xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

San phẳng mộ cổ vì… không biết?

Bài và ảnh: Quang Nhật

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho rằng có thể do ngôi mộ cổ nghi là mộ vợ vua Tự Đức nằm sâu dưới đất nên đơn vị thi công không biết nên san phẳng

Chiều 26-6, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi làm việc với các bên liên quan nhằm làm rõ việc ngôi mộ cổ nghi là mộ vợ vua Tự Đức tại dự án xây dựng bãi đỗ xe ở phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị san phẳng. Cùng ngày, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế (đơn vị chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng), cho biết trung tâm cũng đã có báo cáo vụ việc lên UBND TP Huế.

Người có trách nhiệm nói gì?

Trước đó, ngày 24-6, sau khi ngôi mộ bị san phẳng, tấm bia và nền móng ngôi mộ cổ này đã được tìm thấy. Trên bia ghi rõ đây là phần mộ của một người họ Lê, thụy là Thục Thuận, được cho là một bà vợ vua triều Nguyễn và thuộc hàng thấp nhất gọi là Cửu Giai Phi, cấp cuối cùng trong 9 bậc của vợ vua.

Theo hồ sơ, diện tích thu hồi thực hiện dự án trên là 17.297 m2, trong đó diện tích đất nghĩa địa trên 7.271 m2. Dự án được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế giao cho Công ty TNHH TM-DV Chuỗi Giá Trị thực hiện từ tháng 7-2015.

San phẳng mộ cổ vì… không biết? - Ảnh 1.

Khu vực mộ cổ đã được dựng lều bạt sau khi bị san ủi

Trước đó, vào năm 2013, UBND TP Huế đã ban hành thông báo về chủ trương thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. Sau khi kê khai số lượng mồ mả, các chủ mộ được mời đi thực địa dự án, tiến hành kiểm kê, đo đạc, lập biên bản về số lượng, công trình kiến trúc lăng mộ. Đến tháng 4-2016, có tất cả 43 mồ mả có chủ được cất bốc. Riêng mộ vô chủ, tháng 12-2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế có thông báo cuối cùng về việc đăng ký kê khai lăng mộ. Sau đó, Công ty Chuỗi Giá Trị thực hiện các thủ tục cất bốc với tổng số 82 mộ vô chủ, trong đó 81 mộ đất và 1 mộ xây bo hình tròn.

Trên cơ sở báo cáo này, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định việc di dời là do chủ đầu tư thực hiện, tất cả ngôi mộ đã được lập hồ sơ, sơ đồ, đưa về an táng tại nghĩa trang phía Nam TP Huế. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc di dời, do chủ đầu tư chưa hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ có diện tích thu hồi lớn theo chủ trương UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nên Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế chưa xác nhận và bàn giao mặt bằng cho Công ty Chuỗi Giá Trị. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn tiến hành thi công, dẫn đến việc san ủi ngôi mộ cổ nói trên.

Về việc vì sao san ủi ngôi mộ cổ, ông Tuấn nói trong quá trình kiểm kê trên thực địa dự án, mộ có chủ và vô chủ nổi trên đất, không có dấu tích của lăng mộ như phản ánh. Theo ông Tuấn, có thể do mộ quá lâu năm nên bị lụi tàn, nằm âm dưới đất dẫn đến không biết để kiểm kê. Việc này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Không thể không biết

Nói thêm về trách nhiệm trong việc làm mất ngôi mộ có giá trị về văn hóa, lịch sử này, ông Tuấn nhấn mạnh nguyên tắc là chủ đầu tư phải phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế và phường Thủy Xuân để tiến hành xử lý theo quy định. "Quá trình kiểm kê, giải phóng mặt bằng, bản thân tôi và lãnh đạo trung tâm thường xuyên thực địa. Tuy nhiên, dù niêm yết và thông báo công khai nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ ý kiến nào phản ánh trực tiếp hoặc văn bản về ngôi mộ này" - ông Tuấn phân trần thêm.

Dù vậy, một số cư dân địa phương không đồng tình với giải thích của ông Tuấn. Theo ông Trần Duy Quế (80 tuổi; trú phường Thủy Xuân), vào năm 2015, khi có đoàn cán bộ quy hoạch lên thống kê để đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, ông đã phản ánh về việc có ngôi mộ cổ tồn tại. "Lúc đó, họ cũng không đánh dấu di dời ngôi mộ. Cách đây 3 tháng, trong quá trình di dời các ngôi mộ vô chủ thì cái lăng này cũng không bị di dời, vậy mà cách đây vài ngày lại bị san phẳng" - ông Quế nói.

PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng về mặt tư liệu thì bài vị các vợ vua Tự Đức trong lăng Tự Đức do bảo quản để trùng tu nên chưa đối chiếu được với bia. Còn về gia tộc, người vợ vua họ Lê cũng chưa xác định được quê quán, năm sinh và năm mất. "Ngôi mộ rộng đến 50 m2, có bia, lăng và mộ, nằm trên mặt đất mà đã cày xới thì không thể nói không biết... Đáng lý ra phải khảo cổ trước khi thi công, phải làm cẩn thận chứ không thể ủi phẳng như thế" - PGS-TS Đỗ Bang bày tỏ. 

Chủ đầu tư nhận sai

Trong ngày 26-6, chúng tôi liên hệ với chủ đầu tư dự án là ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Chuỗi Giá Trị, để làm rõ thêm thông tin về việc san ủi ngôi mộ cổ. Tuy nhiên, ông Tuấn cáo bận, từ chối trả lời. Trong khi đó, ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc, xác nhận trong buổi làm việc cùng ngày, đại diện của chủ đầu tư dự án là Công ty Chuỗi Giá Trị đã nhận sai, chịu trách nhiệm về việc san ủi phần mộ cổ cũng như chấp nhận khắc phục theo yêu cầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo