xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhức nhối bạo lực gia đình

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cha mẹ hành hạ con cái dã man, con cái đánh giết cha mẹ, anh em choảng nhau..., hàng loạt vụ bạo lực trong gia đình rộ lên gần đây gây nhức nhối dư luận

Nhìn những vết thương chằng chịt trên người bé Nguyễn Thị Như Ý (9 tháng tuổi, ở Lai Vung - Đồng Tháp), không ai nén nổi phẫn nộ. Chính mẹ ruột Như Ý, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, đã cùng người tình của mình là Lê Thành Tám và ông bà ngoại hành hạ bé dã man.

 
Dạy con kiểu quái đản
 
Theo bà Nguyễn Thị Bảy, cô ruột của bà Lan và là người vừa nhận nuôi Như Ý, việc bé bị hành hạ xuất phát từ chuyện mê tín dị đoan. Vì quá tin tưởng ông Tám nên bà Lan và cả ông bà ngoại Như Ý đã nhẫn tâm hành hạ bé vì theo Tám, nếu để Như Ý sống thì sau này gia đình sẽ gặp tai họa lớn, do đó phải làm sao cho bé chết trước 12 tháng tuổi!
 
Công an huyện Lai Vung xác định 4 người tham gia hành hạ bé Như Ý và đến ngày 20-9 đã tạm giữ ông Tám, bà Lan để điều tra. Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết các vết lở loét trên người Như Ý có thể do bị gí lửa vào và nhận định việc bị bạo hành sẽ khiến tâm lý của bé bị ảnh hưởng nặng nề, có thể để lại di chứng.
 
Ngay tại TPHCM, từ năm 2007 đến nay, em Nguyễn Mộng Hồng, SN 1999, tạm trú ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, cũng thường xuyên bị cha đánh đập dã man và bất tỉnh nhiều lần.
 
Mỗi khi bị Hồng làm phật ý, cha em là ông Trương Thế Kỷ liền thẳng tay đấm đá. Hồng đã bị cha hành hạ đủ kiểu, như: bắt cởi áo quần rồi dùng dây điện quất xối xả đến rách da; bắt đặt bàn tay lên nền nhà rồi dùng chày giã ớt nện chảy máu... Vậy mà, ông Kỷ lại bảo đó là cách “dạy con” của mình!
 
 
img
Bé Như Ý đang được bà Nguyễn Thị Bảy chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Ảnh: QUỐC DŨNG


Trước đó, ngày 8-6, phát hiện con trai là H.C.K, 12 tuổi, lấy  cắp tiền của bà nội, ông Hồ Đinh Trung Quốc Vương (TP Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk) liền trói K., dùng gậy đánh và đốt tay em.
 
Được người dân báo tin, công an đã đến can thiệp và phát hiện K. bị nhiều vết thương, vết phỏng ở mặt, tay, ngực, chân... Trả lời cơ quan chức năng, ông Vương cho biết ông đánh là để dạy con sau này không ăn cắp nữa.
 
Không ít người “dạy” con đã gây ra án mạng đau lòng. Mới đây, sáng 14-9, sau khi đi mổ heo về, ông Lê Trị (SN 1962, ngụ xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh) vào phòng gọi con trai là Lê Quốc Ngữ (SN 1987) để lấy bật lửa hút thuốc. Đang ngủ say bị đánh thức, Ngữ to tiếng với ông Trị và cha con đã xô xát nhau. Ông Trị liền ra ngoài lấy chiếc xà beng vào “dạy” Ngữ một nhát sau gáy khiến Ngữ gục chết tại chỗ.
 
Không thể chấp nhận
 

Bạo lực gia đình có biểu hiện gia tăng hoặc phức tạp hơn một phần là do nhận thức của các bộ, ngành, địa phương còn chưa xem trọng giải quyết vấn đề này.

Bà Ngô Thị Minh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Chuyện cha mẹ hành hạ con cái còn có thể giải thích được là do dạy dỗ nhưng khi con cái bạo hành với cha mẹ, thậm chí dẫn đến chết người thì không thể chấp nhận và biện minh.
 
Người dân thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước – Bình Định đang xôn xao trước chuyện ông Lê Văn Khanh (38 tuổi) đánh đập cha ruột là cụ Lê Thơm (88 tuổi), thậm chí nhiều lần còn bắt cha quỳ xuống để tra vấn.
 
Ngày 18-9, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước đã bó bột chân phải cho cụ Thơm sau khi bị con trai hành hạ. Thậm chí, khi cụ Thơm vào bệnh viện cấp cứu, Khanh còn đe dọa các y - bác sĩ, không cho ai cứu chữa cha. Trước đó, cụ Thơm cũng có lần nhập viện vì bầm mặt, tụ máu mắt phải, gãy chân phải do bị con đánh.
 
Theo người dân địa phương, ông Khanh rất hay uống rượu. Cứ mỗi lần say rượu về, ông lại đánh đập vợ con và cha ruột. Khanh từng hai lần bị đưa đi cưỡng bức giáo dục vì tội bạo hành với cha mẹ.
 
Công an huyện Tuy Phước cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc nhưng sau nhiều lần được mời lên làm việc, ông Khanh vẫn chưa thừa nhận mình có hành vi bạo lực với cha.
 

Em hại anh, đem mai táng phi tang

Ngày 22-9, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của ông Trần Văn Sử (40 tuổi, ngụ xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch).

Theo thông tin ban đầu, ông Sử và em ruột là Trần Văn Lai vào làm rẫy thuê ở xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận gần nửa năm nay. Tối 20-9, trong khi nhậu, ông Sử và Lai xảy ra mâu thuẫn. Bất ngờ, Lai dùng dao đâm ông Sử. Ông Sử được đưa đến bệnh viện nhưng giữa đường đã tắt thở. Thi thể ông Sử được đưa vào nhà xác Bệnh viện Bình Thuận. Sau đó, ông Lai âm thầm mua quan tài, thuê người khâm liệm và chuyển thi thể anh trai về Quảng Bình mai táng để phi tang.

T.Huyền

Đau lòng hơn, mới đây, ngày 26-8, tại xã Kon Gang, huyện Đắk Đoa - Gia Lai đã xảy ra một vụ án mạng con giết cha. Nạn nhân là ông Hen (38 tuổi) bị con trai thứ hai của mình là Hiếu (16 tuổi) dùng gậy đánh đến chết.
 
Trước đó, ông Hen đi nhậu về lục tìm bao thuốc lá không thấy, nghi ngờ đứa con trai thứ ba là Hin giấu nên đuổi đánh. Hiếu thấy thế chặn ông Hen lại rồi dùng gậy đánh liên tiếp vào người khiến cha gục xuống.
 
Sau đó, Hiếu thản nhiên vứt gậy đi chơi. Chiều cùng ngày, ông Hen tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông chết do bị đánh dập lá lách, trên người còn có nhiều vết bầm tím. Người dân địa phương cho biết Hiếu đã từng đánh người bác ruột vì ông hay la mắng anh ta ham chơi và lười nhác.
 
Cũng vì giết cha, ngày 20-7 vừa qua, Lữ Văn Hoàn (24 tuổi, ngụ xã Tiền Phong, huyện Quế Phong – Nghệ An) đã  bị TAND tỉnh tuyên phạt 13 năm tù giam.

Dành nhiều thời gian bên nhau

Theo GS tâm lý Vũ Gia Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Âu Việt – TPHCM, tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng với những vụ việc nghiêm trọng như con giết cha mẹ, cha mẹ hành hung con tàn bạo... xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
 
“Trước hết, cách giáo dục mang tính chất giáo điều còn xảy ra ở nhiều gia đình. Tư tưởng cha mẹ nói con phải nghe theo, làm theo đã đẩy đến trạng thái phẫn nộ khó kiềm chế. Đây có thể không phải là bản chất nhưng do thiếu chữ nhẫn đã đẩy người ta đến những hành động thiếu lý trí” - ông Hiền nhận xét.
 
GS Hiền cho rằng nhiều gia đình còn có quan niệm “yêu cho roi cho vọt” nhưng lại hiểu theo cách để con ngoan thì phải đánh đập chúng mà không nghĩ rằng lâu dần chúng sẽ nhiễm hành vi mang tính bạo lực của cha mẹ.
 
“Bên cạnh đó, chủ nghĩa thực dụng đang ảnh hưởng đến các gia đình. Con cái được nuông chiều từ nhỏ, quen được đòi hỏi và được đáp ứng. Đến một lúc nào đó, cha mẹ không đủ điều kiện đáp ứng đòi hỏi của con cái thì chúng sẽ nghĩ cha mẹ không còn yêu thương mình và dần dần dẫn tới hận thù” – GS Hiền phân tích.
 
Theo GS Hiền, nhiều người có suy nghĩ mặc kệ con cái, để con cái tự do làm những gì chúng thích, ít trách nhiệm với con... khiến cho mối quan hệ cha mẹS - con cái trở nên lỏng lẻo.
 
Con cái sống thiếu tình cảm với cha mẹ, chữ hiếu bị xem nhẹ và do đó người ta cũng dễ dàng quyết định những hành động sai trái với cha mẹ hơn. “Chúng ta phải chú trọng dạy dỗ con cái biết cách sống, đặc biệt là cách kiềm chế khi giải quyết vấn đề.
 
Mỗi người nên xem lại chính mình, đừng đổ lỗi cho nhau. Cần phải dành thời gian nhiều hơn để ở bên người thân của mình, hiểu và chia sẻ với nhau, nhất là khi xảy ra mâu thuẫn” – ông Hiền khuyên.

T.Vinh

Tuyên truyền, giáo dục còn “xa” dân

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng vụ bé Như Ý mới 9 tháng tuổi đã bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại đánh đập dã man bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn... 
 
“Nhưng vấn đề quan trọng trong vụ việc này là do họ đã không được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc nuôi dạy con cái. Chính vì vậy, họ xem mình có quyền hành hạ con cháu, muốn làm gì thì làm”- bà Hà nhận định.
 
Bà Hà nhìn nhận thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành, bạo lực trong gia đình đã được phát hiện nhưng thực chất, tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên.
 
Để tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn tiếp diễn nhức nhối, theo bà Hà, là do công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giáo dục về vấn đề này ở địa phương không hiệu quả, còn “xa” dân. “Việc tuyên truyền, tập huấn kiến thức cũng chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, huyện, rất ít khi cán bộ thôn, ấp được đi học.
 
Trong khi đó, để nâng cao nhận thức của người dân, vai trò của cán bộ cơ sở lại quan trọng nhất, từ đó dẫn đến kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ cơ sở còn hạn chế” - bà Hà nhận xét.
 
Theo bà Hà, một điều quan trọng nữa là chính sách bồi dưỡng cho cộng tác viên tuyên truyền giáo dục về gia đình, trẻ em lại quá hạn chế - chỉ 50.000 đồng/người/tháng.
 
“Để giảm tình trạng bạo lực gia đình, cần xem vấn đề này như là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - bà Hà nhấn mạnh. 

T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo