xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lừng danh con gái làng Ghênh

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Làng Thổ Lỗi - hay làng Ghênh xưa, nay là Như Quỳnh - ở Hưng Yên đã sinh ra 3 phụ nữ nổi tiếng trong sử Việt: Hoàng thái hậu Ỷ Lan, nữ sĩ Ngọc Trong và mẫu thân của chúa Trịnh Cương lừng lẫy Đàng Ngoài

Ông Trương Anh Tuấn - 66 tuổi, hậu duệ đời thứ 27 của tộc Trương làng Như Quỳnh - đưa tôi về ngôi nhà thờ của dòng họ ông. Đây chính là phủ Chí Nguyên, do chính chúa Trịnh Cương xây dựng hồi thế kỷ XVIII để làm nơi thờ tự bên họ mẹ. Cái tên Chí Nguyên được ông Tuấn giảng giải là để nhớ lại giấc mơ của bà Trương Thị Ngọc Chữ - hay bà chúa Ghênh, người đã được chúa Trịnh Bính kết hôn và sinh ra chúa Trịnh Cương.

Hai chị em họ Trương

Tài liệu của dòng họ Trương cho biết tuy quẩn quanh với việc cắt cỏ nhưng cô gái Ngọc Chữ vốn giỏi văn chương, thi phú. Khi chúa Trịnh Bính đi dẹp giặc về ngang qua làng Ghênh, trong lúc cắt cỏ, cô đã không tránh mặt mà còn đọc thơ: Dù ai che tán, che tàn/ Ta đây mặc sức thênh thang cõi bờ! Lính nghe vậy đến hỏi, Ngọc Chữ thản nhiên: “Chúa đánh giặc là lo việc nước, tôi cắt cỏ là làm việc nhà. Ai có phận sự người ấy. Cớ chi lúc chúa đi qua lại bắt dân phải tránh để bỏ việc?”.

 

Đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan ở làng Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên
Đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan ở làng Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên

 

“Với khẩu khí đó, nàng này mà là trai thì chẳng kém gì ta! Nếu làm vương phi, nàng đủ sức điều khiển cả nội phủ” - chúa Trịnh Bính nghĩ vậy khi đến gặp Ngọc Chữ. Rồi ông cho người tìm hiểu thân thế và mang sính lễ đến nhà cô gái. Bà Ngọc Chữ sau này sinh ra An Đô Vương Trịnh Cương - người có công thu hồi lại đất đai mà nhà Mạc trước đó đã dâng cho Trung Quốc và dùng các biện pháp ngoại giao để phân định biên giới 2 nước. Quãng thời gian chúa Trịnh Cương cầm quyền được đánh giá là giai đoạn thịnh trị nhất thời Hậu Lê.

 

Phủ Chí Nguyên, nơi thờ bà Trương Thị Ngọc Chữ và tộc Trương
Phủ Chí Nguyên, nơi thờ bà Trương Thị Ngọc Chữ và tộc Trương

 

Theo tài liệu còn lưu tại nhà thờ tộc Trương và chính sử, sau khi về sống ở phủ Chí Nguyên quê nhà, bà Ngọc Chữ đã làm nhiều việc công đức cho quê hương, làng xóm. Bà mua ruộng giúp dân nhiều làng xung quanh canh tác, bỏ tiền ra xây cầu đá ở làng Cự Linh thuộc Gia Lâm... Hiện nay, các bia đá ghi công đức của bà vẫn còn ở nhiều địa phương. Nhà văn Sở Cuồng Lê Dư cũng sưu tập nhiều sáng tác thơ văn của bà trong tác phẩm Nữ lưu văn học của ông.

Theo ông Trương Anh Tuấn, đến làng Ghênh ngày nay mà không ghé viếng đền thờ của Hoàng thái hậu Ỷ Lan là một việc thiếu sót. “Tuy nhiên, việc đó chưa vội, mai hãy hay. Còn bây giờ thì hãy tìm hiểu một người phụ nữ khác là chị con nhà bác của bà Ngọc Chữ - nữ sĩ Trương Thị Ngọc Trong, một cung tần trong cung vua Lê và có nhiều sáng tác Hán Nôm còn lưu danh đến nay” - ông giới thiệu.

Hai học giả Hoàng Xuân Hãn và Tạ Ngọc Liễn đã có các công trình dịch thuật,  nghiên cứu về nữ sĩ Ngọc Trong. Bà là tác giả của Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca viết bằng chữ Nôm vào năm 1709, dài 606 câu lục bát và các bài kệ bằng chữ Hán về người phụ nữ lỗi lạc đồng hương Ỷ Lan sống trước mình đến 7 thế kỷ.

Tác phẩm của bà Ngọc Trong không chỉ là những áng văn Nôm với “văn phong nhuần nhị, dân dã, lời văn đẹp đẽ, tình thơ sâu đậm” như các nhà nghiên cứu đã nhận xét mà còn là một sử liệu quan trọng bên cạnh chính sử về đời nhà Trần. Chính từ tác phẩm này, các nhà nghiên cứu đã biết thêm được tên tuổi chính thức của Hoàng thái hậu Ỷ Lan là Lê Thị Khiết mà từ lâu chưa ai biết đích xác.

Ông Tuấn và các vị bô lão ở làng Như Quỳnh đều khẳng định tác phẩm của bà Ngọc Trong đã được khắc mộc bản để in. Các mộc bản này lưu trữ tại phủ Chí Nguyên cho đến khi Nguyễn Hữu Chỉnh đưa quân về đốt phá năm 1786: Cứ ngày mai sáng bừng tưng/ Khiết nương mai cuốc việc hằng ra đi/ Xa nghe chiêng trống một khi/ Đồn rằng xe ngọc ngự về Lỗi hương… Hay: Gió đưa sực nức hương hòe/ Nhân Tông, Thái hậu ngự về Tây phương/ Ủ ê cỏ nội hoa tường/ Chuông kêu núi lở, cảm thương muôn phần…

Nhiều người cao niên ở làng Như Quỳnh nay vẫn còn thuộc và đọc lại tác phẩm của bà Ngọc Trong, như chúng ta vẫn thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du, với tất cả lòng thành kính. Các hậu duệ cũng như tộc trưởng Trương Anh Tuấn đều khẳng định bà Ngọc Trong là con người anh Trương Nghiêm, bà Ngọc Chữ là con người em Trương Dự. Cả 2 đều là hậu duệ công thần Trương Lôi của vua Lê Lợi từ hội thề Lũng Nhai.

Hiện nay, trong di tích chùa Lá (Ba La Mật) ở làng Như Quỳnh vẫn còn tấm bia ghi lại công đức của nữ sĩ Ngọc Trong khi xây dựng ngôi chùa này. Làng vẫn còn đền thờ 2 bà và các vị quan họ Trương mang tên Từ Vũ xây dựng từ thế kỷ XVII với nhiều tượng và bia đá quý hiếm.

Cô gái tựa gốc lan

Người ta biết đến Hoàng thái hậu Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông và mẹ của vua Lý Nhân Tông nổi tiếng, từ thế kỷ thứ XI. Khi về làng Thổ Lỗi viếng thăm đền thờ bà, tôi mới biết tác phẩm của nữ sĩ Ngọc Trong như kể trên soạn ra là để phụng thờ hoàng thái hậu và lưu lại cho hậu thế.

Trong đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan còn có hai câu đối của thi hào Cao Bá Quát: Nhất bát thượng tiền duyên, trường ký cố hương Tư Kính tự/Bát lăng thành quá mộng, bất tri hà xứ Thượng Dương cung (Duyên trước hâm mộ cái y bát, nhớ mãi ngôi chùa Tư Kính nơi quê cũ/ Giấc mộng đi qua, chỉ còn lại tám cái lăng mộ, không biết cung Thượng Dương ở chỗ nào).

Các nhà nghiên cứu cho rằng 2 tác phẩm cổ nhất viết về Hoàng thái hậu Ỷ Lan - Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư - đều không cho biết tên thật của bà là gì. Cụ Hoàng Xuân Hãn có dẫn một tác phẩm của Trung Quốc trong sách Lý Thường Kiệt cũng không nói rõ. Vài bài viết trước đây cứ cho bà là Lê Thị Ỷ Lan. Đến thăm đền thờ, thành kính đứng trước tượng của Hoàng thái hậu Ỷ Lan và nhờ công trình nghiên cứu về nữ sĩ Ngọc Trong của nhà sử học Tạ Ngọc Liễn, nhiều người mới biết bà là Lê Thị Khiết (Khiết nương/ Lỗi hương chốn ấy có nhà họ Lê) cùng thân thế, dòng họ Lê ở làng Thổ Lỗi ngày xưa.

Nếu nàng Ngọc Chữ sau này đi cắt cỏ đã gặp chúa và nên duyên thì trước đó 7 thế kỷ (năm 1063), cũng ở làng Thổ Lỗi, Khiết nương lúc đang đi hái dâu thì thấy vua đi qua, đứng tựa vào bụi lan (ỷ lan) rồi được sủng ái đưa về cung. Khi trở thành nguyên phi, vua đi đánh giặc, bà thay chồng tham gia triều chính và được quý trọng. Khi con Hoàng thái hậu Ỷ Lan lên nối ngôi vua với vương hiệu Lý Nhân Tông nhưng hãy còn quá nhỏ tuổi, bà đã có vai trò cùng danh tướng Lý Thường Kiệt giúp Đại Việt đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống, giữ vững bờ cõi.

Ỷ Lan Hoàng thái hậu, dưới ngòi bút của sử gia Ngô Sĩ Liên, là hình ảnh luôn cảm thương các số phận hẩm hiu, cùng cực trong xã hội đương thời, “đã đổi mệnh cho họ” bằng cách dùng tiền trong kho để chuộc những cô gái đi ở đợ, gả cho những người con trai nghèo và giúp họ đổi đời... Hoàng thái hậu Ỷ Lan còn có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa Phật giáo, trong đó có chùa Tư Kính - nay là đền thờ bà mà Cao Bá Quát đã đề câu đối. Bà cùng các thiền sư bàn chuyện hoằng dương Phật pháp và viết nhiều bài kệ nổi tiếng. Chính vì vậy, bà được xếp vào hàng các tác giả văn học Lý Trần.

Đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan xưa từng đón nhiều vua quan nhà Lý về tưởng niệm bà. Năm 1620, đền thờ được trùng tu và ghi lại trên bia đá. Trong chiến tranh, tượng của bà phải di chuyển để bảo vệ, nay đã được đưa về đây thờ phượng tôn nghiêm. Hơn 900 năm, nhân dịp ngày sinh của Hoàng thái hậu Ỷ Lan (năm 1044) và ngày mất của bà (1117), các lễ hội tưởng niệm vẫn được tổ chức trọng thể.

 

Đáng ngưỡng mộ!

Một vùng quê hương Kinh Bắc như Thổ Lỗi, hay Như Quỳnh ngày nay, mà sinh ra 3 phụ nữ tài danh và đức độ trong lịch sử thì thật đáng cho ta ngưỡng mộ. Phụ nữ Việt ngày nay có thể giỏi giang, tân tiến hơn nhưng đâu phải không học từ những cô gái làng Ghênh ấy nhiều điều bổ ích!

 

Di tích lịch sử - văn hóa Từ Vũ, nơi thờ 2 chị em họ Trương nổi tiếng
Di tích lịch sử - văn hóa Từ Vũ, nơi thờ 2 chị em họ Trương nổi tiếng

 

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo