xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những bức ảnh biết nói

Bài và ảnh: TUẤN MINH

Cảm nhận thế giới xung quanh bằng đôi mắt mù lòa là điều vô cùng khó khăn với người khiếm thị nói chung, đặc biệt khi họ lại hành nghề chụp ảnh. Thế nhưng, nhiều bức ảnh của anh đã được chọn dự triển lãm, được đánh giá cao

Căn nhà nhỏ nằm phía sau đồi Núi Chúa, thôn Yên Ổn, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi gia đình “nhiếp ảnh gia” Ngô Văn Biểu (SN 1971) sinh sống, lúc nào cũng nhộn nhịp người ra vào. Khi chúng tôi tới, Biểu đang dò dẫm từng bước ngoài sân, tay lăm lăm chiếc máy ảnh mini. Anh đang tập trung ghi lại những bức ảnh về buổi lao động của một số phụ nữ tàn tật đan cói.

Tai họa bất ngờ

Có lẽ cũng như chúng tôi, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi nghe nói đến một người dù mù lòa nhưng vẫn có khả năng ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống. Biểu cho biết nghề nhiếp ảnh đến với anh hết sức tình cờ.

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, năm 1989, sau khi rời ghế trường phổ thông, anh khăn gói ra Hà Nội học nghề sửa chữa loa đài, ti vi và về quê mở tiệm làm ăn. Tiếng lành đồn xa, nghề sửa chữa điện tử đã phần nào mang lại cho gia đình Biểu một cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Khi công việc đang dần ổn định thì tai họa bất ngờ ập tới, cướp đi đôi mắt sáng và biến anh thành người mù lòa.

 

Anh Ngô Văn Biểu giới thiệu 1 trong 16 bức ảnh của anh được chọn tham gia triển lãm Đối mặt ở Viện Goeth Hà Nội
Anh Ngô Văn Biểu giới thiệu 1 trong 16 bức ảnh của anh được chọn tham gia triển lãm Đối mặt ở Viện Goeth Hà Nội

 

“Tôi nhớ rất rõ hôm ấy, một buổi chiều tháng 10-2000. Khi đó, tôi đang cắt đôi chiếc bình gas mini để hàn cánh quạt bếp than thì bị mạt sắt bay cắm vào mắt. Tưởng chỉ bị vướng bụi đơn giản, tôi lên trạm y tế xã lấy thuốc về nhỏ mắt qua loa. Nhưng 1 tháng sau, mắt vẫn đau nhức, lúc này, tôi mới lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khám thì phát hiện mắt mình có rất nhiều dị vật cắm vào” - anh kể.

Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên Biểu cũng chỉ mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, mắt anh không khỏi mà ngày càng mờ đi. “Tôi bèn ra Viện Mắt trung ương ở Hà Nội để kiểm tra. Khi nghe các bác sĩ nói mắt đã hỏng rồi, không thể chữa được, tôi điếng cả người. Từ đó, mắt tôi mờ dần, đến năm 2004 thì hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa” - anh nhớ lại.

Đường đời rẽ lối

Từ ngày làm bạn với thế giới bóng tối, Biểu cho biết nhiều lúc anh thấy rất tuyệt vọng. “Chẳng lẽ cánh cửa cuộc đời đã chấm hết với mình như vậy sao?” - anh chán chường tự hỏi.

Thế nhưng, sự quan tâm động viên của vợ và tình thương của 2 con nhỏ đã tiếp thêm nghị lực, giúp Biểu trút bỏ những mặc cảm trong cuộc sống. Anh mạnh dạn tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi ở địa phương để tìm kiếm công ăn việc làm phụ giúp vợ con. Thế là cơ duyên đến với nghề chụp ảnh cũng bắt đầu từ đây.

Năm 2008, khi những người khuyết tật ở Thanh Hóa được Tổ chức Dịch vụ phát triển Đức (DED) tài trợ kinh phí mở lớp đào tạo nghề chụp ảnh, Biểu liền hăng hái tham gia. Nhiều người thấy Biểu tham gia lớp đào tạo đã xì xào to nhỏ rằng kẻ sáng mắt còn chụp ảnh chưa bằng ai, mù lòa như anh thì làm ăn được gì. Thế nhưng, được sự động viên, tận tình chỉ bảo từng li từng tí của các thầy giáo, anh cũng vượt qua được mặc cảm.

“Trong 5 tháng học và tập huấn, tôi đã chụp được trên 3.000 bức ảnh. Trong đó, 16 bức vinh dự được chọn tham gia triển lãm ảnh Đối mặt ở Viện Goeth Hà Nội, thuộc dự án “Những tấm hình biết nói”, tiêu biểu là các bức: bà lão ôm đầu, cậu bé mù lòa, đôi mắt, phơi lúa, phơi rơm...” - anh khoe.

Đến cuối năm 2010, Biểu tiếp tục dự lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhiếp ảnh cho người khuyết tật. Lớp có 20 người, tác phẩm được tham gia triển lãm Vượt dốc do DED tài trợ tổ chức tại Thanh Hóa. “Tôi cũng có 6 bức ảnh tham gia triển lãm này, được nhiều nhà nhiếp ảnh quan tâm, đánh giá cao” - Biểu cho biết.

Khi đã có kỹ năng về chụp ảnh, Biểu về quê hành nghề “phó nháy” cho người dân trong xã. Từ ảnh chân dung, hồ sơ đến ảnh cưới xin, hội họp…, anh đều nhận  chụp hết. “Ảnh của tôi chụp cũng có nhiều bức không đẹp, thậm chí không dùng được. Thế nhưng, bà con ở thôn quê nhiều người vẫn muốn tôi chụp bởi họ tìm cách giúp tôi có thêm thu nhập, đồng thời cũng tò mò muốn thử xem khả năng chụp ảnh của một kẻ mù lòa tới đâu” - anh khiêm tốn.

Muôn hình, muôn vẻ

Với chúng tôi, những bức ảnh mà anh Biểu chụp thực sự biết nói. Ảnh của anh muôn hình, muôn vẻ - trong đó nhiều bức mờ mờ, không rõ mặt người do không căn chỉnh được độ nét - nhưng tất cả đều hướng về người khuyết tật, trẻ mồ côi, về hoạt động thường ngày và cuộc sống của họ.

Biểu cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là một lần cầm máy ra chợ. “Hôm đó, ông Nguyễn Văn Phú ở thôn Phú Nhi, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc bảo tôi chụp cho ông một bức ảnh chân dung. Khi chụp, tôi cảm nhận tiếng nói của ông để canh hướng rồi bấm máy. Không ngờ, bức ảnh đó được đánh giá cao vì rất độc đáo” - anh hồ hởi.

Dù rất đam mê chụp ảnh nhưng việc không thể nhìn thấy gì là một trở ngại rất lớn đối với anh Biểu. Cảm nhận thế giới xung quanh bằng đôi mắt mù lòa là điều vô cùng khó khăn với người khiếm thị nói chung, nhất là với nghề chụp ảnh, chưa kể sự dị nghị của một số người.

Khi chụp ảnh, Biểu chỉ có thể cảm nhận bằng thính giác, nghe âm thanh để căn tọa độ và bấm máy. “Vì không thấy gì nên lúc đầu tôi chụp ảnh, nhiều bức thường hư hỏng, nhìn không được. Sau này, tôi mới nhận ra rằng mình khiếm thị nên khi chụp ảnh cần phải luôn chuyện trò với khách, từ đó sẽ định hướng được vị trí để bấm những bức ưng ý” - anh tiết lộ.

Để Biểu duy trì được niềm đam mê chụp ảnh, bên anh luôn có vợ con ủng hộ, yêu thương, chăm sóc, động viên. Biểu muốn đi chụp ảnh ở đâu, vợ anh, chị Mai Thị Đào, đều sẵn sang làm người dẫn đường. Thậm chí, có lần chị Đào còn đưa chồng vào tận miền Nam chỉ để anh thỏa mãn việc được chụp một bức ảnh yêu thích.

“Nghề nhiếp ảnh cho thu nhập không cao, trong khi chồng tôi lại mù lòa nên làm ăn rất khó khăn. Được cái là nhờ chụp ảnh mà những người khuyết tật ở trong xã, trong huyện có dịp gần nhau, có dịp chuyện trò, từ đó xóa bỏ khoảng cách” - chị Đào trải lòng. 

 

Hết lòng vì người khuyết tật

Không chỉ hành nghề chụp ảnh, anh Biểu còn đứng ra thành lập Hợp tác xã Dạy nghề và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật với các nghề truyền thống như đan chiếu cói, đan thảm, làm chiếu trúc, chổi đót... Hiện cơ sở của anh tạo công ăn việc làm cho 316 lao động - đa số là người khuyết tật, trẻ mồ côi hoặc người có hoàn cảnh khó khăn - với thu nhập bình quân 800.000 đến 1,2 triệu đồng/người.

 

Anh Biểu chụp ảnh những người khuyết tật làm việc
Anh Biểu chụp ảnh những người khuyết tật làm việc

 

Nói về dự định trong tương lai của mình, anh Biểu mong muốn thành lập một câu lạc bộ nhiếp ảnh cho người khuyết tật. “Việc mở câu lạc bộ nhiếp ảnh không những giúp người khuyết tật có thêm thu nhập mà còn là nơi để họ sẻ chia kinh nghiệm sống, kỷ niệm buồn vui hằng ngày để thấy cuộc đời này thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là không có nhà tài trợ để mở lớp dạy nghề chụp ảnh” - anh ưu tư.

 

Ảnh do anh Ngô Văn Biểu chụp dù có nhiều bức mờ mờ, không rõ mặt người do không căn chỉnh được độ nét nhưng tất cả đều hướng về người khuyết tật, trẻ mồ côi, về hoạt động thường ngày và cuộc sống của họ. 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo