xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Như ngọn lửa thiêng

Trần Trung Sáng - Trần Hân

Toàn bộ anh em phong trào trong Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng đều biết hát đấu tranh và là hạt nhân tuyên truyền văn hóa - văn nghệ đấu tranh ở các trường trong những lần bãi khóa, xuống đường, làm công tác từ thiện xã hội

Bên cạnh những tên tuổi Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Phú Yên…, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ miền Trung đã góp mặt tích cực và kịp thời cho phong trào học sinh, sinh viên (HS-SV) toàn miền Nam trong những năm 1970-1975.

Hát đấu tranh

Đó là Nguyễn Nam, nguyên Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM. Trước khi theo học ĐH Văn khoa Vạn Hạnh (Sài Gòn), anh giữ vai trò Trưởng Đoàn Văn nghệ Tổng đoàn HS Đà Nẵng, gây xúc động với những lời ca: “Ơi người em gái tôi ơi/Trường học dạy em công dân sử ký/Trường học dạy em điạ lý, Anh văn/Nhưng không dạy em căm thù xâm lược/Khi miền Nam mình đang cần môn đó em ơi? Lá thư này ngày mai tôi sẽ gửi...” (trích lời ca khúc Thư gửi cho người em gái Sài Gòn).

Đó là Miên Đức Thắng ngay khi rời khỏi TP Huế quê nhà, bước vào Trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Sài Gòn, những sáng tác của anh đã nhanh chóng tạo nên sự chú ý và phổ biến rộng rãi khắp nơi trên đường phố và mọi trường học miền Nam.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái (bìa trái) đệm đàn trong lễ kỷ niệm 40 năm Tổng đoàn 
Học sinh Đà Nẵng (1971-2011) Ảnh: Văn Tiến
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái (bìa trái) đệm đàn trong lễ kỷ niệm 40 năm Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (1971-2011) Ảnh: Văn Tiến

 

Nhiều lời ca trong tập ca khúc Hát từ đồng hoang của Miên Đức Thắng được HS-SV truyền tay nhau, có khi ghi cả trên bờ tường và hát trong những đêm không ngủ, đòi hòa bình cho dân tộc, như: “Người lính khe khẽ hát/Mẹ ơi ơi mẹ ơi/Vì con không muốn giết/Bao anh em của mình/Vì con không muốn giết/Nên con làm tù binh” (trích lời ca khúc Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh) hoặc: “Ôi những viên đạn bằng đồng thật tươi thật đỏ hồng/Những viên đạn bằng đồng/Dân Việt chết đói khô/Không làm sao nhai được/Triệu viên đạn đỏ hồng/Cha con mình gặp nhau/Trong tầm bay viên đạn/Anh em mình gặp nhau/Trong tầm bay đạn đại bác/Anh em làng gặp nhau/Trong tầm súng cộng đồng...” (trích lời ca khúc Viên đạn).

Miên Đức Thắng cũng là nhạc sĩ duy nhất bị chế độ cũ kết án 5 năm tù khổ sai vì chính những sáng tác của mình.

La Hữu Vang (1935-2007) từ quê hương Bình Định vào Sài Gòn với những ca khúc nổi tiếng như: Không ai ngăn nổi lời ca, Hát cho quê hương, Tổ quốc ơi ta đã nghe... Nguyễn Duy Khoái với ca khúc Trong mưa bom, mặt trời sẽ đến (1971): “Mặt trời sẽ đến xua đêm dài/Hòa bình sẽ nở trên môi người/Trời rợp cánh chim câu rợn bay/Mặt trời sẽ đến, mặt trời sẽ đến/Rồi một ngày mặt trời hòa bình sẽ đến trên quê hương và trong trái tim ta”.

Theo luật sư Đỗ Pháp (Ban Liên lạc Tổng đoàn HS Đà Nẵng), vào năm 1971, khối văn nghệ do anh Phạm Văn Đồng (tên thật Nguyễn Nam) phụ trách, tập hợp một đội ngũ HS tuy không chuyên nhưng được các anh Phạm Văn Đồng cùng các nhạc sĩ phong trào như Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Huy Hùng kèm cặp nên ca hát bốc lửa. Khối văn nghệ đã tổ chức nhiều đêm văn nghệ đấu tranh, như: Hát cho đồng bào tôi nghe, Đồng bào ta cùng hát, Đốt lửa căm thù, Đốt lửa Phan Châu Trinh… Đặc biệt nhất là tổ chức thành công 2 đêm hát: “Từ trong lòng đồng bào - ta lớn dậy”...

Bấy giờ, toàn bộ anh em phong trào Tổng đoàn HS Đà Nẵng đều biết hát đấu tranh và là hạt nhân tuyên truyền văn hóa - văn nghệ đấu tranh ở các trường trong những lần bãi khóa, xuống đường, làm công tác từ thiện xã hội…

Một thời mãnh liệt

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái nhớ lại: Chương trình “Từ trong lòng đồng bào - ta lớn dậy” tổ chức vào cuối năm 1971 tại giảng đường chùa Pháp Lâm (trước năm 1975 còn gọi là chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng). Hoạt cảnh Việt Nam hóa chiến tranh với bài Ngủ đi con (thơ Luân Hoán - nhạc Phạm Thế Mỹ) với Lê Ngọc Lan, Lương Thanh Liêm trên nền tiếng hát u uất căm thù của Phạm Văn Đồng, Trần Thị Hiệp. Nhạc cảnh Người cha bến tàu (thơ Nguyễn Kim Ngân - nhạc Trần Long Ẩn) hát tốp ca với giọng ngâm và diễn minh họa của Nguyễn Duy Khoái. Nhớ giọng ca nữ đầy cảm xúc của Trần Thị Hiệp Hòa với tiếng hát trầm ấm của Phạm Văn Đồng trong song ca Trường ca Trang sử mới (ca khúc Phạm Thế Mỹ)... Nhớ những ngày tập dượt khổ mà vui ở chùa Pháp Lâm, trên sân thượng nhà Phan Ngọc và nhớ nhất là tình cảm thân thương giữa diễn viên và khán giả... Nhiều nước mắt đã rơi trong đêm diễn đáng nhớ này.

Anh Nguyễn Hoàng Thọ - nguyên Chủ tịch Ban Đại diện SV của Trường ĐH Sư phạm Huế, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Đại diện SV Huế (1971-1972) - kể: “Những năm hoạt động cơ sở trí vận ở Quảng Đà (Quảng Nam và Đà Nẵng sau này), tôi có dịp đưa Nguyễn Duy Khoái, nhạc sĩ Tổng đoàn HS Đà Nẵng về tập cho học sinh Trường Trung học Hiếu Đức (Hòa Vang) hát những ca khúc đấu tranh của phong trào HS-SV. Cùng làm việc với anh em Tổng đoàn HS Đà Nẵng mới thấy hết sức sống mãnh liệt, lòng quả cảm, tinh thần năng động, sáng tạo của lứa tuổi mười bảy, đôi mươi thời ấy”.

Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe tại miền Trung đã góp phần hiệu quả cùng các đô thị miền Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là sự biểu hiện rực rỡ cao độ của tinh thần yêu nước, chí khí bất khuất của con người Việt Nam. Như ngọn lửa thiêng của lòng yêu nước, của tuổi trẻ luôn sẵn sàng trong khí thế sức trẻ vùng lên góp phần đem lại thắng lợi mùa Xuân 1975. Những tác phẩm của phong trào đã có được vai trò xứng đáng trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam.

 

Chạm tay vào lửa không sợ bỏng

“Chúng tôi đến với Tổng đoàn HS Đà Nẵng bắt đầu từ tiếng nhạc, lời thơ và những nốt nhạc đầu tiên từ người thầy là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả của những ca khúc nổi tiếng với Bông hồng cài áo, Trường ca Trang sử mới, Lửa thiêng, Con đường trước mặt... Tổng đoàn đã kết nối và gắn bó chúng tôi. Có những đêm đầy sao trên ghế đá sông Hàn, chúng tôi ngồi mơ một ngày thống nhất, cùng nhau thăm lại quê hương trên con tàu thống nhất Bắc - Nam... Và tôi chẳng bao giờ quên ngày ra đời bài hát đầu tay của mình Trong mưa bom, mặt trời sẽ đến, viết năm 1971, trong một lần sinh hoạt với các mẹ, các chị tiểu thương. Bài hát còn non trẻ, giản đơn nhưng đã đưa tôi đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp sau này.

44 năm trôi qua, nhìn lại quãng đường đã đi có vui có buồn, có hạnh phúc có khổ đau, có lần ngã xuống rồi đứng lên, tôi vẫn hoài đinh ninh cái thời học sinh sôi nổi, chạm tay vào lửa không sợ bỏng ấy, với tôi thật tuyệt vời, đáng nhớ và đáng sống biết bao...” - nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái bồi hồi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo