xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mong được sống là chính mình

THẾ KHA - PHƯƠNG NHUNG

Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, phân biệt đối xử và cả bạo lực từ phía gia đình đã khiến nhiều người chuyển đổi giới tính bị trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc tự tử

Những nghiên cứu, điều tra đầu tiên về cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam đã được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) phối hợp với tổ chức CARE quốc tế ở Việt Nam, Rosa Luxemburg Stiftung và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Đại sứ quán Úc tại Hà Nội) công bố ngày 29-8. Viện trưởng iSEE Lê Quang Bình khẳng định người chuyển giới vẫn còn bị nhiều kỳ thị. 

Tự chuyển đổi giới tính

Cát Thy, một người chuyển giới từ nam sang nữ ở TPHCM, cho biết đã không thể mua vé máy bay của bất cứ hãng nào khi được mời ra Hà Nội dự hội thảo. “Dù các anh chị ở iSEE đã có tác động nhưng họ đều không chấp nhận khi trên CMND tôi là nam còn bề ngoài của tôi bây giờ lại là nữ” - Cát Thy nói.

Do không có tiền để sang Thái Lan phẫu thuật nên hằng tuần Cát Thy đều phải uống thuốc teo cơ, nâng ngực, dưỡng da. Mặc dù thấu hiểu những đau đớn, nguy hiểm tới tính mạng khi bơm silicon vào ngực nhưng Cát Thy cho biết mình cảm thấy hạnh phúc vì đã sắp trở thành một người con gái hoàn chỉnh. “Chỉ những người ở vào hoàn cảnh như tụi em mới hiểu nỗi khát khao cháy bỏng muốn được sống là chính mình” - Cát Thy bày tỏ.

img
Cát Thy (người cầm micro) cho biết khi cố gắng thay đổi giới tính,
cuộc sống của mình đã gặp muôn vàn khó khăn từ sự kỳ thị của xã hội. Ảnh: THẾ KHA
 

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết mới đây, Bộ Y tế cũng nhận được đề nghị cho phép thay đổi lại hộ tịch, giới tính của anh Ngô Văn H. (Thừa Thiên - Huế). Mặc dù anh H. đã sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành công nhưng khi về Việt Nam lại không có cơ quan nào chịu thẩm định và xác nhận việc đó.

Dễ bị tổn thương

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Phạm Quỳnh Phương (iSEE) cho biết nhiều người chuyển giới đang sống ngoài pháp luật do có quá nhiều thứ “không”: Không có CMND, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực sau khi phẫu thuật. “Thiếu sự bảo vệ của pháp luật đã khiến họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và cả bạo lực từ phía gia đình, xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc tự tử” - TS Phương nhận định.

Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp-Bộ Tư pháp, cho rằng nhóm người đồng tính, chuyển giới đang có những cơ hội hiện hữu trước mắt để được Nhà nước bảo đảm quyền lợi của mình. Trong chương trình xây dựng luật từ nay tới năm 2015, Hiến pháp, Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự sẽ lần lượt được xây dựng và ban hành.
Theo ông Thất, đây thực chất là việc xác định lại giới tính chứ không hẳn là chuyển đổi giới tính. “Người làm luật trước đây chưa đạt tới sự hiểu biết cặn kẽ về vấn đề này. Chúng tôi đã làm thủ tục xin xác định lại giới tính của rất nhiều người sau khi sang Thái Lan phẫu thuật. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế - Bộ Tư pháp, lại cho rằng vấn đề chuyển giới phải được bàn bạc kỹ lưỡng bởi khi đó phải đưa ra được những biện pháp nào nhằm giảm những tác động ngược trở lại xã hội. “Ở nhiều nước, đã có hiện tượng nhiều người bình thường về giới tính nhưng lại chuyển đổi giới tính để vì mục đích thương mại. Việc chấp nhận quy định này liệu có “vẽ đường cho hươu chạy” hay không?”- ông Hải đặt vấn đề.

Ông Trần Thất đã đề nghị TS Phạm Quỳnh Phương chuyển cho ông toàn bộ tài liệu về kết quả nghiên cứu về người chuyển giới. “Đó là cơ sở để tôi có kiến nghị xem xét việc bổ sung quy định về quyền lợi của nhóm người này vào Luật Hộ tịch dự kiến được thông qua vào năm 2013”- ông Thất nói.

Rất khó tìm việc làm

Theo TS Phạm Quỳnh Phương, dù có học vấn hay không, người chuyển giới cũng hầu như không xin được việc làm dù đây là nguyện vọng tha thiết để bảo đảm sự sinh tồn. Hậu quả là nhiều người phải làm những công việc chịu sự kỳ thị nặng nề hơn như đi hát đám ma hoặc thậm chí bán dâm.

Nghị định 88/CP quy định người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác thì sẽ được xác định lại giới tính. Những người chuyển đổi giới tính ở nước ngoài sau khi về Việt Nam sẽ được xác định lại giới tính nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có cơ sở, bệnh viện nào đủ điều kiện làm việc này. Đối với những người không ra nước ngoài phẫu thuật thì việc thay đổi giới tính trên giấy tờ sẽ khó khăn hơn nhiều lần vì đến nay quy định pháp luật vẫn chưa thay đổi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo