Mấy ngày qua, cùng với thủy triều, nước từ thượng nguồn đổ về khiến người dân ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hết sức phấn khởi.
Lo tích nước
Lão nông Lê Văn Lam (ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết do không có đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3 nên dân Tân Phước thường xuống giống lúa hè thu sớm hơn các địa phương khác. Khoảng 10 ngày trước, ông Lam sốt ruột khi mực nước trên tuyến kênh nội đồng dần cạn kiệt. Tuy nhiên, từ ngày 31-3, nước trên kênh đã liên tục tăng bình quân khoảng 10 cm/ngày. “Tất cả nông dân ở đây đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy nước dưới kênh tăng từng ngày. Nếu phải chờ hơn tháng nữa mới có mưa thì vô cùng khó khăn” - ông Lam hồ hởi.
Ông Nguyễn Văn Buông, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết theo kế hoạch, vụ hè thu này toàn huyện gieo sạ khoảng 12.000 ha. Hiện mực nước trên các tuyến kênh nội đồng đã tăng khoảng 30 cm so với những ngày trước. Nguồn nước khá dồi dào không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí bơm tưới mà còn mang phù sa bù đắp cho đồng ruộng, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi cá lồng bè hoặc trong ao hầm.
Theo ông Phạm Thành Tâm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, tỉnh An Giang, mực nước ở đầu nguồn sông Hậu có dấu hiệu tăng nhẹ. Nông dân ở bờ Tây sông Hậu thuộc các xã của huyện này vừa xuống giống vụ hè thu được gần 9.000 ha. Khoảng 20 ngày nữa, 8 xã còn lại thuộc bờ Đông sông Hậu cũng sẽ xuống giống với hơn 4.000 ha. Để giúp nông dân có đủ nước ngọt dùng cho sản xuất, huyện đang tích cực nạo vét kênh mương, mở các cống thủy lợi để đưa nước vào sâu trong nội đồng.
Nước trên sông Tiền, sông Hậu đã tăng trong những ngày gần đây
Đừng vội sạ lúa sớm!
Trong lúc đó, hàng trăm ngàn hộ dân ở bán đảo Cà Mau (bao gồm vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang) vẫn đang vật vã tìm cách “sống chung với hạn, mặn”. Nước ngọt vẫn chưa đến được vùng này và các tuyến kênh cũng gần trơ đáy. Các ghe chở nước từ nơi khác đến bán cho dân cũng phải tranh thủ lúc thủy triều lên mới vào được. Do đó, nhiều hộ dân phải mượn tạm nước của hàng xóm sử dụng rồi sau đó đón ghe mua trả lại.
“Người ta chủ yếu dùng ghe nhỏ chở nước đi bán vì sợ mắc cạn. Vì vậy, những hộ dân nhà nằm sâu trong vùng giáp ranh với Vườn Quốc gia U Minh Thượng như tụi tôi rất khó tới lượt để mua được nước. Giá nước đã hơn 40.000 đồng/m3 nên bà con ở đây khổ lắm!” - một nông dân than thở.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Cần Thơ, cho rằng lưu lượng nước trên các sông ở ĐBSCL tăng trong những ngày gần đây chủ yếu do triều cường cùng một ít nước từ thượng nguồn đổ về rồi sẽ giảm dần trong những ngày tới, đồng nghĩa hạ lưu vẫn tiếp tục chịu “khát” nước ngọt.
“Lượng nước tăng chút ít như thế thì không ý nghĩa gì trong việc đẩy lùi nước mặn, nhất là vùng ven biển. Do đó, người dân không nên sạ lúa sớm vì sẽ chịu thiệt hại không đáng có. Giải pháp trước mắt là nên sử dụng nước một cách tiết kiệm để các kênh, mương còn nhiều nước ngọt thì mặn sẽ khó xâm nhập sâu hơn” - ông Tuấn khuyến cáo.
Sẽ có đợt triều cường mới
Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, cho biết từ ngày 27-3 đến nay, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống mỗi ngày tăng 0,2-0,4 m trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu, có thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của Tứ giác Long Xuyên. Tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang cũng đã được hạn chế.
Triều cường mạnh làm cho nước sông Hậu đổ dồn về các tuyến kênh vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Trong khi đó, hạ lưu đóng đập để ngăn mặn từ biển Tây nên mực nước trên các tuyến kênh tăng 20-40 cm. Tuy nhiên, mực nước này sẽ giảm dần theo triều cường. Sắp tới, sẽ có đợt triều cường mới và chỉ giữ ổn định ở mức này đến hết ngày 6-4.
Bình luận (0)