xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngư dân kiên trì bám biển

Hồng Ánh – Xuân Long

Dù bị trấn áp, uy hiếp nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên quyết bám biển để đánh bắt thủy sản và qua đó khẳng định chủ quyền về lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc

Sáng 2-6, UBND tỉnh Phú Yên có công văn hỏa tốc gửi đến Bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp việc tàu đánh cá Phú Yên bị tàu Trung Quốc uy hiếp trên vùng biển của Việt Nam.
UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp với Trung Quốc và các nước trong khu vực có liên quan nhằm bảo đảm  quyền lợi chính đáng cho người và phương tiện yên tâm hành nghề trên biển, đồng thời bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Tàu Trung Quốc dày đặc

Trưa 1-6, tàu PY 90217 TS, một trong những tàu đánh cá bị tàu Trung Quốc nổ súng uy hiếp vào ngày 26-5, đã về đến Phú Yên.
Ông Lê Văn Quang, thuyền trưởng tàu PY 90217 TS, cho biết trước khi sự việc xảy ra, chiều 25-5, tàu của ông cũng bị 12 tàu cá Trung Quốc ép sát, không cho thả câu tại vùng biển đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ông Nguyễn Văn Cường, thuyền trưởng tàu PY 90558 TS, cho biết thêm từ ngày 20 đến 23-5, khi tàu của ông đang khai thác ở tọa độ 80 26’ N, 1110 30’ E thì bị hơn 30 tàu cá Trung Quốc ngăn cản. “Họ cứ chặn trước mũi tàu mình, không cho tàu mình chạy tới. Cứ thế buộc mình phải quay lại” - ông Cường tức tối. Chuyến đi biển 25 ngày qua của tàu ông bị lỗ vốn nặng.
img
Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi sẵn sàng ra khơi đánh bắt. Ảnh: Xuân Long
Ông Đỗ Văn Chung, thuyền trưởng tàu PY 90297 TS, kể: Chỉ cần ra khơi khoảng 100 hải lý là gặp tàu Trung Quốc hành nghề chong mực ngay trên vùng biển của Việt Nam dày đặc.
“Tàu của họ to, họ dàn hàng ngang không cho tàu mình băng qua. Họ dùng hệ thống đèn chiếu đến hơn 10 hải lý, cá mực dù ở xa hàng chục cây số cũng bị hút đến” - ông Chung cho biết.
Ngư dân Phú Yên hành nghề câu cá ngừ đại dương ban đêm phải câu mực làm mồi nhử cá. Vùng biển nào có tàu Trung Quốc chong mực thì ngư dân không thể kiếm được mồi câu.

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, nhận định: Việc tàu vũ trang của Trung Quốc uy hiếp tàu cá của Phú Yên đã từng diễn ra nhiều lần trước đây nhưng lần này rất nguy hiểm vì ngư dân phát hiện việc trang bị vũ khí trên tàu quân sự của Trung Quốc rất nhiều và họ đã nổ súng.

Trấn lột tài sản

Trong lúc đánh cá trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu QNg 66369 TS do ông Huỳnh Công Kính, 32 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn  - Quảng Ngãi làm chủ, bị tàu Trung Quốc khống chế, tịch thu toàn bộ tài sản vào ngày 6-5.
Cũng trong tháng 5 - 2011, tàu  QNg 66101 TS có 11 ngư dân do thuyền trưởng Lê Vinh, quê ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn làm thuyền trưởng cũng bị tàu Trung Quốc tịch thu thiết bị, thủy sản.
Ngư dân Võ Đào, thuyền trưởng tàu QNg 90019 TS, cho biết ông đã 3 lần bị tàu Trung Quốc cướp hết tài sản. Chuyến đi gần đây nhất là đầu tháng 5-2011. Ra khơi được 8 ngày mà đã đánh bắt đến 4-5 tấn cá và các loại hải sản quý.
Đang phấn khởi thì bất ngờ trưa  9-5, tàu kiểm ngư Trung Quốc mang biển hiệu 309 áp sát mạn. Hai nhân viên kiểm ngư Trung Quốc nhảy lên tàu, bắt ngư dân Quảng Ngãi trùm mặt, nằm úp xuống sàn tàu.
Sau 2 giờ, tàu kiểm ngư Trung Quốc lấy hết cá chứa dưới hầm tàu, thu các loại tài sản khác, tổng giá trị khoảng 250 triệu đồng. Chỉ trong tháng 5-2011, Quảng Ngãi có 5 tàu đánh cá bị tàu Trung Quốc cướp tài sản.
Ông Lê Hải, thôn Đông, xã An Hải, thuyền trưởng tàu QNg 96247 TS, cho biết tàu của ông đã từng cứu ngư dân Trung Quốc bị nạn trên biển do bão và làm thủ tục chuyển giao cho phía Trung Quốc ngay sau đó.
Còn ông Lê Tý, ngư dân Lý Sơn (76 tuổi), kể: Khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trong một cơn bão - Lê Khởi con trai ông - đã cứu ngư dân Trung Quốc khi tàu đánh cá này bị chìm và trôi trên biển.
“Vậy mà oái oăm, chưa đầy một năm sau, thằng Khởi đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị Trung Quốc  bắt đưa về đảo Hải Nam giam cả tàu lẫn người đến 3 tháng” - ông Lê Tý bức xúc.

Biển của ta, ta khai thác

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, ngụ huyện đảo Lý Sơn, được mệnh danh là “sói biển”. Tàu của ông từng bị Trung Quốc bắt 4  lần, nộp phạt, thu toàn bộ phương tiện hành nghề. Lần cuối cùng ông được phía Trung Quốc thả là ngày 26-10-2010. Về đến cảng Dung Quất, ông vội gọi thợ máy sửa chữa ngay con tàu để sớm trở lại biển khơi.
Mỗi khi đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, lòng ông phấn chấn chẳng khác nào như xa quê lâu ngày trở về. Ước mơ bám biển của “sói biển” Mai Phụng Lưu chưa bao giờ phai nhạt vì bất cứ sự đe dọa nào.

Cũng như thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, ngày 30-5, tàu của ông Võ Đào, Trần Văn Thoa, Nguyễn Thanh Biên, Võ Thành, Võ Lựu, Nguyễn Thanh Tuấn... ở Bình Châu, Bình Sơn cũng đã sắm các loại vật tư, nhu yếu phẩm và xuất bến ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Về phương án bảo vệ ngư dân, đại tá Nguyễn Trọng Huyền cho rằng cần phải đấu tranh để Trung Quốc và các nước khác không được có những hành động sai trái, đi ngược với luật pháp quốc tế.
Theo đại tá Huyền, cần sớm thành lập lực lượng kiểm ngư chính thống và trang bị thiết bị tương đương với lực lượng hải giám Trung Quốc mới bảo vệ được ngư dân Việt Nam.
Lực lượng kiểm ngư có thể cơ động mọi lúc mọi nơi trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, vừa bảo vệ được nguồn lợi trên biển của ta vừa bảo vệ được ngư dân hoạt động khai thác hải sản.

Đại tá Bùi Phụ Phú, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành xác minh, lập báo cáo đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị với các cơ quan Trung ương can thiệp, phản đối việc làm sai trái này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Bàn giao tàu tuần tra cho Bộ đội Biên phòng TPHCM

Ngày 2-6, UBND TPHCM đã tổ chức bàn giao tàu tuần tra, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển ST112 - số hiệu BP 14-1201 cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Tàu có chiều dài 18,72 m, rộng 4,06 m và cao 2,4 m. Kết cấu vỏ tàu được trang bị bằng hợp kim nhôm panel do Nga chế tạo. Động cơ tàu được lắp đặt máy chính là KTA 19-M do hãng Cummins của Mỹ sản xuất, có công suất 1.000 CV và trang bị thêm 2 máy phát điện dự phòng. Tàu hoạt động tốt với vận tốc 25 hải lý/giờ, chịu được sóng tối đa cấp 6 kèm theo 9 thuyền viên. Tổng vốn đầu tư đóng 2 tàu là 30 tỉ đồng.

Dự kiến vào cuối năm nay, đơn vị thi công sẽ tiếp tục bàn giao chiếc tàu thứ hai cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM.

P.Hồ

Phản đối mạnh mẽ, sẵn sàng tự vệ

Đề nghị thành lập Cục Kiểm ngư để bảo vệ ngư dân

Trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc mà gần đây nhất là vào ngày 1-6 đã uy hiếp tàu đánh cá Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết hội sẽ tiếp tục có văn bản gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế của tàu Trung Quốc. Đồng thời, hội sẽ có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành chức năng. Trong lần gửi văn bản trước đây về cùng vấn đề, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội chưa hồi âm.

Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết tiếp tục chỉ đạo các chi hội cùng với bà con kiên quyết bám biển để thực hiện kế hoạch sản xuất đã đề ra, bảo đảm đời sống của ngư dân cũng chính là thể hiện sự dũng cảm, kiên cường của người dân trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Hội cũng kiến nghị các địa phương phải tăng cường sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương đối với trang thiết bị thông tin liên lạc để việc thông tin liên lạc giữa các tàu, giữa tàu với đất liền và lực lượng chức năng được chặt chẽ, thông suốt, hỗ trợ tốt cho việc ứng cứu khi có sự cố. Đặc biệt, hội đã có kiến nghị về việc cho thành lập các đội dân quân tự vệ trên biển là những ngư dân ở các đoàn, đội đánh bắt ngoài khơi. Lực lượng này cũng được trang bị công cụ hỗ trợ và không phải là vũ khí phổ biến. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và đúng theo Luật Dân quân tự vệ.

Để ngư dân yên tâm sản xuất, bám biển, hội cũng đề nghị tăng cường lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân và tài sản của họ. Hội đang tích cực đề nghị Chính phủ cho thành lập Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT để tăng cường công tác kiểm tra và tuần tra bảo vệ nguồn lợi trên biển. Đồng thời, lực lượng này cũng giúp bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên biển, cũng là bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Hiện Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN - PTNT) và các chi cục ở các tỉnh được Nhà nước bố trí 1-2 tàu/tỉnh giám sát, kiểm tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống những đối tượng tấn công ngư dân trên biển.

Thế Dũng ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo