Sáng 10-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI.
Đi học, đi khám… đều “lót tay”
Báo cáo tại cuộc họp, bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP, cho biết UNDP đã làm một nghiên cứu về PAPI ở Việt Nam để đo lường kinh nghiệm thực tiễn của người dân. Từ năm 2009 đến 2015 đã có gần 75.000 người thuộc 63 tỉnh, TP trên cả nước được khảo sát. Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương có số lượng người tham gia khảo sát đông gấp 3 lần các địa phương khác (chiếm khoảng 10% số dân có hộ khẩu thường trú của mỗi địa phương). Người được chọn khảo sát là ngẫu nhiên, có độ tuổi trên 18.
Theo khảo sát của UNDP, tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng ở cấp tỉnh mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhằm giảm thiểu. Giai đoạn 2011-2015 gia tăng đáng kể tỉ lệ người được hỏi đã cho rằng “lót tay”, chung chi, bồi dưỡng ngoài quy định tồn tại khi xin việc vào khu vực nhà nước, khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và giáo dục công lập. Mỗi phụ huynh phải chi ngoài quy định để bồi dưỡng cho giáo viên/ban giám hiệu trường tiểu học công lập tại TP HCM gần 853.000 đồng/học kỳ (năm 2011 là 510.000 đồng/học kỳ). Ở Hà Nội, mức bồi dưỡng này là khoảng 630.000 đồng/học kỳ (năm 2011 là 824.000 đồng/học kỳ).
Đáng chú ý, trong năm 2015, có hơn 30% người dân ở TP HCM và gần 66% người dân ở Hà Nội được hỏi cho biết đã trả chi phí không chính thức ngoài quy định cho cán bộ y tế ở bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn. Giá trị chi phí không chính thức cho dịch vụ y tế này là hơn 700.000 đồng/lượt ở TP HCM và hơn 3,5 triệu đồng/lượt ở Hà Nội; hơn 28% người dân TP HCM và hơn 62% ở Hà Nội cho hay phải trả chi phí “lót tay” để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giá trị tiền “lót tay” ở Hà Nội hơn 1 triệu đồng/lượt và ở TP HCM là gần 14,5 triệu đồng/lượt).
Làm thật, dân mới tin
Trước những số liệu UNDP công bố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Phi Hùng nhìn nhận còn hiện tượng bị phiền hà, vòi vĩnh, đi lại nhiều lần khi người dân làm thủ tục hành chính. Những năm trước, Bộ Xây dựng chưa hoàn chỉnh bộ thủ tục nên TP chủ động cải cách những bất cập trong cấp giấy phép xây dựng. Những năm gần đây, thủ tục hành chính về xây dựng là của Bộ Xây dựng quy định nên TP phải áp dụng. Ông Hùng ví dụ: “Bộ Xây dựng kiên quyết phải có bản vẽ thiết kế công trình, TP thì thấy không cần vì rất nhiêu khê, tốn kém”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hoài Nam đề nghị UNDP xem lại con số phụ huynh bồi dưỡng cho giáo viên/ban giám hiệu nhà trường bởi cả TP có khoảng 532.000 phụ huynh tiểu học, nếu ai cũng “lót tay” thì mỗi học kỳ tốn trên 450 tỉ đồng.
Đại điện UNDP nhấn mạnh chính quyền có thể tin tưởng các kết quả khảo sát này vì dựa trên danh sách có hộ khẩu thường trú ở TP để lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Do đó, chính quyền nên tuyên truyền nhiều hơn về những nỗ lực của mình đang làm cho người dân biết và quan trọng là phải làm thật thì dân mới tin.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng trách nhiệm công khai minh bạch cho người dân là rất quan trọng. Sắp tới, sẽ tập huấn cho cán bộ phường, xã, thị trấn. Lãnh đạo TP HCM với tinh thần hết sức cầu thị, đã có buổi làm việc để nghe lại những hạn chế, thiếu sót của TP trong các chỉ số đánh giá.
Theo ông Tuyến, để xây dựng chính quyền vững mạnh, ngoài nỗ lực từ chính quyền trong cải cách hành chính, giảm phiền hà thì cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân. Ví dụ, chính quyền kêu gọi chống tham nhũng, tiêu cực thì người dân cũng phải kiên quyết nói không với chung chi.
Tuyển công chức dựa vào quan hệ
Báo cáo của UNDP cho biết theo đánh giá của người dân, việc tuyển dụng công chức, viên chức phần lớn không dựa trên năng lực thật sự mà dựa trên các quan hệ cá nhân. Trong 5 năm liên tiếp, quan hệ cá nhân được coi là quan trọng hoặc rất quan trọng. Hơn 50% người được khảo sát cho hay có tình trạng phải “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, quyết tâm chống tham nhũng của cả chính quyền và người dân có xu hướng suy giảm. Trong năm 2015, có 37% số người được hỏi cho rằng lãnh đạo cấp tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý vụ việc tham nhũng ở địa phương, thấp hơn so với 2 năm trước. Trong khi đó, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân lại có xu hướng gia tăng (chỉ gần 3% người bị vòi vĩnh, đưa hối lộ cho biết sẽ tố giác, giảm 7,5% so với năm 2011).
Bình luận (0)