xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sáng mãi Điện Biên

TIỂU QUYÊN - MẠNH DUY

Quá khứ và hiện tại như xích lại gần khi những câu chuyện về cuộc chiến khốc liệt hơn 60 năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính Điện Biên Phủ một thời

Điện Biên những ngày tháng 5 này nườm nượp du khách đổ về. Hòa trong dòng khách tham quan, chúng tôi bắt gặp những cựu chiến binh chống gậy run run tìm nhặt ký ức ở chiến trường xưa. Trong không gian thấm đẫm hồi ức này, họ đã được trùng phùng, mừng mừng tủi tủi.

Ra đi không hẹn ngày về

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Ký (80 tuổi, quê gốc Quảng Bình) tần ngần rất lâu trước những khu nhà tranh mái lá của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ngày ấy, chàng trai từ biệt gia đình, hòa vào đoàn quân 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu) khi mới ở tuổi 20.

Đại tướng trong lần thăm lại Mường Phăng và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1994 (Ảnh do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cung cấp)
Đại tướng trong lần thăm lại Mường Phăng và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1994 (Ảnh do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cung cấp)

“Ra đi không hẹn ngày về, không ngờ bây giờ tôi còn được trở lại nơi này. 60 năm rồi... Chiến trường khốc liệt gian khổ ngày xưa bây giờ đã thay da đổi thịt. Thành phố khang trang sạch sẽ. Vậy là tôi đã mãn nguyện rồi, chỉ không biết những đồng đội ngày ấy bây giờ ai còn, ai mất” - ông Ký bùi ngùi.

Từng trực tiếp tham gia trận đánh đồi A1 - cứ điểm quan trọng bậc nhất của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (bộ đội công binh Sư đoàn 351, Đại đội 507 - nay đã 85 tuổi) nhớ mãi giây phút đánh quả pháo 1.000 kg. Lúc ấy, ông bị thương rất nặng, tưởng không qua khỏi.

Trên đường được cáng về trạm quân y, ông đã nghĩ đó là lần cuối cùng nhìn thấy bầu trời, nghe tiếng pháo súng và tiếng đồng đội gọi tên nhau. Rồi ông được cứu sống, còn những đồng đội tiếp tục thay ông làm nhiệm vụ đã mãi mãi nằm lại giữa núi rừng Điện Biên… “Tôi chỉ mong mình còn sức khỏe để đi tìm đồng đội” - ông Nguyễn Văn Khoa thẫn thờ.

Mất mát của chiến tranh là vô tận. Đến bây giờ, Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập vẫn còn hơn 2.000 ngôi mộ của những liệt sĩ vô danh. “Bao người đã ngã xuống, nằm lại mãi mãi nhưng không ai biết tên tuổi, quê quán ở đâu. Có nghĩa là cũng sẽ có bấy nhiêu người còn sống vẫn mải miết đi tìm” - NSƯT Mỹ Uyên thổ lộ khi cùng đoàn Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và các văn nghệ sĩ TP thắp nến trước những ngôi mộ liệt sĩ vô danh.

Nhà văn - biên kịch Nguyễn Thu Phương nhớ mãi câu chuyện về một người con sinh ra đã không được thấy mặt cha. Hơn 40 năm sau, ông lặn lội tìm khắp nơi để rồi cuối cùng được ôm ngôi mộ cha khóc ròng…

“Cho dù hàng trăm năm trôi qua thì những hình ảnh của lịch sử vẫn mãi mãi đầy tràn cảm xúc trong lòng người thế hệ sau. Bởi những mất mát, hy sinh cũng như những giá trị thiêng liêng và lòng khâm phục một dân tộc quật cường đời đời sẽ không thay đổi” - nhà văn - biên kịch Nguyễn Thu Phương nói.

Sức sống mới trên chiến trường xưa

Đã nhiều lần trở lại Điện Biên nhưng đối với ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuyến đi năm nay mang ý nghĩa đặc biệt. Bởi lần này, ông mang theo di nguyện của người cha một đời gắn bó với Điện Biên Phủ.

“Đến tận những năm cuối đời, ba tôi vẫn không ngừng nghĩ đến việc xây dựng trường lớp cho đồng bào ở Điện Biên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung” - ông Nam bồi hồi.

Bà Thân Thị Thư (trái), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và NSƯT Mỹ Uyên thắp nến tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập Ảnh: TIỂU QUYÊN
Bà Thân Thị Thư (trái), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và NSƯT Mỹ Uyên thắp nến tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập Ảnh: TIỂU QUYÊN

Theo ông Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhiều lần căn dặn những vùng căn cứ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh thì con em của đồng bào phải được chăm lo học hành để có thể xây dựng quê hương và tiến kịp miền xuôi. Chính vì thế, dù không còn cha bên cạnh nhưng ông Nam vẫn đang tiếp nối niềm mong mỏi của Đại tướng.

“Còn rất nhiều trường lớp phải xây dựng và chuẩn hóa. Từ năm 2004, ba tôi lên thăm Điện Biên dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dặn dò Đảng bộ, chính quyền quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Bộ mặt giáo dục của Điện Biên đã hoàn toàn lột xác, 60/92 trường đạt chuẩn quốc gia - tỉ lệ rất cao so với một huyện nghèo” - ông Nam cho biết.

Tháng 5 này, một ngôi trường THCS khang trang được khánh thành ngay tại trung tâm xã Mường Phăng. Ngôi trường mang tên vị Đại tướng huyền thoại gắn liền với chiến công chói lọi của cả dân tộc, là ước nguyện từ lâu của người dân các dân tộc Tây Bắc.

Nhiều công trình văn hóa, dân sinh khác cũng được đưa vào sử dụng theo ước nguyện của Đại tướng. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được khánh thành giai đoạn 1 để phục vụ lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng. Bảo tàng mới sẽ dành 1 phòng trưng bày riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, vinh dự được 3 lần gặp Đại tướng. Dù Đại tướng đã đi xa nhưng ông Hải vẫn canh cánh trong lòng lời căn dặn của người: “Nếu không giữ gìn những di tích này để các thế hệ mai sau trân trọng, ghi nhớ công lao và sự hy sinh của cha ông thì chúng ta có tội với thế hệ tương lai”.

Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay không còn được dịp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng ở Điện Biên, dường như người đang ở rất gần chứ chưa hề đi xa...

“Cứ 10 năm, ba tôi có thói quen nhìn lại trận Điện Biên Phủ một lần để suy nghĩ về những bài học. Ông luôn nói còn rất nhiều bài học ở Điện Biên Phủ và ông vẫn không ngừng đọc, không ngừng nhìn lại” - ông Võ Hồng Nam tâm sự.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo