xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyền lực Quang Trung

Bài và ảnh: Lưu Nhi Dũ

Ở những năm đầu thế kỷ XXI đầy biến động, 221 năm sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lẫy lừng, bài học từ “quyền lực ngoại giao” của vua Quang Trung vẫn còn nóng hổi tính thời sự

Hôm nay, mùng 5 Tết, Bình Định và nhiều nơi trên cả nước kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2010) - một trong những chiến thắng chống ngoại xâm lẫy lừng của dân tộc kéo theo một chiến thắng khác trên mặt trận ngoại giao của triều đại Quang Trung với nhà Mãn Thanh, bằng một chiến lược bình đẳng và độc lập.

img

Lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Bình Định


Anh minh trong dùng người


Đầu năm mới, tôi đi xe máy từ TP Quy Nhơn chạy dọc đường 19 về thăm Bảo tàng Quang Trung. Con đường này đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ của tôi. Thuở ấy, cứ đến mùng 5 Tết, tôi và bạn bè với niềm vui hết sức tự nhiên bám vào những chiếc xe lam để được đi “hội Tây Sơn”.


Nhà ngoại giao kiệt xuất


Rời điện thờ Quang Trung, thắp nén nhang thành kính, tôi ngắm gương mặt Ngô Thì Nhậm đang đăm chiêu trên bệ thờ, lòng tự hào đất nước ta có những người con kiệt xuất đến vậy. Ông là một kẻ sĩ Bắc Hà tiêu biểu, giờ vẫn tòng giá bên cạnh người anh hùng Quang Trung. Với Ngô Thì Nhậm, anh vợ Phan Huy Ích, một vị trí thức trong dòng họ Ngô lẫy lừng thời Lê - Trịnh, Quang Trung xem là “người sinh ra để cho ta dùng”, xem là bề tôi và cũng là khách nên được đối xử đặc biệt trọng thị.


Tại Tam Điệp, 10 ngày trước khi kéo binh ra Thăng Long, Quang Trung đã hình dung được việc quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi chỉ là chuyện nhỏ, việc ngoại giao sau này với một nước lớn như Trung Hoa mới là điều quan trọng. Việc đó chỉ có Ngô Thì Nhậm mới làm được.

Cổng Bảo tàng Quang Trung nay được trang hoàng uy nghiêm. Bên ngoài, ban tổ chức đang tiến hành những buổi tập cuối cùng cho buổi lễ diễn ra vào chiều mùng 4 Tết. Bảo tàng Quang Trung nằm ở vị trí thật đẹp, có sông, có hồ, phía sau là Tây Sơn thượng đạo với những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, khi đi cùng nhà thơ Hữu Loan từ Pleiku về Quy Nhơn, xuống hết đèo An Khê dừng lại nghỉ ngơi, nhìn những dãy núi phía Tây, ông thốt lên: “Thế núi này không sinh nhân kiệt mới lạ”!


Tôi vào ngắm tượng Quang Trung uy nghi giữa trời xanh. Bên trong điện thờ, một không khí trầm mặc, trang nghiêm ẩn khuất giữa mùi nhang trầm thoang thoảng. Sáng nay, dù chưa chính lễ nhưng vẫn có đông người vào dâng hương, trong đó có nhiều em rất trẻ. Chính điện là ba bức tượng Quang Trung, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ; hai bên là tượng của các vị dũng tướng. Tôi ngắm tượng Binh bộ Thượng thư Ngô Thì Nhậm, một nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc và suy nghĩ về thuật dùng người của Quang Trung.


Quang Trung là vị vua anh hùng chiến trận nhưng cũng là vị vua anh minh trong cách dùng người. Cách sử dụng quan phụ chính đại thần – Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, một danh nho đất Thuận Hóa, xem như bạn, kính như thầy, cho thấy nhãn thần của Quang Trung. Phan Huy Ích, một trí thức triều Lê - Trịnh từng đỗ đầu khoa Ất Mùi 1775, quê Nghệ An, cũng là một trọng thần của Quang Trung.


Không chỉ có biệt nhãn để nhận chân giá trị những trí thức đương thời, Quang Trung còn có tấm lòng bao dung, nhân hậu mà Phan Huy Ích là trường hợp điển hình. Phan Huy Ích ra làm quan với Quang Trung nhưng hai người em của ông, Phan Huy Thự và Phan Huy Tấn, vẫn giữ tấm lòng cô trung với nhà Lê, khởi binh chống lại Tây Sơn. Khi đó Phan Huy Ích có việc đang ở quê nhà, sợ Quang Trung nghi kỵ, liền dâng biểu trần tình. Quang Trung hiểu sự trong sáng của Phan và ban chiếu: “Tính con người thiện ác khác nhau, cha còn không vừa lòng con huống chi anh với em. Việc đã không dính líu đến thì còn hiềm nghi gì”.


“Cứng” và “mềm”


Vua Quang Trung đã xây dựng nên một đường lối ngoại giao đặc biệt mà ngày nay, lý thuyết “quyền lực mềm” của GS Joseph Nye (ĐH Harvard - Mỹ) có nhiều nét tương đồng, dù ở lĩnh vực khác nhau.


Có thể hiểu “quyền lực cứng” của đường lối ngoại giao ở triều đại Quang Trung là sức mạnh quân sự làm cơ sở cho “quyền lực mềm” - đường lối ngoại giao. Chính chiến thắng lẫy lừng quét sạch 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi trong vòng vài ngày đã tạo nên một “quyền lực cứng” làm vua quan nhà Thanh phải kiêng nể, thậm chí sợ hãi.


Sau khi thua tan tác, Tôn Sĩ Nghị bị gọi về triều để hậu tra, vua Càn Long cử Phúc Khang An làm tổng đốc lưỡng Quảng, chuẩn bị 50 vạn quân binh để rửa hận. Nhìn Tôn Sĩ Nghị tơi tả thảm hại, Phúc Khang An lạnh gáy, chỉ thị cho Tả giang Binh bị đạo Thang Hùng Nghiệp gửi mật thư cho Quang Trung gợi ý nên tiến hành chính sách hòa hiếu, tránh binh đao. Trong thư, thậm chí Thang Hùng Nghiệp thay mặt “thiên triều” ngầm công nhận Quang Trung là “An Nam Quốc vương”. Vua Quang Trung hiểu giờ không phải là lúc căng sức ra đối đầu với “thiên triều”. Quang Trung đã vạch ra một đường lối ngoại giao vừa “cứng” vừa “mềm”, giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích toàn quyền ở Thăng Long thực hiện.


Ngô Thì Nhậm đã thực hiện một loạt chiến dịch ngoại giao đặc biệt với Trung Hoa, đem lại những thắng lợi chưa từng có với phương châm bình đẳng và độc lập. Kế sách dùng “giả vương” Phạm Công Trị sang Trung Hoa diện kiến, mừng thọ vua Càn Long là một thắng lợi vô tiền khoáng hậu. Phái đoàn nước Nam được đón tiếp hết sức trọng thị. Bọn Phúc Khang An đều biết đó là “giả vương” nhưng vẫn phải cay đắng ngậm miệng, lừa dối cả vua Càn Long. Chỉ là một cú lừa nhưng Ngô Thì Nhậm đã làm cho vua Càn Long phải hết sức kính trọng vua ta và ban nhiều đặc ân mà chỉ ở triều đại Quang Trung mới được hưởng. Đoàn Nguyễn Tuấn, một thành viên trong đoàn sứ bộ theo “giả vương”, chứng kiến sự kính trọng của triều đình Mãn Thanh với nước Nam đã viết: “Trước giờ người mình đi sứ Tàu, chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như vậy.”


Quang Trung chưa bao giờ coi việc tấn phong “An Nam Quốc vương” là quan trọng nên ông cũng không muốn tiếp sứ thần ở Huế, cũng không muốn ra Thăng Long để được tấn phong mà chỉ cử vị “giả vương”. Việc Quang Trung đề nghị bỏ lệ cống người vàng và hai năm mới cống một lần cũng là một thắng lợi hết sức to lớn. Thậm chí, Quang Trung còn “dám” đòi lại đất lưỡng Quảng, đòi cưới công chúa “nhà trời” chỉ 3 năm sau chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Đây là chuyện chưa từng có và cho thấy thực lực của triều Nguyễn - Tây Sơn bấy giờ đã mạnh lắm mới dám làm chuyện “động trời” ấy. Tuy nhiên, Quang Trung mệnh yểu, băng hà ngay lúc đó.


Sau khi biết tin vua Quang Trung băng hà, vua Càn Long hết sức thương tiếc. Lúc ấy đoàn sứ bộ ta vẫn đang ở Trung Quốc. Vua Càn Long hạ chỉ cho các địa phương nơi sứ bộ ta đi qua phải giữ yên lặng, ngưng các cuộc yến tiệc, vui chơi để chia buồn. Điều ấy cho thấy vua Càn Long kính trọng vua Quang Trung như thế nào.

Niềm tự hào của toàn dân tộc


Ngày 17-2, tại Khu Di tích Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì - Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 221 năm ngày vua Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh đuổi quân giặc xâm lược (1789-2010).


Những ngày này cách đây 221 năm, người dân thành Thăng Long đã tưng bừng chào đón đoàn quân Tây Sơn tiến vào giải phóng. Người Việt vẫn thường gọi chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đó cũng là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào của mọi người VN. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được nhân dân trân trọng biến thành nghi lễ truyền thống hằng năm mỗi khi Xuân về.
A.Q

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo