xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực cứu người sau bão

Văn Duẩn - Nguyễn Hưởng - Đức Ngọc - Kỳ Nam - Minh Tuấn

Đến 17 giờ ngày 17-7, lực lượng cứu hộ đã tìm được 7 thuyền viên của tàu VTP-26 bị chìm trong bão. Tỉnh Nghệ An đang huy động lực lượng tìm kiếm các thuyền viên còn lại

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, vào khoảng 1 giờ ngày 17-7, bão số 2 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, trọng tâm là Nghệ An, mạnh nhất là ở khu vực Cửa Lò (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Thường vào tháng 7, bão đổ bộ vào miền Bắc, việc bão số 2 đi vào Bắc Trung Bộ là tương đối trái quy luật.

Khẩn trương tìm nạn nhân

Tại Nghệ An, theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, gần 2.900 nhà, ki-ốt, quán tốc mái; gần 8.000 ha lúa và hoa màu hư hỏng, ngập úng; trên 10.000 cây xanh ngã đổ. Mất điện kéo dài trên diện rộng, 13/14 nhà máy nước bị ảnh hưởng nên gần 110.000 hộ dân không có nước sinh hoạt. Nhiều bản, làng các huyện miền núi bị lũ cô lập.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của ngành giao thông tỉnh Nghệ An vào xã Đồng Văn, huyện Quế Phong khắc phục sạt lở một số tuyến đường. Trên đường đi, xe chở ông Phạm Văn Chung, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Trung Tín và chuyên viên Thái Huy Hào của Ban Quản vốn sự nghiệp thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nghệ An bị nước cuốn. Thi thể được tìm thấy vào tối cùng ngày.

Tại thị xã Cửa Lò, tàu số hiệu VTP-26 chở 4.700 tấn than từ tỉnh Quảng Ninh vào đang neo đậu ở cảng Cửa Lò thì sóng đánh chìm làm 13 thuyền viên mất tích. Lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An và Cảnh sát Biển cùng tàu cá của ngư dân liên tục quần thảo để tìm nạn nhân. Thứ trưởng Bộ GTVT Trần Đình Thọ đã đến Nghệ An chỉ đạo công tác cứu nạn.

Anh Vũ Đình Thường (36 tuổi; ngụ TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chủ tàu Lam Hồng 99, kể khi tàu của anh di chuyển gần đảo Hòn Ngư phát hiện một người trôi dạt trên biển nên đã đưa lên tàu. Ít phút sau, tàu của anh tiếp tục phát hiện và cứu thêm một người nữa đang nổi trên biển. Cả hai đều là thuyền viên tàu VTP-26, gồm: Phạm Văn Hải (33 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) và Lý Văn Vang (24 tuổi, quê TP Hải Phòng). Hiện hai thuyền viên này đã hồi phục.

Đến 17 giờ, các lực lượng chức năng tìm được 6 thuyền viên tàu VTP-26, đều còn sống, gồm: thuyền trưởng Phạm Văn Hải (quê Ninh Bình), thủy thủ Ngô Cao Cường (quê Nghệ An) và thủy thủ Vũ Văn Đạt (quê Nam Định), thợ máy Đặng Duy Khiêm (quê Thái Bình), máy trưởng Nguyễn Văn Sáng (quê Thanh Hóa), thợ máy Lý Văn Giang (quê Hải Phòng). Ngoài ra, còn vớt được 3 thi thể nghi là thuyền viên tàu VTP -26. Theo các thuyền viên được cứu sống, khi tàu sắp bị sóng đánh chìm, các thuyền viên đã chủ động mặc áo phao trước khi rơi xuống biển, trôi dạt trên biển khoảng 7 giờ thì được cứu.

Có mặt tại thị xã Cửa Lò, trực tiếp chỉ huy việc tìm kiếm các thuyền viên mất tích, ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - cho biết tỉnh đang huy động tất cả các lực lượng nhằm tìm kiếm các thuyền viên mất tích còn lại trong thời gian sớm nhất.

Nỗ lực cứu người sau bão - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ tìm thấy 1 thi thể nghi là thuyền viên tàu VTP-26Ảnh: Đức Ngọc

Mưa tiếp tục rất to

Việc trục vớt tàu chìm tại khu vực cảng biển Hòn La (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cả ngày 17-7 vẫn tiến hành.

Theo thống kê ban đầu, 3 sà lan, 1 tàu dắt lai của lực lượng hải quân, 24 tàu cá của ngư dân địa phương và 19 tàu ngoài tỉnh đang neo đậu, tránh trú bão tại khu vực cảng Hòn La bị chìm và hư hỏng nặng. Ngoài ra, 8 sà lan đang mắc cạn. 9 thuyền viên và ngư dân bị thương đang điều trị tại bệnh viện.

Chiều cùng ngày, tàu cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV (Nha Trang MRCC) đã lai dắt tàu cá QNg 94698-TS do ông Bùi Công Cày (61 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân bị nạn trên biển về cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) an toàn. Tối trước đó, tàu này hỏng máy, trôi cách bờ biển Nha Trang khoảng 50 hải lý trong điều kiện thời tiết xấu.

Mưa lớn cũng gây lũ quét, chia cắt nhiều tuyến đường ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình). Tại tỉnh Sơn La, mưa lớn gây ngập Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Nông trường Mộc Châu, nhiều phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều ô tô mắc kẹt. Mưa lũ cũng làm 1 người ở tỉnh Hà Giang, 1 người ở tỉnh Lào Cai mất tích; 1 người ở tỉnh Vĩnh Phúc bị sét đánh chết.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, từ đêm 17 đến ngày 22-7, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến là 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Nguy cơ cao ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa. Nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất tại các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa.

Không để dân đói

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động đối phó, khắc phục hậu quả bão số 2. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn thuyền viên tàu vận tải biển VTB 26 chìm tại Nghệ An.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình thiệt hại về người và tài sản; tập trung cứu chữa người bị thương; hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để dân đói. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2. Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung mọi lực lượng, phương tiện của biên phòng, hải quân, tìm kiếm cứu nạn; huy động cả tàu, thuyền trong khu vực để trong thời gian ngắn nhất tìm bằng được những thuyền viên bị nạn trên tàu VTB-26.

Khoảng 3.500 người kẹt trên đảo Cô Tô

Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh Lê Hồng Thắng cho biết do sóng lớn nên các chuyến tàu tuyến Vân Đồn - Cô Tô vào ngày 17-7 vẫn chưa thể hoạt động. Cảng vụ đã cho một số tàu từ Vân Đồn ra đảo Cô Tô để đón du khách vào bờ nhưng phải quay về vì sóng to. Tuy nhiên, cuối ngày, các tàu du lịch ở vịnh Hạ Long và tàu đi tuyến đảo Quan Lạn đã hoạt động lại.

Hiện còn khoảng 3.500 du khách đang lưu trú tại đảo Cô Tô chưa thể về đất liền. UBND huyện Cô Tô đã yêu cầu các nhà nghỉ, nhà dân có du khách nghỉ tạo điều kiện tuyệt đối, không tăng giá, chèn ép du khách. Nếu phát hiện tình trạng nâng giá, chặt chém du khách sẽ bị xử lý nghiêm.B.T.C

Phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngập sâu trong nước sau cơn mưa sáng 17-7  Ảnh: Nguyễn Hưởng

Phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngập sâu trong nước sau cơn mưa sáng 17-7 Ảnh: Nguyễn Hưởng

Hà Nội ngập nặng

Sáng 17-7, Hà Nội có mưa lớn. Nhiều tuyến đường tại các quận nội thành như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy... ngập sâu. Giao thông trên nhiều tuyến đường hỗn loạn, các phương tiện di chuyển khó khăn. Nhiều cửa hàng không thể kinh doanh, buôn bán.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo