xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NGHỀ “ĐỘC” MƯU SINH (*): Dệt ước mơ từ cỏ

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nhiều vùng ven TP HCM đang dần đô thị hóa, người chăn nuôi không còn tìm đâu ra những đồng cỏ cho trâu bò ăn. Từ đó, nhiều người nghèo ngày ngày lầm lũi chèo ghe vào sâu trong các kênh rạch, dầm mình hàng giờ dưới nước để cắt cỏ đem bán

12 giờ, dưới nắng trưa gay gắt, chiếc ghe chất đầy cỏ của mẹ con bà Di Thị Tuyền cập bến sông Rạch Tra, huyện Hóc Môn, TP HCM. Bốn người con trai của bà Tuyền vội vã đưa cỏ lên bờ. Quệt mồ hôi trên mặt, bà Tuyền thở dốc nói với người thu mua cỏ: “Chuyến này được hơn 1.000 bó. Chú ứng tiền luôn để tui về lo thuốc thang cho chồng”. Cầm 1,3 triệu đồng nhét vội vào túi, bà quay sang tôi nói như phân trần: “Nghề này là vậy, tay chưa ráo mủ thì tiền đã vơi hết nửa”.  

Muỗi đốt, đỉa cắn… ra tiền

Vợ chồng bà Tuyền quê Long An, gia đình nghèo nhưng chỉ có hơn công đất, họ chia cho mỗi con 1 nền nhà. Hai cô con gái lấy chồng, 4 người con trai cũng lập gia đình, tất cả đều theo vợ chồng bà lênh đênh khắp các sông rạch lớn nhỏ ở TP HCM cắt cỏ mưu sinh hơn 10 năm nay.

Chỉ tay về phía chàng trai có nước da đen nhẻm, bà Tuyền nói: “Thằng út đó, theo ghe cắt cỏ từ khi còn nhỏ xíu, giờ đã có vợ rồi. Tháng trước, chồng tui đột nhiên bị sốt cấp tính, mổ 2-3 lần hết gần 80 triệu đồng, may mà sức khỏe phục hồi. Nhờ mới mua được bảo hiểm y tế nên hằng tháng, ông ấy tái khám cũng đỡ phần nào. Đợt này chắc cho ổng giải nghệ luôn, tui với mấy đứa nhỏ làm được rồi”.

img
Gia đình bà Di Thị Tuyền bên chiếc ghe mưu sinh

Khi tôi thắc mắc về nỗi vất vả của nghề cắt cỏ, bà Tuyền liền giơ đôi bàn tay với 10 ngón biến dạng, đen sì vì mủ cỏ. “Muốn cắt nhiều cỏ phải đi sâu vào các con rạch. Ngày nào vợ chồng tui và mấy đứa con cũng ngâm mình 2-3 giờ dưới nước để cắt cỏ. Muỗi đốt ngứa ngáy khắp người, đỉa cắn chảy máu đầm đìa nhưng cũng phải ráng chịu. Khu nào nhiều cỏ thì nhiều muỗi và đỉa. Vì thế, muỗi chích, đỉa cắn càng nhiều thì càng có tiền” - bà ngậm ngùi.

Tôi quan sát chiếc ghe “cơm gạo” của gia đình bà Tuyền. Ngoài vài chiếc liềm cắt cỏ, trong ghe chỉ có nồi cơm nguội đã vơi hết nửa, đĩa cá kho mặn còn vài con và mớ rau luộc đang ăn dở. “Công việc cắt cỏ làm theo con nước nên chẳng có giờ giấc cố định. Nước lớn, gia đình tui bắt đầu đi, cắt cỏ xong thì chờ nước lên mới quay về. Thế nhưng, con nước vài ngày lại đổi chiều. Có khi nước lên lúc nửa đêm, những người cắt cỏ cũng phải ra đi rồi sáng sớm mới quay về”.

Vất vả là thế nhưng với bà Tuyền, ngày nào không lên ghe là “bụng dạ không yên”. Chiếc ghe này không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là nơi ghi dấu một kỷ niệm đau buồn trong cuộc mưu sinh của gia đình bà. “Bốn năm trước, một đứa con trai của tui khi đi cắt cỏ bị sét đánh chết trong cơn mưa đầu mùa trên chiếc ghe này” - giọng bà đau xót.

Hy vọng vào đời con

Gia đình bà Tuyền có chiếc ghe làm phương tiện mưu sinh còn khá, rất nhiều người mà chúng tôi gặp tại cầu Bà Hồng ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn phải đi cắt cỏ thuê. Họ tá túc ở những túp lều dựng lên sơ sài, thậm chí bên hiên chuồng bò phía sau nhà chủ ghe, chấp nhận sống trong điều kiện thiếu thốn để tiết kiệm tối đa chi phí. Vậy mà không chỉ kiếm sống, nghề cắt cỏ còn giúp họ nuôi ước mơ đổi đời, bắt đầu từ việc dành dụm tiền cho con cái ăn học.

15 giờ, sau chuyến ghe đi cắt cỏ mệt nhoài, anh Thạch Út (quê tỉnh Trà Vinh) rửa vội tay rồi vo gạo nấu cơm. Gần đó, anh Thạch Lanh bắt chảo chiên mấy con cá khô cho bữa trưa muộn. “Hôm nay mấy anh cắt được nhiều cỏ không?” - tôi bắt chuyện. “Như ngày thường, anh Út cắt hơn 250 bó, được khoảng 200.000 đồng, còn tôi mới làm công việc này nửa tháng nên chỉ được hơn 100.000 đồng” - anh Lanh cho biết.

Tôi cố gợi chuyện quanh công việc cắt cỏ nhưng dường như họ không mấy hào hứng, tỏ ra rất kiệm lời. “Có gì đâu, nghề nào cũng cực mà” - anh Út thoái thác. Thế nhưng, khi tôi nhắc đến con cái, đôi mắt họ sáng rực lên.

Anh Út thổ lộ: “Cắt cỏ tuy vất vả nhưng cũng ổn hơn cắt lúa mướn dưới quê. Cứ đà này thì hết năm sau, tui về quê cũng mua được con bò làm vốn nuôi 3 đứa nhỏ ăn học. Con gái lớn sắp có chồng rồi, khỏi phải lo, tui còn 3 đứa nhỏ. Một đứa cấp 3, hai đứa cấp 2, học hành đều khá nên giá nào vợ chồng tui cũng phải lo cho chúng”.

Thu nhập từ công việc cắt cỏ mỗi ngày hơn 400.000 đồng, ngoài khoản chi tiêu dè xẻn, vợ chồng anh Lý Mìn - chị Thạch Thị Phương gửi một phần về quê Vĩnh Long nuôi người mẹ già và đứa con nhỏ, còn lại chắt chiu dành dụm. Họ luôn mơ về một căn nhà nho nhỏ với những đứa con được ăn học đàng hoàng.

“Ở quê nghèo lắm, vợ chồng tui ít học, không biết chữ nghĩa gì nên phải lênh đênh khắp nơi làm thuê kiếm tiền. Hy vọng đời tụi nhỏ sẽ khá hơn, vì vậy ngày nào còn cỏ thì cực mấy vợ chồng tui cũng đi làm” - chị Phương tâm sự. 

Không kịp nghỉ ngơi

Anh Nguyễn Thành Quang, một trong những chủ thu mua cỏ lớn nhất xã Nhị Bình, cho biết mỗi ngày, những người cắt cỏ thuê bán cho gia đình anh hơn 1.000 bó. Mỗi bó cỏ anh thu vào 850 đồng, bán ra 1.350 đồng, mối lái đưa đi phân phối đến tay người chăn nuôi thì giá đã lên khoảng 1.850 đồng.

img
Điểm thu mua cỏ của anh Nguyễn Thành Quang

“Công việc cắt cỏ cực nhọc lắm, nhất là khi các công trình hoành tráng mọc lên ngày càng nhiều. Sông rạch bị thu hẹp dần, các ghe cỏ phải đi xa hơn, sâu hơn mới có chỗ cắt. Nhiều chuyến ghe đi nửa đêm nhưng mãi đến 14-15 giờ mới về đến nhà. Chưa kịp nghỉ ngơi, tối đó, họ phải dong ghe đi cắt cỏ theo con nước rồi” - anh Quang nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo