xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Muốn làm “quan”, phải thi!

HOÀNG DŨNG - TRỌNG ĐỨC - THỐT NỐT

Mô hình thi tuyển cán bộ lãnh đạo được Bộ Nội vụ khởi xướng từ 8 năm trước, hiện các tỉnh - thành đang triển khai với mức độ khác nhau. Điểm ưu việt chung là cách thức này hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền

“Sau gần 7 năm tổ chức thi tuyển, cái được lớn nhất của Đà Nẵng là các cơ quan, đơn vị đã tuyển chọn được những lãnh đạo có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, việc thi tuyển hạn chế được nạn chạy chọt để làm quan” - ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, khẳng định.

Bít “cửa sau”, mở đường cho công chức trẻ

Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong tổ chức thi tuyển công khai cán bộ lãnh đạo ở các đơn vị sự nghiệp. Từ năm 2006 đến giữa năm 2013, qua hình thức thi tuyển lãnh đạo, Đà Nẵng đã bổ nhiệm được hơn 100 người vào các chức danh quan trọng. Bình quân 3 ứng viên thi 1 chức danh; ứng viên trẻ nhất là 25 tuổi, cao nhất là 45 tuổi. 
 
img
Sau khi thi tuyển và được bổ nhiệm chức danh Trưởng Phòng Tổng hợp - Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng,
anh Đoàn Đại Đồng phát huy tốt năng lực quản lý Ảnh: HOÀNG DŨNG

Ông Đặng Công Ngữ cho rằng cách thức thi tuyển lãnh đạo của Đà Nẵng là đổi mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ. Qua đó, không còn đất cho những người chạy “cửa sau” để thăng chức hoặc tuần tự nhi tiến mà chỉ những người thực lực mới có cơ hội được bổ nhiệm. Khi thi, ứng viên nào cũng muốn cạnh tranh sòng phẳng nên chính quyền sẽ chọn được người tài.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, hầu hết ứng viên trúng tuyển chức danh lãnh đạo đều hoàn thành tốt nhiệm vụ bởi họ được đào tạo bài bản, phẩm chất tốt và tinh thần cống hiến cao. Nhiều người sau khi trúng tuyển nay đã trở thành “tư lệnh” của sở, ngành. Tiêu biểu là ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng. Năm 2007, ông Chinh là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm, đăng ký thi tuyển hiệu trưởng và vượt qua 4 ứng viên để trở thành Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên. Hai năm sau, ông Chinh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng kiêm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và nay đã là Giám đốc Sở GD-ĐT. “Hình thức thi tuyển làm cho mọi người tự tin, mạnh dạn thể hiện năng lực của mình; tạo sự công khai, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ. Sau khi được bổ nhiệm, tôi luôn nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ của cấp dưới” - ông Chinh cho biết.
 
img
Ông Lê Trung Chinh (bìa trái), người thi tuyển và được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng),
nay là Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng Ảnh: HOÀNG DŨNG

Trường hợp của anh Đoàn Đại Đồng (SN 1980) cũng rất ấn tượng. Năm 2008, anh Đồng (công tác tại Đội Xử lý - Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng) cùng 3 ứng viên tham gia thi tuyển vị trí trưởng Phòng Tổng hợp của sở này. Trúng tuyển, anh nhanh chóng áp dụng nhiều sáng kiến của mình vào công việc, cộng với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, Đồng liên tiếp đưa phòng chuyên môn của mình thành đơn vị mạnh của Thanh tra sở, được khen thưởng liên tục. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, đánh giá: “Từ khi anh Đồng về, Phòng Tổng hợp chuyển biến rõ rệt…”.

Ngoài Đoàn Đại Đồng còn có không ít cán bộ trẻ đã trúng tuyển vào các chức danh quan trọng như Huỳnh Thị Kim Chi, giữ chức Phó Phòng Kinh tế - UBND quận Cẩm Lệ khi mới 26 tuổi; Lê Đức Vũ, ứng tuyển chức danh phó Phòng Quản lý đô thị quận Cẩm Lệ (năm 2009), sau đó phát hiện Vũ có sở trường về công tác xã hội nên địa phương đã bổ nhiệm anh làm Bí thư Quận đoàn Cẩm Lệ sau đó.

Không còn sống lâu lên lão làng

Cũng từ năm 2006, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm bổ nhiệm cán bộ cấp sở thông qua trình bày đề án và đến năm 2008, chính thức ban hành việc bổ nhiệm cán bộ bằng hình thức này. Đến nay, đã có 79 cán bộ cấp sở được bổ nhiệm thông qua trình bày đề án.

Đúng 4 tháng sau khi trúng tuyển trong kỳ thi thí điểm tuyển lãnh đạo cấp sở (tổ chức vào đầu năm 2013), chị Phạm Thùy Dương (SN 1976), Giám đốc Trung tâm Quản lý Công viên Vạn Cảnh, trúng tuyển chức danh Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long và chị Phạm Hồng Lan (tiến sĩ văn học, SN 1968), Trưởng Phòng Khoa giáo - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trúng tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đều có cùng quan điểm: “Áp lực đối với người trúng tuyển trong kỳ thi thí điểm đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh là rất lớn. Trúng tuyển chỉ là sự khởi đầu, quan trọng hơn cả là phải làm thế nào  phát huy hết khả năng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt, phải đáp ứng được sự kỳ vọng của hội đồng tuyển dụng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh”.

Những thí sinh không trúng tuyển cũng cho rằng cuộc thi thực sự là cơ hội cho những cán bộ trẻ thử sức và tôi luyện. Theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Bưu điện TP Cẩm Phả, dự tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - việc công khai thi tuyển cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của người dân; là cơ hội quý để cán bộ nghiên cứu, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.

Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết việc thí điểm thi tuyển 2 chức danh nói trên là cơ sở để tỉnh rút kinh nghiệm, xây dựng và ban hành quy định thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Với cán bộ công chức, đặc biệt là công chức trẻ, sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc phấn đấu, tự định hướng phát triển cho mình. Sẽ không còn chuyện sống lâu lên lão làng nữa mà 1 chức danh sẽ có 3-4 ứng viên dự tranh nên phải thi tài với nhau. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ lựa chọn một số vị trí để tiếp tục tổ chức thi tuyển cạnh tranh, cân nhắc việc luân chuyển một số vị trí khác để chuẩn bị tạo nguồn cho nhiệm kỳ 2015-2020.

Đối với Đồng Tháp, vượt lên tốp đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, tỉnh này cho thấy đã nỗ lực vượt bậc về nhiều mặt, trong đó có công tác cán bộ. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh đang trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo 2 đề án về “Nâng cao năng lực cán bộ công chức cấp phường, xã, thị trấn” (đề án 1) và “Tổ chức thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo quản lý” (đề án 2). Riêng đề án 2 sẽ được tiến hành đối với phó giám đốc các sở - ngành; trưởng, phó phòng các sở - ngành và cấp huyện.

Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo sẽ được tiến hành thí điểm vào tháng 7 năm nay. Toàn bộ ứng viên thi tuyển, ngoài những điều kiện bắt buộc về trình độ chuyên môn và đạo đức, phải có chương trình hành động cụ thể khi trúng tuyển; phải hoạch định được chiến lược phát triển của cơ quan, đơn vị trong 5 năm tiếp theo.
 

Mở rộng đối tượng dự tuyển

Từ những thành quả ban đầu, TP Đà Nẵng dự kiến mở rộng đối tượng thi tuyển và thi tuyển chức danh cao hơn. Theo ông Đặng Công Ngữ, trước nay Đà Nẵng chỉ tổ chức thi tuyển cấp phó; sắp tới sẽ thi tuyển cả cấp trưởng, thuộc các sở, quận quản lý. Đặc biệt, ngay trong đợt thi tuyển năm 2013 này, Sở Nội vụ đề xuất UBND TP cho thi tuyển chức danh đầu tiên do TP quản lý, đó là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng. Ngoài ra, đối tượng dự thi đã được mở rất rộng, kể cả những ứng viên là cán bộ không thuộc TP Đà Nẵng hoặc không thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

Việc mở rộng đối tượng dự tuyển chức danh lãnh đạo cho thấy sự trọng dụng nhân tài thật sự của TP Đà Nẵng.

 

Nhiều nơi chậm, dè dặt

Từ năm 2005, Bộ Nội vụ đã khởi động chương trình thí điểm mô hình thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Sau đó, một số địa phương cũng đã triển khai thí điểm. Tuy nhiên, việc tổ chức đánh giá lại các mô hình thí điểm này gần như không được thực hiện. Đến năm 2012, thực hiện quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai xây dựng “Đề án thí điểm đổi mới cách thức chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng”, trình Bộ Chính trị phê duyệt. Theo dự thảo đề án, các ứng viên có thể thi cạnh tranh theo hướng kiểm tra về kiến thức, kỹ năng, trình độ và trình bày chương trình hành động dưới hình thức bảo vệ đề án trong trường hợp được bổ nhiệm... Đến nay, đã có một số tỉnh, bộ - ngành công bố sẽ triển khai thực hiện thi tuyển theo mô hình này, trong số đó có TP Hà Nội. Tại cuộc làm việc hôm 13-5 với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội, cho biết đang giao các cơ quan nghiên cứu phương án thi tuyển lãnh đạo từ chức danh phó giám đốc sở trở xuống và sẽ thí điểm ngay trong năm 2013.
 
Còn Bộ Tư pháp thì cho biết trong năm 2013, bộ có thể triển khai thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo tại 13 đơn vị trực thuộc bộ; từ năm 2014-2015 sẽ triển khai thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ tại tất cả các đơn vị. Sau 3 năm thí điểm (2013-2015), Bộ Tư pháp sẽ xem xét chủ trương thống nhất thực hiện thi tuyển công chức lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ tại các đơn vị thuộc bộ từ năm 2016…
img
Chị Phạm Hồng Lan, trúng tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
T.Kha

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo