xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhập nhèm tiền hỗ trợ hạn hán

CAO NGUYÊN - BẢO AN - HOÀNG THANH

Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa nhưng nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán đầu năm vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Việc kê khai sai đối tượng, thiếu minh bạch gây khiếu kiện kéo dài

Đợt hạn hán lịch sử vào đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng về mùa màng cho người dân các tỉnh Tây Nguyên. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ những trường hợp bị thiệt hại về cây trồng trên 70% là 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% là 2 triệu đồng/ha.

Mất tiền hỗ trợ vì vắng nhà

Gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng (ngụ xã Đắk N’Đrung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có 1,1 ha trồng cà phê, tiêu. Bốn hộ gia đình có rẫy nằm vây quanh rẫy của anh Hưởng đã nhận được tiền hỗ trợ, còn gia đình anh thì không. Trong khi đó, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Ông Ngàn Phân Nhì (ngụ tổ 1, thôn 6, xã Quảng Tín) có hơn 7 ha cà phê, bình quân mỗi năm thu khoảng 17 tấn quả. Năm nay, do hạn nặng, phần lớn cà phê bị chết cành, khô quả; ước tính sản lượng giảm 45%. Mới đây, khi UBND xã Quảng Tín giải ngân tiền hỗ trợ hạn hán, gia đình ông không có trong danh sách. Tìm hiểu, gia đình ông mới biết cán bộ thôn 6 đã âm thầm kiểm kê thiệt hại mà không thông báo rộng rãi cho người dân.

Khi ông Nhì và một số hộ dân thắc mắc, ông Trần Văn Sang, trưởng thôn 6, lý giải do đến nhà nhưng chủ nhà đi vắng nên không thông báo được. Trong tổ 1, ngoài gia đình ông Nhì còn có 17 hộ dân khác bị thiệt hại về cây trồng đều không nhận được thông báo.

Không chỉ bị “ém” thông tin, nhiều trường hợp khác còn bị gạt khỏi danh sách hỗ trợ. Ông Huỳnh Văn Quy (trú cùng thôn 6) có gần 3 ha cà phê thì hơn 100 cây chết, số còn lại bị rụng trái, chết cành; ước tính sản lượng giảm 60%. Gia đình ông đã kê khai mức độ thiệt hại mà vẫn không nhận được thông báo nhận tiền. Nguyên nhân do trong đợt kê khai lại, trưởng thôn 6 không gặp được ông Quy nên đã loại gia đình ông khỏi danh sách.

Cán bộ không thiệt hại cũng kê khai

Theo phản ánh của các hộ dân, trong danh sách 21 hộ tại thôn Đắk Tiên, xã Đắk N’Đrung nhận tiền hỗ trợ có những hộ thời điểm xảy ra hạn hán chưa canh tác; 3 hộ không có đất canh tác, không có hộ khẩu tại địa phương.

Ông Trương Công Hải - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đắk Tiên, xã Đắk N’Đrung - khẳng định việc lập danh sách thiệt hại không công khai, minh bạch, hoàn toàn do trưởng thôn tự quyết, tự làm. Còn ông Nông Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Đrung, thừa nhận xã đã phát hiện sai sót, trưởng thôn cũng đã nhận sai. Hiện nay, đã bước vào mùa mưa nên hiện trạng khô hạn không còn, rất khó kiểm kê được thiệt hại. Về việc này, xã chỉ biết đề nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết quyền lợi cho người dân.


Người dân xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai kéo lên trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ tiền hỗ trợ hạn hán Ảnh: HOÀNG THANH

Người dân xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai kéo lên trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ tiền hỗ trợ hạn hán Ảnh: HOÀNG THANH

Còn tại thôn Nam Thạnh, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, nhiều người dân đã làm đơn khiếu nại do không được hỗ trợ hạn hán. Trong khi đó, ông trưởng thôn, hàng xóm ông trưởng thôn và bố của ông phó công an xã không bị thiệt hại lại nằm trong danh sách hỗ trợ.

