xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một thời quân ngũ, một thời “bí xanh”

NHỮ ĐÌNH NGOẠN (Huỳnh Dũng Nhân ghi)

L.T.S: Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Người Lao Động xin giới thiệu bài viết của tác giả Nhữ Đình Ngoạn (họa sĩ Nhím) - cựu chiến binh, công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM

Dù gia đình còn khó khăn, bố mẹ vẫn cho anh em tôi học thêm các môn nghệ thuật. Nhờ sự giáo dục của bố mẹ mà lớn lên, chúng tôi đều tự lập và thành đạt. Ba anh em đều là những nhà khoa học tự nhiên (anh trai và em gái chuyên về vật lý, còn tôi là dân toán - tin học) nhưng đều yêu âm nhạc, hội họa. Tôi may mắn được thừa hưởng cả “gien” hội họa của bố và “gien” báo chí của mẹ.

Thường xuyên đối diện cái chết

Tuổi mới lớn ảnh hưởng hình tượng những người anh hùng trong sách báo thời ấy, 2 lần tôi tự cắt ngón tay lấy máu viết đơn tình nguyện vào chiến trường mà không được đi (vì chưa đủ tuổi). Lần thứ ba, tôi lại viết đơn bằng máu rồi cầm trực tiếp lên quận đội. Cuối cùng, hội đồng tuyển quân cũng phải đồng ý.

Tác giả giao lưu với sinh viên Khoa Báo chí truyền thông Trường ĐH KHXH-NV TP HCM mới đây
Tác giả giao lưu với sinh viên Khoa Báo chí truyền thông Trường ĐH KHXH-NV TP HCM mới đây

Tôi về khoe với mẹ: “Mẹ ơi! Con sắp đi bộ đội!”. Mẹ sững người: “Con nói đùa hả? Con đang đi học mà. Mà đã đủ tuổi đâu cơ chứ?”. Cầm tờ quyết định có dấu đỏ chót tôi đưa, mẹ lặng người. Đến lúc ấy, mẹ hiểu rằng tôi không nói đùa. Mắt mẹ lại rơm rớm. Lần này, con mẹ không phải đi nước ngoài học mà đi về hướng bom rơi đạn nổ. Một cuộc ra đi đầy hiểm nguy bất trắc, không biết có còn gặp lại nữa hay không…

Bao nhiêu năm tôi ở chiến trường, không có tin tức gì, mẹ đêm đêm lén nghe đài đối phương xem có thông tin gì liên quan đến con trai không. Cứ nghe bất cứ ai nhận được tin trong Nam gửi ra, bố mẹ lại tìm đến nhà để hỏi han rồi lại thất vọng ra về.

Đầu năm 1975, trong một trận đánh ở lộ 4 (Mỹ Tho), một số giấy tờ của đơn vị tôi bị lọt vào tay quân đội Sài Gòn. Họ đem đọc trên mục “Sinh Bắc - tử Nam” của Đài Phát thanh Sài Gòn. Bố mẹ thấy đúng tên tôi và phiên hiệu đơn vị, ruột gan đau như cắt nhưng vẫn hy vọng con mình còn sống…

Sau Hiệp định Paris 1973, theo thỏa thuận, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, còn quân đội 2 bên (quân Giải phóng và quân Sài Gòn) thì cắm cờ ở đâu đóng quân ở đấy. Chiến dịch cắm cờ giữ đất này mang mật danh là “Chiến dịch bảo vệ mùa màng”. Hai bên giữ đất theo thế cài răng lược. Đơn vị tôi đóng quân ở Tây Ninh, bên kia núi Bà Đen.

Trước khi tham gia các trận đánh ở miền Tây Nam Bộ, việc đầu tiên của chúng tôi là tập… chèo xuồng. Sau một tuần tập luyện thì chúng tôi bơi xuồng thành thạo chẳng khác gì dân miền Tây.

Chúng tôi hành quân suốt đêm qua Đồng Tháp Mười, vượt sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trên bờ, cứ cách khoảng 1 km lại có bốt gác của lính Sài Gòn. Ban đêm, tiếng động vang xa nghe rất rõ. Có người bơi ra giữa sông thì đuối quá đã âm thầm chìm vào dòng nước mà không hề kêu cứu, để bảo vệ an toàn cho đơn vị. Qua sông, kiểm lại người thấy thiếu, chúng tôi mới biết vừa mất đi một đồng đội.

Khi tiếp cận mục tiêu thì trời đã mờ sáng. Khu vực này có căn cứ Chi khu 75, thuộc huyện Tuyên Nhơn, tỉnh Kiến Tường (cũ). Đây là trận đánh đầu tiên kể từ khi tôi vào chiến trường nên vô cùng hồi hộp…

Bộc phá mở rào nổ. Lệnh xung phong! Tôi kẹp nách khẩu súng AK lao nhanh lên phía trước. Chợt có một cảm giác hơi là lạ, liếc xung quanh, sao chẳng thấy ai chạy cùng mình. Rồi nghe tiếng tiểu đội trưởng hô: “Đứng lại, Ngoạn”. Tôi dừng lại. Anh chạy đến, mặt tái mét, quát: “Mày chạy đi đâu vậy hả?”. Tôi đáp: “Dạ, em… xung phong theo lệnh mà”. Tiểu đội trưởng quát: “Mày nhìn lại sau lưng coi!”. Tôi ngoái lại phía sau, mồ hôi toát ra như tắm, như có một luồng điện lạnh toát sống lưng. Tôi mới thoát chết trong gang tấc bởi vừa chạy qua một bãi mìn!

Trận đánh mà tôi gặp may mắn nữa xảy ra tại Đức Hòa - Đức Huệ, tỉnh Long An bây giờ. Sáng hôm ấy, quân Sài Gòn bao vây và chúng tôi chống trả quyết liệt. Khoảng 10 giờ, tiếng súng thưa dần và vòng vây giãn ra. Đây là dấu hiệu cho thấy đối phương sẽ lui ra gọi pháo bắn hoặc kêu máy bay thả bom “dầm nát” chúng tôi.

Quả nhiên, 10 phút sau, chiếc “chuồn chuồn” OV.10 bay vòng vòng thám thính rồi bắn xuống trận địa của chúng tôi 1 trái đạn khói màu làm điểm. Lập tức, các máy bay phản lực ào ào kéo đến. Chúng tôi không nghe tiếng nổ, chỉ thấy mặt đất rùng rùng, không gian như chao nghiêng. Thân thể chúng tôi như nhẹ bỗng, bay lơ lửng, ngực bị ép mạnh, máu mồm, máu mũi trào ra, rồi một bóng tối bao trùm ụp xuống… Chúng tôi bị ép chặt trong hầm như một hộp cá mòi.

Khi tôi mở mắt ra thì đã thấy đồng đội bao quanh mừng rỡ. Đồng đội đã kịp thời đào bới chúng tôi lên từ cái công sự bị vùi lấp. Tâm hố bom gần nhất cách căn hầm của tôi khoảng 5-6 m, miệng hố bom vừa chớm tới miệng hầm. Nếu quả bom này bay lệch lên thêm 4-5 m nữa là nó thổi bay căn hầm của chúng tôi đi rồi!

Lần khác, trên đường đi công tác, giữa đồng không mông quạnh, đang tìm phương hướng thì không biết lớ ngớ thế nào, tôi lại đứng ngay cái tọa độ chết mà “dàn nhạc” (tên chúng tôi gọi những dàn pháo đại bác vì chúng có thể bắn cấp tập trong 30 phút) đã canh sẵn. Tôi chỉ còn biết nằm ép sát xuống đất, trườn tới chỗ trũng để tránh mảnh pháo. Thời gian chờ đợi kéo dài như một cực hình. Cho đến khi tiếng nổ cuối cùng chấm dứt, tôi lập tức vùng dậy cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi tọa độ chết. Hú vía!

Bây giờ đi coi bắn pháo hoa, nghe tiếng nổ lụp bụp trên trời, từng trái pháo nổ bung ra, tôi lại nhớ cái cảm giác lạnh lưng lần ấy...

Hừng hực sức sống

Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng nhưng chúng tôi chưa có phương tiện liên lạc về nhà được. Đến năm 1976, lần đầu tiên tôi được đơn vị cho về phép. Chuyến tàu đến ga Hà Nội là 1 giờ. Khi về đến, thấy cả nhà đang ngủ say, tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ trêu đùa mẹ.

Tôi gõ cửa, bịt mũi nói: “Nhà có khách nhé”. Có tiếng mở khóa cửa lạch xạch. Cánh cửa mở ra, mẹ sững người nhìn tôi đang đeo ba lô đứng ở sân dưới ánh trăng. Chợt mẹ thảng thốt la lên một tiếng, bật khóc òa rồi lao ra ôm chầm lấy tôi. Nước mắt mẹ thấm đẫm ngực quân phục của tôi. Tôi lại hối hận vì đã làm mẹ khóc, dù đó là những giọt nước mắt mừng vui vì đứa con đã trở về nguyên vẹn.

Đất nước hòa bình, tôi có ước mơ mãnh liệt trở lại con đường học tập. Những lần đi công tác, tôi mua sách giáo khoa về tự học ôn thi. Rồi tôi đã thi đỗ vào Trường ĐH Tổng hợp TP HCM mà không cần bất cứ chế độ, chính sách ưu tiên nào.

Trước khi bước chân vào Khoa Toán Trường ĐH Tổng hợp TP HCM, tôi chẳng hình dung một ngày nào đó mình lại là một “bí xanh”. Thời đó, chúng tôi thường gọi vui các bí thư Đoàn là “bí xanh” để phân biệt với bí thư Đảng là “bí đỏ”, vì cán bộ Đoàn thường mặc đồng phục xanh.

Tôi “bị phân công” làm lớp trưởng, bí thư chi đoàn vì là người lính từ chiến trường về, lớn tuổi và có vẻ chững chạc nhất trong các sinh viên (SV) khoa toán năm 1. Cầm súng chiến đấu gan góc bao nhiêu thì tôi lại… không dạn dĩ bấy nhiêu trước đám đông, nhất là vốn có tính… nhát gái. Nhưng rồi tôi cũng cố gắng học tập và trở thành thủ khoa toán ứng dụng.

Với những phong trào hoạt động sôi nổi của SV ngày ấy (1978-1979), được sự dìu dắt của các anh chị cán bộ Đoàn trường, dần dần tôi hòa nhập, tham gia những hoạt động chung. Tôi tham gia ban chấp hành Đoàn trường, rồi ban thường vụ…

Cuối năm 1982, để chuẩn bị cho Liên hoan Thanh niên hữu nghị Việt-Xô tổ chức đầu năm 1983 tại TP HCM, Thành Đoàn rút anh Trần Quốc Huy, Bí thư Đoàn trường, lên phụ trách Ban Trường học. Tôi được tập thể bầu làm Bí thư Đoàn trường thay cho anh Huy. Một lần nữa, tôi lại làm “bí xanh”.

Phải nói rằng công tác Đoàn trước đây mạnh là do sức mạnh tập thể. Truyền thống SV ĐH Khoa học từ trước năm 1975 cho đến ĐH Tổng hợp TP HCM sau này là luôn luôn hoạt động sôi động, luôn luôn hừng hực sức sống và sáng tạo. Cán bộ Đoàn ở các khoa rất nhiệt tình, tích cực và bản lĩnh. Một trong các hoạt động điển hình sáng tạo của Đoàn Trường ĐH Tổng hợp TP HCM là khai sinh ra Mùa hè Xanh từ năm 1983.

Đoàn Trường ĐH Tổng hợp nhận định SV là những trí thức trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, cần có những công trình hoạt động xã hội ý nghĩa lớn hơn. Chúng tôi đã tổ chức đưa SV ngành khoa học xã hội (văn, sử, địa) đến các địa phương thực hiện những công trình: biên soạn sách địa chí văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng, viết về các “địa chỉ đỏ” của địa phương...

Đoàn Khoa Lý, Hóa đưa SV đi quê hương Đồng Khởi Bến Tre tổ chức các lớp xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa cho dân nghèo. SV Khoa Địa chất, Khoa Sinh và các khoa còn lại tham gia công trường xây dựng thủy điện Trị An. Cũng không thể không nhắc đến Đội Văn nghệ xung kích của trường. Đây là đội văn nghệ SV duy nhất có trang bị âm thanh điện tử và tổ chức các đợt lưu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, các đội TNXP, các đồn biên phòng ở biên giới…

Một thời quân ngũ, một thời làm “bí xanh” là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của tôi.

Khát khao cống hiến

Tôi tham gia nhóm họa sĩ biếm họa Báo Tuổi Trẻ từ năm 1979, Tuổi Trẻ Cười từ năm 1984 và làm cộng tác viên cho hơn 10 báo khác. Tôi còn học kịch câm, khiêu vũ, sinh hoạt trong CLB kịch câm, đi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa và chiến sĩ biên phòng nơi biên giới, sau này cùng nhóm bạn dạy kịch câm cho thanh niên ở Nhà Văn hóa Lao động.

Họa sĩ Nhím. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Họa sĩ Nhím. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Bên cạnh công việc chính ở Trung tâm Tin học của trường, cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, tôi muốn cống hiến tuổi trẻ cho những gì ý nghĩa và bổ ích nhất. Tôi tham gia Quỹ Vì trẻ em khuyết tật, cùng đồng nghiệp khảo sát và lập những dự án từ thiện, vận động các nhà hảo tâm tài trợ và chung tay giúp cho trẻ em khuyết tật có điều kiện hòa nhập cuộc sống cộng đồng bình thường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo