xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Núp bóng dự án, đào khoáng sản trái phép

Bài và ảnh: ĐÌNH THI

Núp bóng dự án "Nông - Lâm kết hợp", một doanh nghiệp ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho nhiều nhóm người khai thác cát và cao lanh trái phép nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng hầu như bất lực trước nạn khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Đồi Cù (thuộc Tiểu khu 446, thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm). Các thế lực bảo kê đã biến nơi đây thành lãnh địa riêng, mặc sức kiếm tiền từ cao lanh và cát khai thác được.

Tan nát vùng cửa rừng

Trong vai những người săn ảnh, chúng tôi tiếp cận khu vực Đồi Cù với lời cảnh báo của người dân địa phương: "Cẩn thận với đám giang hồ dưới trướng Hùng "con". Không khéo chẳng có đường về".

Đây là khu vực nằm trong diện tích 300 ha đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Công ty TNHH An Việt thực hiện dự án "Nông - Lâm kết hợp". Không hiểu sao công ty này lại để nhiều doanh nghiệp khác khai thác cát và cao lanh trái phép làm tan nát cả một vùng rừng núi. Hiện trường khu vực này nham nhở với những đồi cát, hố sâu ngay tại cửa rừng. Tại thời điểm chúng tôi đến, khu vực này có 3 máy đào, 1 máy hút đãi cát và 5 xe ben liên tục vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ.

Núp bóng dự án, đào khoáng sản trái phép - Ảnh 1.

Hiện trường khai thác khoáng sản trái phép tại Tiểu khu 446 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng)

Địa bàn xã Lộc Tân có nhiều đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng đều đã hết hiệu lực hoạt động từ nhiều năm nay. Thế nhưng, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra rầm rộ dù các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm nhiều lần yêu cầu chấm dứt. Người dân địa phương cho biết tại Tiểu khu 446 có 3 điểm khai thác khoáng sản lớn của bà Vân, ông Vương và ông Kiên. Khi lực lượng chức năng vào cuộc thì các công trường này tạm ngưng vài hôm, xong lại tiếp tục. Nhiều lần người dân thôn 6, xã Lộc Tân tổ chức chặn xe vào bãi khai thác nhưng không có kết quả.

Ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Bảo Lâm, cho biết tình trạng bán đất, chiếm đất, khai thác khoáng sản tại Tiểu khu 446 thuộc Công ty TNHH An Việt thường xuyên xảy ra. Đã nhiều lần, Phòng TN-MT đề nghị thu hồi giấy phép đối với công ty này nhưng vẫn chưa làm được.

"Chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND xã Lộc Tân có trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản nhưng không có kết quả" - ông Đông nói. Phòng TN-MT đã 3 lần xử phạt hành chính với số tiền hơn 110 triệu đồng và tịch thu nhiều phương tiện của các đơn vị khai thác khoáng sản nhưng thực trạng vẫn không thay đổi.

Xử lý hời hợt

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, ngày 7-3-2014, Phòng TN-MT huyện Bảo Lâm có công văn gửi UBND xã Lộc Tân đề nghị UBND xã này thường xuyên kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Ngày 7-3-2017, Công ty TNHH An Việt có văn bản gửi UBND huyện Bảo Lâm về việc cho thu hồi cao lanh tồn ở bãi. Ngày 9-3, UBND huyện Bảo Lâm có công văn cho phép Công ty TNHH An Việt vận chuyển cao lanh tồn với khối lượng 3.400 m3. Đến ngày 8-6, UBND huyện Bảo Lâm có công văn yêu cầu Công ty TNHH An Việt dừng mọi hoạt động do đã hết thời hạn vận chuyển nhưng tình trạng này vẫn rầm rộ.

Theo ông Nguyễn Bá Đông, nếu xã không phối hợp thì các cơ quan chức năng của huyện không thể ngăn chặn việc khai thác khoáng sản ở đây. "Công ty TNHH An Việt nằm biệt lập trong lòng chảo sát rừng, đường sá đi lại khó khăn, qua nhiều địa bàn khác nhau. Khi chúng tôi nhận được tin có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, triển khai lực lượng ngăn chặn thì các đối tượng đã biết trước tẩu tán hoặc cho phương tiện lên vườn như đang làm việc cho dự án nông - lâm sản thì chúng tôi bó tay…" - ông Đông phân bua. Đặt vấn đề có ai "bảo kê" cho các điểm khai thác này thì ông Đông nói rằng mình không biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết huyện phân công cho Phó Chủ tịch UBND huyện là ông Nguyễn Trung Thành trực tiếp giải quyết vấn đề này. "Tôi khẳng định không có lãnh đạo nào của huyện "bảo kê" cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép này cả" - ông Kiên nêu rõ.

Còn ông Huỳnh Thiên Tính, Trưởng Phòng Khoáng sản thuộc Sở TN-MT Lâm Đồng, khẳng định sau khi nhận được báo cáo nhanh của Phòng TN-MT huyện Bảo Lâm về tình hình khai thác khoáng sản trái phép ở xã Lộc Tân, sở đang chờ báo cáo kết quả xử lý cuối cùng của UBND huyện rồi sẽ tổng hợp chung báo cáo lên UBND tỉnh. Hiện tại, toàn huyện Bảo Lâm chỉ có 7 đơn vị được phép khai thác khoáng sản, còn lại là đã hết hạn khai thác, trong đó có Công ty TNHH An Việt.

Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm

Ngày 10-3-2016, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 1125/UBND-ĐC chỉ đạo Sở TN-MT, UBND các huyện, TP về việc tiếp tục thực hiện phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông. Công văn nhấn mạnh nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy những biện pháp của tỉnh Lâm Đồng chưa đủ sức ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương này.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo