bạt bổ nhiệm bất thường trước lúc về hưu...

Ngày 17-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 10 bước sang ngày làm việc thứ hai với nhiều nội dung quan trọng đặt lên bàn nghị sự.

Vơ vét trước khi “hạ cánh”

Đặt thẳng  vấn đề với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về vấn nạn tham nhũng, đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (Quảng Trị) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - dẫn việc nhiều ĐBQH đã cảnh báo về hiện tượng một số quan chức nhà nước thường “tăng tốc” tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão”.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đề nghị Thanh tra Chính phủ có biện pháp ngăn ngừa quan chức có hành vi tham nhũng, bổ nhiệm chức vụ cho người thân quen trước lúc về hưu... Ảnh: NGUYỄN NAM
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đề nghị Thanh tra Chính phủ có biện pháp ngăn ngừa quan chức có hành vi tham nhũng, bổ nhiệm chức vụ cho người thân quen trước lúc về hưu... Ảnh: NGUYỄN NAM

“Trách nhiệm cá nhân và giải pháp của Tổng Thanh tra như thế nào trong việc ngăn chặn quan chức “chạy nước rút” để thực hiện những “chuyến tàu vét” trước khi hạ cánh, như biến tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành của tư,  đề bạt bổ nhiệm không bình thường cho công chức thân hữu…?” - ĐB Lê Như Tiến chất vấn.

Thừa nhận thực tiễn có xảy ra một số vi phạm như ĐB Lê Như Tiến đề cập, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết sẽ lưu ý vấn đề này trong triển khai nhiệm vụ năm 2016. “Chính phủ đã giao trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm soát, giám sát, ngăn ngừa tham nhũng. Nếu đối tượng vi phạm là người đứng đầu thì cần phải phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể, viên chức, công chức giám sát thường xuyên; phải tố giác hành vi tham nhũng (nếu có) đến các cơ quan có thẩm quyền” - ông Tranh bày tỏ.

Về biện pháp cụ thể, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ hứa sẽ tăng cường thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu tham nhũng. Ông khẳng định: “Với chức năng thanh tra, phát hiện tiêu cực và tham nhũng, cá nhân tôi và ngành thanh tra hứa sẽ quan tâm tới câu hỏi này của ĐB”.

Loại bỏ công chức nhũng nhiễu

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về cải cách hành chính còn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tổng quan cải cách hành chính trong thời gian qua đều có những tiến bộ, như công khai, minh bạch hơn; sát dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của dân hơn. Môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính về thuế, đất đai… có nhiều tiến bộ.

“Tuy vậy, đúng là giữa lý thuyết và thực tế còn khoảng cách, vẫn còn nhiều phiền hà cho dân và doanh nghiệp”- Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Để cải cách hành chính đạt hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức. Mục tiêu là giảm 2 lấy 1 trong số biên chế hành chính tinh giản 10%;  đơn vị sự nghiệp tinh giản 20%.

“Đến ngày 30-10, đã có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 với số lượng trên 3.300 người. Trong đó, 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay. Một số tỉnh, thành đã đưa ra phương án giảm biên chế” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Cùng với tinh giản biên chế, theo Phó Thủ tướng, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ đơn vị sự nghiệp trong khu vực công. Đồng thời, đẩy mạnh công khai minh bạch trong việc chi quản lý hành chính, khoán lương, khoán biên chế. “Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Chúng ta phải đưa ra khỏi bộ máy cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân và doanh nghiệp” - ông nhấn mạnh.

Tội phạm tái diễn, lãnh đạo phải chịu

Chất vấn về tình hình tội phạm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, phản ánh một số địa bàn vẫn còn những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Theo ĐB Tuân, trong nhiều nguyên nhân có cả sự tiếp tay, thông đồng hoặc không thực hiện đúng chức trách của một bộ phận cán bộ cơ quan nhà nước. “Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về thực trạng phòng chống tội phạm của các cơ quan nhà nước?” - ĐB Tuân đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua, Chính phủ và ngành công an đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tội phạm và đạt nhiều kết quả. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, cả nước đã khởi tố hơn 60.000 vụ với hơn 91.000 bị can, giảm so với cùng kỳ năm 2014… Dù vậy, tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Vì vậy, Chính phủ xác định mang lại cuộc sống an toàn cho người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực hành động. “Dù còn nhiều phức tạp về an ninh trật tự nhưng Việt Nam là đất nước an toàn và đây là thành tựu nổi bật của nước ta” - ông nhìn nhận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ hiện cả nước còn 18 địa bàn bất ổn về an ninh trật tự. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật; phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng lực lượng vững mạnh để đánh mạnh, trúng, liên tục mọi loại tội phạm.

“Ở đâu để tội phạm tái diễn thì lãnh đạo chính quyền địa phương đó, trước hết là người đứng đầu lực lượng công an tại địa bàn, phải chịu trách nhiệm; xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức bao che cho tội phạm” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận phong “hàm” sai

Bàn về vấn đề bổ nhiệm cán bộ, công chức, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu thực tế chức vụ “hàm vụ trưởng, vụ phó” không có quy định trong luật nhưng hiện nhiều nơi vẫn áp dụng. “Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ giải thích việc này có đúng luật hay không và nếu không đúng thì giải pháp như thế nào? Ở địa phương nói nếu Chính phủ làm được thì địa phương cũng làm được, để giải quyết chế độ cho anh em…” - ông Thuyền đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận đến thời điểm này, chưa có văn bản pháp quy nào quy định về “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức. Sau khi vấn đề này được phản ánh, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến Thủ tướng và được đồng ý chủ trì cùng các cơ quan khác nghiên cứu cơ chế cho việc phong “hàm”. “Thời gian này thì cả trung ương và địa phương đều không được tiếp tục phong hàm” - ông Bình nói.

Trong dịp trả lời chất vấn lần trước, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ, có 339 công chức, viên chức đang hưởng chế độ “hàm” chức danh quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hưởng chế độ “hàm vụ trưởng” là 96 người, “hàm vụ phó” 150 người, “hàm trưởng phòng”  76 người và “hàm phó phòng” 17 người.

 

ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng):

Ngành giao thông vận tải chuyển biến mạnh

Theo dõi phiên chất vấn, có thể thấy có những lĩnh vực mà người đứng đầu phải trả lời rất nhiều câu hỏi, nhiều lần phải đứng lên để giải đáp.

Tôi nhìn nhận Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn rất rõ ràng, thuyết phục. Tôi nhận thấy trong phần thảo luận về kinh tế - xã hội, khá nhiều ĐB cũng đánh giá cao lĩnh vực giao thông vận tải, cho rằng đây là một trong những lĩnh vực có chuyển biến rõ nét nhất trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, các ĐB cũng đánh giá cao năng lực quản lý, điều hành, kết quả công việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Việc có rất ít chất vấn đối với Bộ trưởng Thăng cũng cho thấy điều này.

ỦY viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ:

Cần giải pháp sử dụng hiệu quả vốn vay

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời thẳng vào các vấn đề nóng mà cử tri quan tâm như tăng dư nợ công, quản lý tài chính, ngân sách.

Điều quan trọng là cách sử dụng, quản lý nguồn tài chính công như hiện nay có thật sự hiệu quả? Từ việc này sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ, mất ổn định an ninh tài chính quốc gia. Chất lượng việc sử dụng nguồn vốn này là vấn đề trọng tâm mà Chính phủ phải tập trung xử lý. Trong đó, khi sử dụng nguồn vốn vay mà không đúng, không trúng, không hiệu quả thì chúng ta khó có khả năng trả nợ.

Theo tôi, cần rà soát, nâng cao trách nhiệm các cơ quan phân bổ, xây dựng dự án.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng):

Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Tôi không đồng tình câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình vì không trả lời thẳng vào vấn đề.

Để giải quyết những chức danh “hàm” đã được phong từ trước, theo tôi, cần phải có giải pháp để khắc phục chuyện đó. Chúng ta có thể chấp nhận cho tồn tại chức danh đến một thời gian nào đó rồi sẽ xử.

B.Trân ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo