Sáng 2-4, tại phòng họp Diên Hồng - Nhà Quốc hội (QH), với đa số đại biểu (ĐB) biểu quyết tán thành, QH đã bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang giữ cương vị Chủ tịch nước, kế nhiệm ông Trương Tấn Sang.
Làm hết sức mình
Công bố kết quả bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước, Trưởng Ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí cho biết tổng số ĐBQH là 494, trong đó 483 ĐB có mặt; số phiếu hợp lệ là 481 và 2 phiếu không hợp lệ. Số phiếu đồng ý là 452 (bằng 91,50% tổng số ĐBQH) và 29 phiếu không đồng ý (bằng 5,87%).
Tiếp đó, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Nghị quyết về việc bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước. Với 93,12% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Như vậy, Đại tướng Trần Đại Quang chính thức trở thành Chủ tịch nước từ ngày 2-4.
Đúng 8 giờ 45 phút, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức theo quy định của Hiến pháp trước QH, đồng bào và cử tri cả nước. Một tay đặt lên cuốn Hiến pháp 2013 màu đỏ, tay còn lại giơ cao hướng lòng bàn tay về hội trường QH, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang dõng dạc tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Trần Đại Quang - Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - xin tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”.
Phát biểu trước QH sau lễ nhậm chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi nguyện làm hết sức mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia; thúc đẩy công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ trên thế giới”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng gửi lời cảm ơn chân thành nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng, hết sức vì đất nước, vì nhân dân.
Lựa chọn sáng suốt
Ngay sau lễ tuyên thệ và có bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bên lề nghị trường, các ĐBQH đã bày tỏ sự tin tưởng trên cương vị mới, tân Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành công an đã đạt được nhiều thành tựu dưới sự điều hành của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Theo ông Vinh, trên thế giới, nhiều nước có tình trạng khủng bố hoặc một loạt sự bất ổn xảy ra nhưng ở Việt Nam rất yên bình. Môi trường chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt nên các nhà đầu tư nước ngoài đã yên tâm khi đến đất nước chúng ta để đầu tư.
“Tôi có thể khẳng định Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người rất gần dân và lắng nghe tiếng nói của cử tri” - ông Vinh nhấn mạnh.
ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị mà đất nước ta đạt được trong nhiệm kỳ này có sự đóng góp rất lớn của ngành công an. Trong những vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo sát sao, phá án kịp thời. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, nhiệm kỳ qua, ông Trần Đại Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. “Chủ tịch nước Trần Đại Quang với kinh nghiệm, nền tảng khi đã đảm nhiệm qua nhiều vị trí công tác sẽ kế thừa, phát huy được thành tựu của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, nhất là vị trí thống lĩnh lực lượng vũ trang. Tôi hy vọng đây sẽ là một nhiệm kỳ Chủ tịch nước có nhiều dấu ấn” - ông Hoàng nói.
ĐB Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định Đại tướng Trần Đại Quang là người xứng đáng để QH lựa chọn bầu vào chức danh Chủ tịch nước và đây là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng, của QH. “Tôi mong ở cương vị Chủ tịch nước, ông sẽ thực hiện được nguyện vọng của nhân dân, là người lãnh đạo của dân, do dân và vì dân. Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, ông sẽ có những giải pháp tích cực hơn nữa để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước, đặc biệt là giải quyết tranh chấp ở biển Đông” - ĐB Rinh bày tỏ
Với mong muốn tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện được tính thống lĩnh trong lực lượng vũ trang, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) kỳ vọng người đứng đầu nhà nước thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới và kiên định đấu tranh, giải quyết các vấn đề biển đảo trên cơ sở luật pháp chứ không phải đối đầu.
Tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956; tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; là giáo sư - tiến sĩ luật học, thạc sĩ tiếng Trung Quốc.
Từ tháng 7-1972 đến tháng 10-1975, ông là học viên Trường Cảnh sát nhân dân trung ương và Trường CĐ Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Từ tháng 10-1975 đến tháng 6-1987, ông là cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I (sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II), giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Từ tháng 6-1987 đến tháng 6-1990, ông là Trưởng Phòng Tham mưu và Trưởng Phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II.
Từ tháng 6-1990 đến tháng 9-1996, ông là Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Từ tháng 9-1996 đến tháng 10-2000, ông là Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh. Từ tháng 10-2000 đến tháng 4-2006, ông là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong hàm thiếu tướng và học hàm phó giáo sư (cùng vào năm 2003).
Từ tháng 4-2006 đến tháng 1-2011, ông là Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa X, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong hàm trung tướng (2007) và học hàm giáo sư (2009). Từ tháng 1-2011 đến tháng 8-2011, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.
Từ tháng 8-2011 đến nay, ông là Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong hàm thượng tướng (2011) và đại tướng (2012); Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ĐBQH khóa XIII; Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương.
Miễn nhiệm 1 Phó Chủ tịch Quốc hội và Tổng Kiểm toán nhà nước
Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận, bỏ phiếu miễn nhiệm cũng như biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch QH đối với ông Huỳnh Ngọc Sơn, miễn nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.
QH cũng bỏ phiếu miễn nhiệm và thông qua nghị quyết miễn nhiệm đối với: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương.
Dự kiến, chiều 4-4, QH sẽ bầu một số Phó Chủ tịch QH, một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chiều 5-4, QH bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm một số ủy ban của QH và Tổng Kiểm toán nhà nước.V. Duẩn
Bình luận (0)