xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn cửu vạn núi Cấm

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Đời cửu vạn ở “nóc nhà miền Tây” thật gian nan. Họ gồng hết sức lực mang những gánh hàng nặng oằn từ dưới chân núi lên đỉnh và ngược lại để đổi lấy những đồng tiền công còm cõi đắp đổi qua ngày

Đội quân cửu vạn ở núi Cấm, ngọn núi cao nhất vùng Bảy Núi – An Giang, hầu hết đều tuổi cao, sức yếu. Vậy mà hằng ngày, họ vẫn ngược xuôi gánh hàng thuê lên xuống núi kiếm tiền chạy gạo. Mỗi người đều có thâm niên hàng chục năm trong nghề gánh mướn ở “nóc nhà miền Tây” này. Giờ đến tuổi già yếu, họ vẫn chưa dám nghỉ ngơi vì cái khó, cái nghèo mãi còn đeo đẳng.

Lầm lũi mưu sinh

Núi Cấm ngày nay đã trở thành một điểm du lịch hành hương nổi tiếng. Đường lên đỉnh núi đã được mở mang, xây dựng rộng rãi. Hằng ngày, lẫn trong hàng ngàn lượt người lên xuống núi cúng viếng tấp nập, những cửu vạn vẫn lầm lũi mưu sinh.

Theo dòng người lội ngược từng bậc thang đi bộ lên đỉnh núi Cấm, chốc chốc chúng tôi phải nép sang một bên để nhường đường cho những người gánh hàng thuê. Tôi để ý một người đàn ông gầy nhom, nước da đen nhẻm đang gò lưng gánh đôi giỏ hàng nặng trĩu “chạy” từ trên xuống.
Mặt cúi gằm, đôi chân mang đôi dép mòn đế, ông cứ liên tục đạp xuống đất trì lại để giảm đà lao dốc. Hơi thở ông dồn dập, hổn hển, mồ hôi nhễ nhại ướt sũng từ trên mặt đến tấm lưng gầy. Đến khi hết sức, ông đặt vội gánh hàng xuống rồi ngồi bệt bên vệ đường nghỉ mệt.
Nghe tôi hỏi, ông cho biết tên là Chau On, 43 tuổi, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang, đã 23 năm làm cửu vạn ở núi Cấm. Ông On chỉ tay về phía dưới triền dốc giới thiệu 2 “đồng nghiệp” của mình.
Dưới con dốc dựng đứng, 2 người đàn ông già nua, gầy guộc đang gò lưng gánh những giỏ hàng to tướng, dò dẫm từng bước leo lên các bậc thang.
Từ dưới con dốc lên đến nơi chúng tôi đang ngồi chỉ khoảng 20 m nhưng 2 cửu vạn này phải gánh hơn 15 phút mới tới. Gương mặt hốc hác, mồ hôi ướt cả chiếc áo bạc màu, 2 ông cũng đặt gánh hàng xuống vệ đường ngồi nghỉ.
Một trong hai người là ông Chau Sết, 61 tuổi, ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, đã làm nghề gánh mướn 36 năm, được xem là “lão tướng” cửu vạn núi Cấm. Người kia là ông Chau Tek, 58 tuổi, nhà ở xã An Hảo, cũng đã hơn 30 năm gánh thuê ở ngọn núi cao nhất miền Tây.

img

Những cửu vạn gánh hàng thuê lên đỉnh núi Cấm
Ông Tek cho biết những cửu vạn ở núi Cấm đều là dân lao động nghèo, không có ruộng đất lại không nghề nghiệp nên bám núi gánh hàng thuê, đổi mồ hôi lấy chén cơm.
“Vì không có việc làm nên tụi tui phải làm nghề này chứ nhọc nhằn lắm mà thu nhập rất thấp, lại bấp bênh. 30 năm nay, tiền công gánh hàng ở đây không hề thay đổi: Lên núi 200 đồng, xuống núi 100 đồng/kg” - ông Sết than thở.
Để gánh 50 kg hàng hóa lên núi qua đoạn đường dốc dựng đứng dài khoảng 5 km, cửu vạn phải mất hơn 3 giờ nhưng chỉ được 10.000 đồng tiền công. Ngược lại, nếu gánh hàng từ trên núi xuống, cũng với khối lượng đó, tuy thời gian ngắn hơn gần phân nửa nhưng tiền công đã giảm còn 5.000 đồng/chuyến.
Chưa kể, đường sá ở núi Cấm giờ xe cộ đã có thể chạy được nên ngày càng ít người thuê mướn gánh hàng, cửu vạn chỉ vớt vát ở những nơi mà xe không tới được.
Bởi vậy, có ngày, mỗi người chỉ gánh được một chuyến hàng duy nhất, tiền công mua không nổi 1 kg gạo. “Dân gánh hàng thuê ở đây đều đem sức khỏe ra đánh đổi để chạy gạo hằng ngày” – ông Tek tâm sự.

Mất mạng như chơi

Vì lượng hàng hóa thuê mướn mang vác ít, tiền kiếm được từ mỗi chuyến gánh thuê cũng quá ít ỏi nên cửu vạn không có cơ hội lựa chọn hay từ chối bất kỳ loại hàng hóa nào. Ai mướn bất cứ thứ gì cũng gánh, cả sắt, đá, gạch, ngói, cát xây dựng, bình gas...
Hôm chúng tôi lên núi, ông Chau Tek nhận gánh một bình gas loại lớn lên tận suối Thanh Long. “Một chủ tiệm ăn uống gần suối Thanh Long thuê đấy. Gánh loại này phải cột dây thật kỹ mới an toàn. Đường núi dốc dựng, khó đi mà bình gas thì dễ nổ tung nếu không may sẩy chân té ngã hoặc đứt dây. Gánh bình gas nguy hiểm lắm nhưng mình vẫn phải nhận vì nếu từ chối thì sẽ không ai kêu gánh nữa” - Chau Tek bộc bạch.
Nói đoạn, ông Tek khom lưng, gò vai nhấc gánh hàng quá khổ khỏi mặt đất. Ông cho biết gánh hàng này không dưới 50 kg.
Chiếc đòn gánh tre nhẵn bóng và vàng sậm vì nhuốm màu thời gian và cả mồ hôi của ông cong oằn xuống. Đầu bên này là một chiếc bình gas loại lớn vừa được nạp đầy, còn đầu bên kia một giỏ tạp hóa to tướng, cồng kềnh.
Mỗi khi đến con dốc cao, bậc thang thẳng đứng, ông phải bước chậm lại, hai bàn chân cố bám chặt xuống đường và cẩn thận dò dẫm từng bước một. Do tuổi đã cao, sức đã yếu lại gánh nặng nên cứ khoảng 15-20 m đường dốc, ông phải nghỉ mệt một lần.
“Không dám nghỉ lâu đâu vì chủ hàng đang trông. Thông thường, một chuyến gánh hàng lên núi khoảng 3 giờ, nếu mất nhiều thời gian hơn thì sau này họ không thuê mình nữa” – ông Tek tiết lộ.

img

Các cửu vạn cuốc bộ lên xuống núi Cấm để tìm hàng gánh thuê

Ông Chau Sết cho biết khoảng 10 năm trước đây, đội quân cửu vạn ở núi Cấm có đến cả trăm người nhưng giờ chỉ còn hơn chục người. Khi đó, mọi thứ vận chuyển lên xuống núi đều trông cậy vào sức người nên nghề gánh mướn cũng có thể kiếm cơm.
“Hồi trước, dân trên núi Cấm trồng rất nhiều loại cây trái. Cứ tới mùa thu hoạch là chúng tôi có việc làm suốt” - ông Sết nói. Ông Kam Kon, 58 tuổi, ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, người đã hàng chục năm gánh thuê trên núi Cấm, nhớ lại lúc xây chùa Vạn Linh trên đỉnh núi.
Ông Kon quả quyết ngôi chùa hoành tráng này xây dựng được là nhờ một phần công sức của đội quân cửu vạn ở đây.
“Khi đó, cả trăm người gánh thuê suốt ngày chuyển gạch, cát, đá từ chân lên tận đỉnh núi. Rồi hàng tấn sắt thép cũng do chính chúng tôi chuyển lên để xây chùa. Gánh sắt, đá cũng nguy hiểm lắm, trượt chân, mất thế là có thể bị gãy tay, chân, thậm chí mất mạng như chơi. Đám cửu vạn tụi tui “tha” suốt cả năm mới đủ vật liệu xây dựng hoàn tất chùa Vạn Linh” - ông Kon nhớ lại.

Chưa dám “về hưu”

Ông Chau Sết tâm sự: “Hàng chục năm gánh mướn, giờ đã quá 60 tuổi nhưng tui vẫn chưa dám “về hưu”. Hàng chục năm dài với cái nghề đầy gian khổ này nhưng tui không tích cóp nổi đồng bạc nào để an hưởng tuổi già. Tiền gánh hàng được ngày nào chạy gạo ăn xong ngày đó, có khi còn không đủ, nói chi để dành. Tới lúc 2 cái giỏ xách để gánh hàng bị mòn, mục rách, tui còn phải chạy vạy, hỏi tiền mua cặp mới. Tuy giá chỉ khoảng 120.000 đồng/cặp nhưng số tiền đó đối với dân gánh thuê tụi tui là quá lớn”.

Ông Chau Tek cũng cho biết sau bao nhiêu năm nhọc nhằn với nghề cửu vạn, ông chẳng được gì ngoài tấm thân còm cõi và sức khỏe suy tàn. “Nhưng mà còn sức thì tui vẫn phải đi gánh mướn, cho đến khi nằm xuống chứ giờ nghỉ thì lấy gì để ăn, để sống?” – ông Tek trăn trở.

Ngược xuôi tìm hàng

Ngày ngày, cứ 5 giờ sáng, các cửu vạn bắt đầu quảy đôi giỏ vào chân núi Cấm chờ người thuê mướn gánh hàng. Ông Kam Kon cho biết mỗi cửu vạn ở đây đều có mối quen gánh nước đá mỗi sáng sớm từ chân núi lên cho các quán ăn, tiệm giải khát gần suối Thanh Long. “Gánh nước đá vừa nặng vừa lạnh, lại mệt nhưng không dám nghỉ lâu vì nếu nước đá tan chảy nhiều, người bán không có lãi thì mình cũng bị phiền hà và mất mối” - ông Kam Kon giải thích.

Sau khi gánh xong chuyến hàng nước đá, các cửu vạn bắt đầu quảy giỏ rảo lên xuống, ngược xuôi để tìm hàng gánh thuê. “Có khi lội lên, lội xuống 5-7 bận mà cũng chẳng ai kêu gánh thứ gì.
Không ai kêu cũng phải đi, chứ lỡ lúc họ cần mà không gặp mình, họ lại kêu người khác thì mất việc.
Thời buổi này mà tụi tui còn lạc hậu quá, giá như có chiếc điện thoại cầm tay thì không đến nỗi mất công như vậy. Nhưng đó là chuyện không thể có vì ngay cả cơm áo còn lo không xuể, lấy đâu ra tiền mua điện thoại!” – ông Chau On thổ lộ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo