xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển kinh tế, giữ vững môi trường

NGUYỄN QUYẾT - TÔ HÀ - VĂN DUẨN

Thủ tướng khẳng định 2 vấn đề này phải gắn liền với nhau. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, phải nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ tham nhũng, tăng cường kiểm soát quyền lực cán bộ...

Sáng 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Kiểm soát chặt các khoản vay

Trong bài phát biểu trước phiên chất vấn, Thủ tướng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội tháng 10-2016 tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 12,5%; xuất khẩu tăng 72% - cả năm ước tăng khoảng 8%; vốn FDI thực hiện 7,6%; thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng thủy sản tăng 2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3%...


Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) mong Thủ tướng có giải pháp để đạt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế Ảnh: NGUYỄN NAM

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) mong Thủ tướng có giải pháp để đạt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế Ảnh: NGUYỄN NAM

Thủ tướng khẳng định thời gian tới sẽ kiểm soát chặt việc vay và sử dụng các khoản vay, tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng giảm rủi ro, giảm chi phí vay vốn, công khai thông tin về nợ công. Về môi trường, đây là vấn đề nổi cộm hiện nay, được Đảng và nhà nước rất quan tâm nhưng giải quyết chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Ô nhiễm, suy thoái diễn ra nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng khẳng định tinh thần chung là sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm. Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Đây là chủ trương xuyên suốt quá trình điều hành của Chính phủ. Từ đó, tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả, quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, các ngành, các cấp, nhất là chính quyền các địa phương và người đứng đầu; rà soát các quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải, chất thải, nhất là chất thải nguy hại; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; xây dựng các hệ thống quan trắc để ứng phó sự cố môi trường.

Thách thức rất lớn

Chất vấn Thủ tướng về “sức khỏe” của nền kinh tế, ĐB Lê Quân (Hà Nội) nhìn nhận trong các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc nợ xấu và các ngân hàng yếu kém là rất khó khăn, nợ xấu như cục máu đông tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không xử lý tốt sẽ rất khó cho nền kinh tế phát triển.

Dẫn báo cáo của Chính phủ về 5 dự án thua lỗ lớn (Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học bio - ethanol Dung Quất, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Bột giấy Phương Nam tỉnh Long An và Nhà máy Đạm Ninh Bình), ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý đối với các dự án này để cử tri, đồng bào yên tâm.

Đề cập kinh tế vĩ mô, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) mong Thủ tướng có giải pháp để làm sao đạt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2020 là 6,5%-7%. Trong đó, năm 2017 tăng 6,7% với điều kiện vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công.

Trả lời về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng chia sẻ: “Dù khó khăn, tôi cho rằng đặt mục tiêu 6,5%-7% mà QH đã thông qua là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ. Nhưng trong bối cảnh như vậy, chúng ta không có cách nào khác là phải phấn đấu cao, nếu phấn đấu cao sẽ gặp khó khăn trong các chỉ tiêu vĩ mô khác”.

Về việc 5 nhà máy thua lỗ lớn, Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những việc lỗ… Tinh thần là cắt lỗ, phải xây dựng hiệu quả, nếu không sử dụng kịp thời, không sử dụng được thì bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản cũng là rất cần thiết để làm sao không phải những khoản thua lỗ, “đắp chiếu” này là gánh nặng của nền kinh tế. Không sử dụng ngân sách tiếp tục bỏ vào những khoản thua lỗ này”. Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân nào đã để xảy ra thua lỗ ở những công trình gây thiệt hại vốn liếng nhà nước.

Trả lời câu hỏi về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Thủ tướng cho biết Mỹ đã tuyên bố dừng TPP nên Việt Nam chưa đủ điều kiện trình QH vấn đề này. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không tham gia TPP hay có tham gia thì chúng ta vẫn là nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế vì chúng ta có 12 hiệp định thương mại tự do”.

Loại bỏ cán bộ biến chất

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tâm tư rằng cử tri rất lo lắng, bất bình trước tình trạng kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước không nghiêm. Kỷ luật, kỷ cương cũng không nghiêm trong quá trình thực thi pháp luật, trong quản lý tài chính, ngân sách công, công tác cán bộ. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa biến chất, vòi vĩnh, tiêu cực, trong đó có những người ở vị trí cán bộ quản lý.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu thực trạng: “Bổ nhiệm người thân, họ hàng; bổ nhiệm nhiều, thậm chí bổ nhiệm cán bộ có nhiều khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng rồi bỏ trốn, thậm chí còn bắn giết nhau và tất cả đều đúng quy trình”. Ông Trí đề nghị Thủ tướng cho biết đang và sẽ có những hành động gì cụ thể, đột phá để giải quyết vấn đề này. ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu bức xúc của cử tri về những vụ có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, tài sản lên đến ngàn tỉ đồng của quan chức tuy được dư luận đưa ra nhưng sau đó có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Thủ tướng cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng vi phạm kỷ cương phép nước, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực; loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tha hóa biến chất ra khỏi bộ máy.

Nói về giải pháp, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện nghiêm nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên. Đi liền đó là công khai, minh bạch, quyền lực phải được kiểm soát. Tới đây, Bộ Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Trung ương sẽ xem xét, bổ sung quy trình tốt nhất, làm sao có một quy trình minh bạch và đặc biệt phát hiện cán bộ từ cơ sở.

Đối với công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phải xây dựng thể chế không có kẽ hở để làm sao không dám, không nên tham nhũng. Đồng thời, thực hiện cải cách hành chính để không còn cơ chế xin - cho, hạn chế tối đa việc xin - cho, nhất là những lĩnh vực dễ tham nhũng như ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, tài nguyên…”.

Thủ tướng nêu rõ phải nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ tham nhũng, tăng cường kiểm soát quyền lực của mọi cấp cán bộ; công khai, minh bạch; quan tâm đến đời sống cán bộ trong bộ máy, kết hợp với làm công tác tư tưởng.

Thủ tướng cũng cam kết không để “chìm xuồng” bất cứ vụ việc sai phạm nào đã được phát hiện. Thủ tướng đề nghị bất cứ thông tin tham ô, tham nhũng nào mà cử tri và các ĐB phát hiện được thì hãy mạnh dạn trao đổi, tố cáo để góp phần chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng

Chốt lại phiên chất vấn sau hơn 2 ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước. Các ĐB đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm vấn đề; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất giải pháp khắc phục.

Những nhóm vấn đề được QH lựa chọn là xác đáng, phù hợp thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Các thành viên Chính phủ đã cố gắng trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐB nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.

Chủ tịch QH cho biết trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều ĐB, QH phê phán nghiêm khắc trước QH và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, vì có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, nhà nước, Bộ Công Thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Con voi chui lọt lỗ kim

Trong ngày thứ ba chất vấn các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có 20 phút để trả lời những câu hỏi mà ĐB đặt ra tại phiên chất vấn cuối giờ chiều 16-11. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã chia ra các nhóm vấn đề về quản lý cán bộ, tinh giản biên chế để trả lời.

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tái chất vấn: “Riêng vụ ông Trịnh Xuân Thanh, tôi hỏi nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ từ việc tặng thưởng huân chương cho đến đề bạt, bổ nhiệm về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Việc đó trách nhiệm của Bộ Nội vụ như thế nào? Có bao nhiêu văn bản quy định, bao nhiêu trường hợp luân chuyển kiểu như Trịnh Xuân Thanh? Thực trạng ra sao và xử lý thế nào?”. Ông Minh cũng bức xúc: “Bây giờ cứ mỗi lần tham nhũng lớn là bỏ trốn, ra đi một cách êm ái như con voi chui lọt lỗ kim. Ở nông thôn, một ông say rượu, đêm quậy phá thì ngày mai đi đâu người ta cũng biết. Quản lý đối tượng địa bàn phải như thế. Đề nghị phải trả lời, nếu không sẽ gây bức xúc cho cử tri”.

Tuy nhiên, do hết thời gian nên Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời bằng văn bản.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo