xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Om Phước Tích nấu gạo De

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Gạo De An Cựu được nấu bằng nồi Phước Tích tạo ra hạt cơm thơm, khô mà không sống nên được các vua Nguyễn ưa dùng

Về làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, dân làng vẫn ca rằng: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân” như niềm tự hào về một thời hưng thịnh của làng làm nghề gốm này.

Nồi nấu một lần rồi bỏ

Ông Lê Trọng Diễn, một người dân của làng cổ Phước Tích, cho hay câu ca trên để khẳng định đây là ngôi làng chuyên cung cấp nồi đất sét nung (dân địa phương thường gọi là om) để nấu cơm cho vua nhà Nguyễn. Tại nhà ông hiện vẫn còn rất nhiều đồ gốm do dân làng sản xuất từ xưa đến nay, trong đó có om ngự một thời cung tiến. Chiếc nồi hình bầu, làm bằng gốm, nấu chưa được một lon gạo.

Chiếc om ngự cung tiến của làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên - Huế)
Chiếc om ngự cung tiến của làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên - Huế)

Khi nghề còn thịnh, ở làng Phước Tích luôn có hơn 10 lò đỏ lửa suốt ngày đêm. Từ lúc Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long vào năm 1802 đến khi hết triều Nguyễn, làng Phước Tích vinh dự là nơi chuyên cung cấp nồi nấu cơm cho vua. Mỗi năm, làng cung tiến nồi niêu cho triều đình một lần. Mỗi lần cung tiến phải ít nhất 500 cái bởi nấu xong, nồi thường bị đập bể để vua ăn cơm cháy.

“Om Phước Tích không bao giờ thấm nước, nấu cơm không có mùi hôi bởi một lớp men có được nhờ cách đốt lò tạo ra phản quang nên các hoàng đế triều Nguyễn ưa dùng” - ông Diễn nói.

Việc nấu nướng cho vua hồi đấy khá cầu kỳ. Nấu cơm phải dùng nồi Phước Tích, còn gạo phải thật trắng, được tuyển chọn kỹ lưỡng từng hạt. Các đời vua triều Nguyễn chỉ chuộng gạo De của chính làng An Cựu để dùng.

Đi tìm hạt thóc cổ

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, đời Tự Đức, gạo De là loại gạo thơm, thân lúa cứng, bông lúa dày, hạt thóc hơi dài, gạo rất trắng, nấu cơm rất thơm mềm. Gạo trồng tháng 10, tháng 3 chín, ưa ruộng thấp. Các tỉnh đều có nhưng chỉ lúa sản xuất ở xã An Cựu, huyện Hương Thủy là hơn cả.

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh nhận xét rằng ông chưa thấy sử liệu nào chép các loại thức ăn của vua lại kỹ như đối với loại gạo De làng An Cựu. Đây là loại lúa có đặc tính thân thiện với môi trường nhờ dựa vào các yếu tố như thủy thế, địa thế, thổ nhưỡng và thời tiết. Vùng đất An Cựu có thổ nhưỡng tốt, cây lúa luôn hướng về mặt trời mọc nên cho hương thơm tự nhiên, vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng.

Về diện tích đất trồng lúa De làng An Cựu, sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” có chép: “An Cựu xã. Toàn diện tích 1.650 mẫu, 3 sào, 5 thước, 4 tấc, 2 phân”, kèm ghi chú: “Cuối sổ địa bạ có tờ đề ngày 11 tháng 12 năm Khải Định thứ 3 (1918) - tờ khai của Bộ Hộ trình bày 10 mẫu cấy lúa cung tiến hằng năm”.

Theo nghiên cứu của ông Hồ Vĩnh, khu vực trồng lúa tiến vua xưa kia hiện có thể nằm ở ấp Ngũ Đông, phường An Cựu, TP Huế. Trước đó, trong quá trình điền dã, ông đã tìm thấy một cột mốc hình chữ nhật ghi bằng chữ Hán: “Hương canh điền thập mẫu” (tức 10 mẫu ruộng hương canh).

Nhưng giờ đây, cánh đồng “thập mẫu” xưa kia của làng An Cựu dần biến mất, nhường lại cho các khu đô thị sầm uất. Và người làng chỉ còn biết gạo De qua câu ca “Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi/Gạo De An Cựu để nuôi mẹ già”.

Vào năm 2000, một công ty của Pháp đến Huế đặt vấn đề đưa gạo De An Cựu vào ngân hàng dữ liệu nguồn gien nhưng không tìm ra loại lúa này nữa. “Hiện nay, các nhà hàng, khách sạn ở Huế khi nấu cơm cung đình cũng không còn nấu gạo De của làng An Cựu như xưa kia bởi nó không còn tồn tại. Các loại gạo khác dù rất thơm ngon nhưng vẫn không thay thế được giá trị mà gạo De đã khẳng định” - ông Hồ Vĩnh nhận xét.

Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết vào năm 2008-2009, một giảng viên của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM đã xin được một ít giống lúa De của Việt Nam lưu giữ tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines về trồng thử nghiệm tại cánh đồng Nam Vinh, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Tuy nhiên, sau 2 năm trồng thử nghiệm, do năng suất chỉ đạt chưa tới 100 kg/sào nên hiện đã dừng triển khai.

Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, để tìm lại giống lúa De đích thực của làng An Cựu xưa kia thì có thể nghiên cứu khảo cổ học ở kho Kinh Thương, kho Thần Thương nằm ở 2 phường Thuận Thành và Thuận Lộc. Đây là khu kho lương thực quốc gia triều Nguyễn luôn có khoảng gần 70.000 tấn lúa. Trên nền móng các nhà kho Quảng Thạnh, Quảng Tích, Quảng Phong, Ngự Mễ Sở thời Nguyễn, biết đâu còn rơi vãi một số hạt thóc cổ.

“Riêng trên cánh đồng An Cựu hiện nay, nhà cửa đã xây dựng san sát, đường phố ngang dọc nhưng có thể tiến hành khảo sát tìm nơi thích hợp phục dựng cột mốc khắc chữ “Hương canh điền thập mẫu” để lưu dấu tích một thời bông lúa trĩu hạt, màu lúa ngả vàng với mùi hương phảng phất làm nên danh tiếng gạo De An Cựu” - ông Hồ Vĩnh nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-12

Kỳ tới: Tiệc cung đình ra chốn dân gian

4 vùng dâng gạo cho triều đình

Theo “Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ”, năm 1828, vua Minh Mạng có dụ rằng: “Chiểu tư cho các hạt chọn mua hạng thóc nếp thơm, thóc trắng, có thể gieo trồng được, phải phân biệt hạng nào hết hạn cày cấy sớm hay muộn, phải nêu ruộng sâu hoặc ruộng khô, để nộp lên tất cả”. Trong đó, nhà vua yêu cầu phủ Thừa Thiên dùng loại thóc thơm ở An Cựu, thóc nếp thơm ở An Thuận; Quảng Trị thóc Minh Xuân, thóc trắng mỗi hạng đều 2 hộc; Quảng Nam, thóc nếp thơm, thóc cánh mỗi thứ 2 hộc; ở Bắc Thành (gồm 11 trấn tính từ Ninh Bình trở lên phía Bắc), thóc cánh, thóc nếp mỗi thứ 3 hộc. Tất cả đều giao cho phủ Thừa Thiên cất vào kho để dùng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo