Bất cứ ai dù kiên nhẫn đến đâu cũng phải xót xa cho những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân trở thành bọt nước sau khi đổ vào các dự án trên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không thể lặng im được nữa và đã đưa ra xem xét trong kỳ họp lần thứ 50 đang diễn ra.
Không phẫn nộ sao được khi chỉ một trong số nhà máy trên thôi đã ngốn sạch số tiền bằng tiền đóng thuế của cả triệu người ở một tỉnh trung bình của đất nước. Số tiền đó có thể xây cả ngàn trường học cho vùng cao; xây vài vạn căn nhà tình thương, nhà cho gia đình chính sách...
Những dự án sặc mùi tiền và đáng xấu hổ này đã được các nhà kinh tế độc lập và bao người dân cảnh báo từ lâu, khi còn trên giấy. Thế nhưng, bằng nhiều cách, nhiều đường, những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và những con người cụ thể ở những đơn vị này đã dễ dàng trình ký và triển khai. Không ai lạ gì khi lập một dự án kinh tế thì kèm theo đó là quyền lợi khổng lồ của nhiều cá nhân liên quan. Sự thành bại của dự án đã bị đặt sau bao nhiêu thứ khác, của bao người khác. Tiền thất thoát đã có ngân sách gánh, trách nhiệm thì của... tập thể, chẳng ai bị gì sau những thất bại thảm hại của các dự án trên.
Từ những dự án thất bát này đã lộ ra bao nhiêu vấn đề khó hiểu nhưng các cơ quan chức năng hiếm khi làm rõ. Những dự án kinh tế ngốn cả ngàn tỉ đồng từ ngân sách như thế chắc chắn phải qua hàng loạt cơ quan chức năng chuyên ngành thẩm định, trình qua bao nhiêu “cửa” và rất nhiều bộ, ngành liên quan. Thế nhưng, sao chẳng ai nhận ra những yếu kém, thiếu khả thi và bất hợp lý để đưa vào đầu tư xây dựng rồi đến nay phải ôm nợ?
Sự khó hiểu trên chỉ có thể giải thích theo hai hướng. Hoặc là người đề xuất, thẩm định và cho phép thực hiện không đủ năng lực để nhận ra sự kém cỏi của dự án hoặc thấy không khả thi nhưng vì nhiều lý do nên vẫn chấp nhận nó. Xét ở góc độ nào thì những người liên quan đều phải chịu trách nhiệm và không nên để tiếp tục đảm nhiệm công việc ấy.
Luật Cán bộ, Công chức và những bộ luật liên quan đều có quy định rất cụ thể đối với chức phận và trách nhiệm của cán bộ trong từng lĩnh vực mình đảm nhận. Ai sai, sai ở đâu, năng lực hạn chế gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào... đều có quy định xử lý cụ thể. Nhưng những gì đang xảy ra trên thực tế thì quả là đáng buồn khi rất nhiều vụ việc tương tự thế này đều không xử lý được ai. Có người bị xử lý đi nữa thì phần lớn chỉ là cảnh cáo, kiểm điểm... bởi trách nhiệm đã được đẩy cho tập thể.
Hàng chục ngàn tỉ đồng đang bị lãng phí và phơi mưa nắng hằng ngày, người dân có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng phải trả lời và xử lý các cá nhân, tập thể liên quan thỏa đáng.
Bình luận (0)