Theo ông Phạm Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Nam Đà, trước đó, xã đã chỉ đạo các thôn, buôn thông báo họp dân về việc thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, do cán bộ thôn Nam Thạnh nhận định hạn hán không gây thiệt hại cho người dân từ 30% trở lên nên đã không họp và đề xuất hỗ trợ. Ngay sau khi nhận được phản ánh, xã về nắm tình hình thì số hộ bị thiệt hại là có nhưng rất ít.

Đối với trường hợp ông Ngô Tấn Lợi, trưởng thôn Nam Thạnh và ông Ngô Trường Chỉnh (cạnh nhà ông Lợi) đều kê khai thiệt hại, ông Ánh lý giải do 2 ông này có diện tích thiệt hại ở xã khác nên làm kê khai luôn ở 2 xã để không được hỗ trợ bên kia thì được hỗ trợ bên này (?). Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Lộc, Phó trưởng Công an xã Nam Đà, khi thôn đưa danh sách lên thấy ít quá nên ghi thêm vào bố của ông thiệt hại 1 ha (?).

Ông Nguyễn Văn Phò, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song và ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, đều thừa nhận tình trạng người dân phản ánh việc thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do hạn hán thiếu công bằng. Hai địa phương này đang xem xét xử lý.

Công an vào cuộc điều tra

Việc hỗ trợ hạn hán tại tỉnh Gia Lai cũng xảy ra vấn đề. Từ đầu tháng 7 đến nay, người dân liên tục kéo lên trụ sở UBND các xã yêu cầu làm rõ tiền hỗ trợ bị thiệt hại do hạn hán.

Ông Bùi Quang Thu (ngụ xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết gia đình bị thiệt hại 500 trụ tiêu nhưng không được nhận hỗ trợ tiền hỗ trợ trong khi bà N.T.H (công tác ở Hội Người cao tuổi) và ông N.P.H (hiệu trưởng một trường tiểu học ở xã) được nhận tổng cộng 5 triệu đồng hỗ trợ dù không bị thiệt hại. Ngay cả ông Phạm Văn Xứng - Chủ tịch UBND xã Ia Drăng, huyện Chư Prông - cũng bị người dân địa phương “tố” ít bị ảnh hưởng nhưng vẫn được nhận hỗ trợ 14 triệu đồng.

“Chúng tôi bị thiệt hại nặng, không được hỗ trợ đồng nào. Lên xã hỏi nguyên nhân thì UBND xã đổ lỗi do trưởng thôn không kê khai, trong khi về thôn hỏi thì không ai chịu trách nhiệm” - ông Liên (một người dân xã Ia Vê, huyện Chư Prông) bức xúc nói.

Trước đó, khi lập danh sách người bị thiệt hại, ông Lê Hoàng Anh - trưởng thôn An Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông - chỉ lập danh sách những hộ gần nhà. Ông Anh thừa nhận không họp dân công khai việc hỗ trợ do “không có hướng dẫn, các thôn khác cũng lập danh sách như vậy”.

Quá bức xúc, người dân một số thôn tại xã Ia Vê, huyện Chư Prông không đồng ý cho bầu trưởng thôn mới để yêu cầu làm rõ khoản tiền hỗ trợ hạn hán. Ông Đặng Quốc Thu (ngụ thôn Phù Cát, xã Ia Vê) tỏ ra rất bức xúc khi cả thôn có 18 hộ được nhận tiền hỗ trợ đều là đồng hương, có quan hệ thân thiết với trưởng thôn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phi, trưởng thôn Tân Phú, cho biết trong đợt 1, 2, do không nhận được bất kỳ văn bản hướng dẫn nào về việc kê khai thiệt hại nên ông không biết cách triển khai cho người dân. Đến đợt 3 thì có văn bản vào chiều 15-8 nhưng yêu cầu phải nộp danh sách vào ngày hôm sau. Sau đó, ông Phi đã họp thôn yêu cầu các hộ kê khai thiệt hại, đến khi ông mang danh sách đi nộp tại UBND xã thì không được chấp nhận do đã hết hạn. “Cả thôn có 40 giếng bị cạn, hơn 250 ha cà phê bị thiệt hại, giảm năng suất do không có nước tưới nhưng cũng không được hỗ trợ” - ông Phi than thở.

Còn ông Siu Juơ, Chủ tịch UBND xã Ia Vê, cho rằng một số thôn không nhận được hỗ trợ là do trưởng thôn đã họp và thông báo nhưng người dân không tới dự, kê khai. Khi nghe được hỗ trợ thì mới kêu ca rằng thôn, xã không triển khai.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho rằng với những hộ bị thiệt hại nhưng nằm ngoài danh sách, UBND huyện sẽ xin chủ trương của tỉnh Gia Lai. Nếu không có kinh phí, đối với những hộ bị mất trắng, UBND huyện sẽ xuất kinh phí để hỗ trợ. Những hộ bị thiệt hại từ 30%-70% thì sẽ không được hỗ trợ. Các xã triển khai không đúng, không đủ thì cũng sẽ bị kiểm điểm.

Hiện UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều công văn yêu cầu các ngành chức năng của địa phương xác minh làm rõ tình trạng nhập nhèm trong hỗ trợ hạn hán ở một số nơi, đề xuất hình thức xử lý (nếu có). Ông Trần Văn Lam, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê, khẳng định Công an tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, xác định tiêu cực trong việc chi trả, hỗ trợ.

Lâm Đồng: Chi sai nguồn vốn thoát nghèo

Nhiều nơi thuộc diện khó khăn ở tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra tình trạng chi sai hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo và cận nghèo của Chương trình 30A và Chương trình 135 thoát nghèo bền vững.

Ông Tạ Đủ (47 tuổi, ngụ thôn 2 xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) là người cung cấp những bằng chứng lãnh đạo UBND xã Đoàn Kết là ông K’ Xuân Riêng và ông Đặng Thành Hiệp, trưởng thôn 2, chi không đúng đối tượng đối với 23 hộ dân, gây thất thoát hàng trăm triệu đồng. Theo ông Đủ, từ đó đến nay, ông liên tục bị chính quyền xã làm khó dễ, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.

Bà Trương Thị Thảo Ly (47 tuổi, ngụ thôn 2, xã Đoàn Kết) là một trong những người phản ứng về việc này cũng bị chính quyền xã hù dọa và đòi đánh ngay tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chánh Thanh tra huyện Đạ Huoai, cho biết kết quả thanh tra ngày 15-7 từ huyện Đạ Huoai cho thấy có 101 hộ gia đình, cá nhân đã được đầu tư hỗ trợ sản xuất có sai sót với số tiền hơn 550 triệu đồng. Thanh tra huyện đã ban hành kết luận, kiến nghị UBND huyện Đạ Huoai giao Phòng Nội vụ huyện xử lý trách nhiệm đối với ông K’ Xuân Riêng, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết và các cá nhân có liên quan, đồng thời thu hồi số tiền đã hỗ trợ, đầu tư sản xuất sai sót.

Không chỉ riêng xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai mà xã Đạ Pal, huyện Đạ Terh cũng xảy ra sai phạm tương tự làm thất thoát hàng trăm triệu đồng. Tương tự, trong năm 2015, việc cấp phát nguồn vốn tại thôn Bình Hòa, xã Đạ Pal cũng sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến sai phạm với số tiền hơn 158 triệu đồng. Hiện UBND huyện đã xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Đặng Song Nguyên, Chủ tịch HĐND xã Đạ Pal, Bí thư Chi bộ thôn Bình Hòa.

Đ.Thi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo