Hiện tại, toàn bộ tang vật hơn 2,2 tấn xúc xích đã được Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội trả cho Công ty TNHH Thương mại Hùng Anh (Hà Nội) sau khi kiểm tra và tạm giữ vào ngày 20-4. Tuy nhiên, nhà sản xuất là Vietfoods (Cơ sở Kinh doanh và Chế biến thực phẩm Việt; trụ sở tại tỉnh Bình Dương) vẫn ra “tối hậu thư”: Trong 10 ngày nữa, nếu Chi cục QLTT TP Hà Nội không hủy biên bản vi phạm hành chính với Vietfoods, không thừa nhận sai và xin lỗi thì sẽ khởi kiện.
Sở dĩ có việc này bởi trước đó, Chi cục QLTT TP Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính do “có hành vi sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp an toàn thực phẩm” với Vietfoods nhưng khi phải trả lại tang vật thì không hủy biên bản dù thừa nhận “doanh nghiệp không có hành vi vi phạm”.
Khu vực sản xuất của Viet Foods vẫn còn vắng vẻ Ảnh: AN NA
Sự việc có thể sẽ không căng thẳng như vậy nếu Chi cục QLTT TP Hà Nội có lời xin lỗi Vietfoods thay vì khăng khăng bảo đã làm đúng quy trình.
Trên các phương tiện truyền thông, dư luận bày tỏ mạnh mẽ sự chia sẻ với Vietfoods, đặc biệt là những thiệt hại về kinh tế, giảm sút uy tín thương hiệu, gây mất lòng tin người tiêu dùng sau khi báo chí đồng loạt thông tin về những kết luận vội vàng của cơ quan QLTT Hà Nội.
Tuyên bố của Vietfoods khiến dư luận khó quên chuyện Công ty TNHH Mạnh Cầm (Hà Nội), cách đây 2 năm từng bất đắc dĩ phải khởi kiện lãnh đạo Chi cục QLTT TP Hà Nội vì có những phát ngôn vội vàng và không chính xác sau khi niêm phong 5.600 hộp sữa dê DanLait của họ do nghi ngờ về chất lượng dù các mẫu kiểm tra của sản phẩm này đều được cơ quan chức năng khẳng định đạt yêu cầu như công bố trên nhãn mác và an toàn cho người tiêu dùng. Cho nên, dễ chia sẻ với dư luận khi đặt câu hỏi liệu có ai đó trong lực lượng QLTT Hà Nội đã vì đối thủ của doanh nghiệp (DN) mà “hành” họ hay chỉ đơn thuần là những sai sót nghiệp vụ?
Ngay thời điểm xúc xích Vietfoods được “minh oan”, ngày 16-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu là phải xây dựng DN Việt Nam “có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững”. Nghị định cũng đưa ra nguyên tắc “DN phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội”.
Để làm được những mục tiêu như thế, Chính phủ đã thể hiện quyết liệt trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động. Nhưng nỗ lực của Chính phủ hay DN sẽ khó thành hiện thực khi mà tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay những hành vi “hành” DN vẫn xảy ra tràn lan khiến doanh nhân phải nản lòng.
Cho nên, để DN phát triển, Chính phủ phải bắt đầu từ việc quyết liệt đổi mới cung cách phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng định hướng “lấy DN làm mục tiêu phục vụ”. Điều này phải được triển khai trong thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương.
Bình luận (0)