xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phòng chống dịch: Khuyên, dọa, dụ !

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) cho rằng điều cốt lõi trong phòng chống dịch bệnh là thay đổi cách tuyên truyền để thuyết phục được người dân

“Tiêm vắc-xin thì lại tiêm nhầm, tiêm thuốc này lại ra thuốc khác. Trách nhiệm chúng ta như thế nào? Chúng ta phải nói thẳng, nói thật để có cách giải quyết, giúp ngành y tế dự phòng thay đổi chứ không thể thế này mãi được” - GS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống dịch năm 2014 và kế hoạch 2015 khu vực phía Nam tổ chức ở Viện Pasteur TP HCM ngày 4-2.

Có than vãn cũng chẳng ăn thua

Đánh giá chung về 27 loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành ở khu vực phía Nam, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết 4 năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm.

 

Diễn tập phòng chống bệnh Ebola tại Viện Pasteur TP HCM
Diễn tập phòng chống bệnh Ebola tại Viện Pasteur TP HCM

 

Tuy nhiên, năm 2014, kết quả giám sát cho thấy 8/27 loại bệnh có số ca mắc gia tăng so với năm 2013. Cụ thể, sởi tăng 10,2 lần, Rubella 3,4 lần, thủy đậu 2,1 lần, xoắn khuẩn vàng da 6,5 lần... Còn nếu so năm 2014 với trung bình 3 năm (từ 2011-2013) thì có 6/27 loại tăng, gồm: sởi, xoắn khuẩn vàng da, thủy đậu, Rubella, cúm A/H5N1 và ho gà. Về bệnh sốt xuất huyết, toàn khu vực có hơn 24.000 ca mắc, trong đó 19 trường hợp tử vong.

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương than khó về công tác phòng chống dịch. Bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết nhìn tổng thể số ca mắc bệnh cả nước có giảm song riêng tại TP HCM thì lại tăng như bệnh tay chân miệng. Theo BS Dũng, TP HCM đang đối mặt với 3 vấn đề là dân số biến động, môi trường và ý thức người dân. Các đoàn thể, cộng tác viên tham gia phòng dịch còn mang tính hình thức.

Năm 2015, các quận, huyện là “điểm nóng” dịch bệnh phải ký kết liên tịch cam kết dập dịch với Sở Y tế. TP HCM cũng tập trung triển khai giải pháp để làm sao thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phòng dịch bệnh. “Mỗi thành viên phải biến thành “chiến sĩ phòng dịch” ngay chính gia đình họ. Nếu làm được điều này, hy vọng 50% cộng đồng thay đổi hành vi phòng dịch bệnh” - BS Dũng nhấn mạnh.

Nhiều lần cùng tham gia đoàn công tác phòng chống dịch bệnh đến các địa phương, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), thừa nhận việc phòng chống dịch phải thực tế chứ có than vãn cũng không giải quyết được vấn đề. Điều cốt lõi là cần linh hoạt thay đổi phương pháp tuyên truyền để thuyết phục được người dân mà điều này chỉ có BS điều trị mới phù hợp. Nếu gắn kết giữa lĩnh vực điều trị với dự phòng thì sẽ thực hiện tốt công tác phòng dịch.

“Chúng ta khuyên người ta không được thì dọa. Dọa không được thì dụ. Phòng chống dịch bệnh gì mà bệnh nhân nằm bệnh viện rồi dự phòng mới biết thì chỉ có chạy theo đuôi mà thôi!” - bác sĩ Khanh thẳng thắn.

Chặn dịch bệnh mới nổi

GS-TS Trịnh Quân Huấn nêu thêm những tồn tại mà ngành y tế dự phòng TP HCM đang vướng phải, như BS y tế công cộng thiếu chỉ tiêu nhưng cử nhân ngành này đào tạo ra trường không làm được việc.

Hơn nữa, trong khi nhiều địa phương quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng thì tại TP HCM, trụ sở trung tâm y tế dự phòng xây dựng từ thời mới giải phóng đến nay đã dột nát, xuống cấp. Ngân sách dành 30% cho lĩnh vực này được ra nghị quyết từ năm 2007 nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, nhận định tình hình dịch bệnh đang phức tạp cộng thêm nguy cơ dịch bệnh mới nổi của thế giới xâm nhập nước ta. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ, ngăn chặn các bệnh xâm nhập Việt Nam như Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9; phát hiện, xử lý, giảm tử vong do dịch bệnh nguy hiểm lưu hành trong khu vực như cúm A/H1N1, A/H5N1, tay chân miệng, tả, dại, tiêu chảy. Ngoài ra, cần khống chế kịp thời một số dịch bệnh có thể bùng phát, lan rộng bất cứ lúc nào và đang quay trở lại cộng đồng như: não mô cầu, viêm não Nhật Bản, viêm gan virus, sởi, thương hàn, thủy đậu, bại liệt, dịch hạch...

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường hệ thống giám sát, phản ứng nhanh và xử lý; đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ dịch bệnh và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cộng đồng; tăng cường năng lực các phòng xét nghiệm; thu thập, bảo quản bệnh nguy hiểm và mới nổi, ưu tiên tuyến tỉnh - huyện; duy trì đội đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh tại các tuyến…

 

Làm rõ chuyện “cháy” vắc-xin dịch vụ

Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh gia tăng một phần là do người dân không còn đi chích vắc-xin, chích không đủ liều, không đủ thời gian, nhất là vào thời điểm lượng vắc-xin dịch vụ không đáp ứng nhu cầu. Bộ Y tế yêu cầu làm rõ chuyện bất thường này. Sở Y tế là đơn vị đầu mối phân công quản lý đối với vắc-xin dịch vụ. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các sở không để xảy ra tình trạng người dân cần tiêm nhưng cơ sở tiêm chủng thông báo “cháy hàng”, phải đợi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo