xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tránh xa... người gặp nạn vì sợ đủ chuyện

NGUYỄN QUYẾT - NGỌC DUNG

Cộng đồng mạng đang tranh cãi vì nhiều người, xe không hỗ trợ đưa cháu bé bị tai nạn giao thông ở Hà Nội mới đây đi cấp cứu. Tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra ở nhiều nơi

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên phố Ái Mộ, quận Long Biên, TP Hà Nội sáng 29-2 đã khiến 3 người tử vong. Trong đó, bé gái bị vỡ sọ não ban đầu nhưng vẫn có biểu hiện của sự sống. Theo clip của người dân ghi lại, gần 20 phút sau, khoảng 8 lượt ô tô, 500 lượt xe máy và hàng trăm người đi bộ qua lại nơi xảy ra TNGT, nhiều công an cũng có mặt. Một số người bế cháu ra giữa đường tìm sự trợ giúp đưa đi cấp cứu nhưng không ai đáp lại. Khi cháu được đưa lên xe của công an và chuẩn bị rời đi thì xe cấp cứu mới đến. Nạn nhân được chở vào bệnh viện nhưng sau đó đã tử vong.

Sợ đủ chuyện!

Trên mạng xã hội, cô giáo Dương Kim Liên (Trường Tiểu học Ngọc Lâm, quận Long Biên) bày tỏ tâm trạng đau đớn khi có mặt tại hiện trường, chứng kiến học trò bị nạn nhưng chậm được cấp cứu. Status này gây nên làn sóng tranh cãi trên cộng đồng mạng về sự vô cảm của nhiều người đi đường trước nỗi đau của đồng loại.


Nếu việc sơ cứu ban đầu đúng cách thì việc điều trị sau đó sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Trong ảnh: Một ca điều trị nạn nhân bị tai nạn giao thông Ảnh: NGỌC DUNG

Nếu việc sơ cứu ban đầu đúng cách thì việc điều trị sau đó sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Trong ảnh: Một ca điều trị nạn nhân bị tai nạn giao thông Ảnh: NGỌC DUNG

Chia sẻ trên mạng, nhiều người cho biết lý do phải tránh đưa người bị nạn đi cấp cứu là sợ... bẩn xe, sợ đen đủi do nạn nhân có thể qua đời trên xe, sợ phiền toái do bệnh viện yêu cầu đóng tiền mới cấp cứu... Một số người còn sợ khi phải làm chứng với công an, sợ người nhà nạn nhân và những người khác hiểu lầm họ chính là kẻ gây tai nạn nên bắt đền, thậm chí hành hung, đập phá xe cộ, tài sản...

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cho biết lượng người bị thương mỗi ngày do TNGT rất lớn, nếu không tổ chức cứu giúp kịp thời thì rất nguy hiểm. Gia đình nào cũng có thể có người bị TNGT, nếu không có ý thức thì ai cứu chữa?

Theo quy định của Bộ Công an, việc đầu tiên của công an khi xử lý TNGT là tổ chức cấp cứu, đưa người bị nạn đến bệnh viện. Song, việc huấn luyện cấp cứu cho công an chỉ ở mức cơ bản nên trường hợp nạn nhân bị thương nặng thì không có cách nào khác là phải đưa đi bệnh viện. TNGT xảy ra, rất nhiều tình huống bị thương nên chuyên môn của CSGT nói riêng và lực lượng công an nói chung không thể nắm hết. Nếu CSGT không có phương tiện thì phải huy động xã hội nhưng phải có cơ chế để người có xe phải đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Ông Quân cho rằng việc cấp cứu cũng liên quan đến quyền trưng dụng tài sản. Nếu cứ chờ quyết định của bộ trưởng mới cho trưng dụng xe để đưa đi cấp cứu thì nạn nhân đã thiệt mạng. Nếu huy động theo kiểu đề nghị thì nhiều người đi đường không thực hiện, bỏ đi. Để nhanh chóng đưa người đi cấp cứu thì hệ thống y tế, cơ sở cứu chữa phải bố trí hợp lý trên các tuyến giao thông...

Năm 2014, khi ban hành thông tư về đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa nội dung cấp cứu vào chương trình học. Các cuộc thi giấy phép lái xe đều phải tổ chức, bố trí chương trình để học về việc cứu người. Mặc dù vậy, quan trọng vẫn là tuyên truyền về việc phải cứu người bị nạn nói chung là trách nhiệm của cộng đồng. Cần lên án, phê phán hành vi vô cảm trước những nguy hiểm đang đe dọa người khác. Các nội dung liên quan tới cứu người bị TNGT đã có, quy định pháp luật đã có, vấn đề còn lại là tuyên truyền sao cho tốt để người dân có ý thức thực hiện.

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết vấn đề pháp lý liên quan tới cứu giúp người bị nạn đã tương đối đầy đủ. Theo đó, cá nhân, tổ chức thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì phải cứu giúp; nếu không, tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại xảy ra có thể bị xử phạt hành chính, nếu hậu quả chết người có thể bị khởi tố. Ngoài ra, theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người không cứu giúp nạn nhân TNGT khi có yêu cầu có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 2 triệu đồng.

Trợ giúp không đúng, thương tổn nặng hơn

Có nhiều kinh nghiệm trong cấp cứu nạn nhân TNGT, điều dưỡng Nguyễn Văn Uy, Khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết phần lớn họ không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Thông thường, người nhà hoặc người đi đường sẽ nhanh chóng mang, vác, cõng, bế nạn nhân đi bệnh viện. Tuy nhiên, việc này có thể đẩy bệnh nhân đến chỗ tử vong hoặc chấn thương nặng hơn.

Theo các bác sĩ, việc đầu tiên khi thấy nạn nhân trong các vụ TNGT là phải gọi điện cho cơ quan y tế để họ điều người đến cấp cứu, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tìm cách trợ giúp. Sau đó, kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người xung quanh để xem ai có chuyên môn hay không. Nếu không ai biết sơ cứu thì xem nạn nhân có bị hôn mê hay không, nếu tỉnh thì hỏi họ đau ở đâu để có cách trợ giúp hợp lý....

“Nạn nhân bị hôn mê có thể do chấn thương sọ não, còn đau ở vùng cổ có thể do chấn thương đốt sống cổ. Những chấn thương này rất nguy hiểm đến tính mạng, nếu trợ giúp không đúng có thể khiến thương tổn nặng hơn. Do đó, rất cần trợ giúp của nhân viên y tế” - điều dưỡng Uy khuyến cáo.

Các trường hợp bị gãy chân, tay nên cố định chỗ gãy, tránh việc di chuyển vì xương gãy sẽ dễ làm tổn thương động mạch, dây thần kinh hoặc chọc thủng da thịt khiến vết thương có thể nhiễm trùng. Khi ấy, nạn nhân có thể bị sốc, gây nôn, tắc đường thở. Trường hợp này thì đặt họ nằm nghiêng, tránh dị vật trào vào đường thở, gây ngạt....

Không có chuyện nộp viện phí mới cấp cứu

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, cho biết việc nhiều người lo ngại khi giúp đỡ người đi đường bị TNGT vào bệnh viện có thể sẽ bị giữ lại, yêu cầu chịu trách nhiệm hoặc nộp viện phí… là quan niệm sai lầm.

“Nguyên tắc là khi có bệnh nhân cần cấp cứu nhập viện, bệnh viện sẽ cấp cứu mà không có yêu cầu gì về tiền bạc, không đòi tiền từ nạn nhân hay người trợ giúp mới cứu chữa. Tuy nhiên, bệnh viện phải lưu giữ thông tin của người trợ giúp (tên, địa chỉ, điện thoại) để giải quyết các vấn đề liên quan sau đó khi người nhà họ truy hỏi hoặc công an tới điều tra...” - PGS Hùng giải thích.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo