Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, tính từ đầu mùa mưa đến nay, toàn tỉnh đã có ít nhất 325 căn nhà bị sập và tốc mái; nhiều đường dây điện, cáp viễn thông bị đứt.
Nhà sập, lúa ngập
Mưa kèm theo lốc xoáy cũng gây thiệt hại cho tàu bè đang hoạt động trên vùng biển Kiên Hải trong những ngày qua. Theo số liệu thống kê sơ bộ, đã có 7 tàu cá của ngư dân bị gió giật gây chìm, thiệt hại về tài sản rất lớn. Rất may, nhờ được hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng trên biển nên không có thiệt hại về người.
Ông Đào Xuân Nha - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - cho biết người dân trong huyện đã gieo sạ lúa hè thu được 43.217 ha. Mưa lớn hơn một tuần qua đã làm ngập úng và thiệt hại khoảng 9.346 ha. Trong đó, 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là xã Nam Thái Sơn và Mỹ Hiệp Sơn với gần 7.000 ha lúa bị ngập úng. Hiện nay, mực nước trên các kênh còn cao, kết hợp với lượng mưa lớn đã làm đình trệ việc gieo sạ cũng như công tác tiêu úng, chống ngập. Đơn vị này đang phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành tối đa hệ thống cống thoát nước để người dân tiêu úng, sớm xuống giống vụ mới.
Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, hiện trên địa bàn tỉnh này cũng đã ghi nhận có 58 căn nhà bị sập và tốc mái. Trong trận mưa đầu mùa vừa qua, đã có một thanh niên ở xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu bị sét đánh chết khi đang trú mưa trong chòi giữ vịt trên bờ đê. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã có gần 50 nhà dân bị hư hỏng nặng do giông lốc.
Cần Thơ: Gấp rút lắp cống thoát nước
Ngay trong ngày 30-5, một cơn mưa lớn kéo dài chưa đầy 30 phút nhưng đã làm nhiều tuyến đường tại TP Cần Thơ ngập nặng, ùn tắc giao thông. Trong đó phải kể đến đường Trần Ngọc Quế và Trần Văn Hoài thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Đây là 2 trong những tuyến đường vừa được TP Cần Thơ đầu tư xây dựng lại hệ thống thoát nước nhằm chống ngập. Một hộ dân sống trên đường Trần Văn Hoài phản ánh rằng chỉ cách đây vài tháng, một cống thoát nước rất lớn được lắp đặt trên đoạn đường này nhưng chẳng hiểu sao nước vẫn ngập dù mưa không lớn. Khó hiểu hơn, chỉ 3 tháng sau khi thi công, trên đường này xuất hiện tình trạng sụt lún vỉa hè.
Ông Phạm Văn Đức, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho biết hạ tầng thoát nước ở các tuyến đường chính trên địa bàn quận đã và đang được hoàn thiện. Các dự án nâng cấp đô thị (dự án 1 và dự án 2) đã nâng cấp nhiều tuyến hẻm, nạo vét một số kênh rạch đã góp phần cải tạo môi trường, tăng khả năng thoát nước cho khu vực đô thị khi xảy ra mưa lớn. Cùng với đó, dự án 2 cũng nâng cấp mặt đường và hạ tầng thoát nước của tuyến đường Hòa Bình, 30/4 đoạn đến đường Trần Văn Hoài nên tình trạng ngập sau các trận mưa lớn ở khu vực này đã được khắc phục. Hiện nay, dự án 2 cũng đang thi công tuyến cống đấu nối vào đường Trần Ngọc Quế giao nhau với đường 30/4 nhằm góp phần giải quyết tình trạng ngập tại khu vực này và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5-2016.
Sạt lở nặng ở nhiều nơi
Tại Hậu Giang, mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã làm khoảng 20 căn nhà bị sập hoàn toàn, 15 căn nhà bị tốc mái, gây sạt lở nặng tại nhiều nơi. Gần 2.700 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ, chín bị đổ. Ước tính tổng thiệt hại gần 2,4 tỉ đồng.
Ông Trần Quang Hành - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - nhận định: “Mùa mưa năm nay có nguy cơ sạt lở rất cao. Đối với những nơi sạt lở, ngành nông nghiệp sẽ xin chủ trương của UBND huyện để khắc phục với tổng số tiền khoảng 1 tỉ đồng.
Bình luận (0)