xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sướng rơn vì được gói bánh chưng

Ngân Thương. Ảnh: Facebook Kim Khánh, Thỏ Vân, Đào Tùng, Trang Thu Nguyễn

(NLĐO) - “Chị Hai biết gì chưa, năm nay nội vẫn sẽ gói bánh chưng đó”- con em tôi reo lên. Cái tin ấy khiến không chỉ mình tôi mà tất cả chị em bên họ nội tôi đều sướng rơn, bởi bọn tôi không muốn mất dịp thức trắng đêm canh bánh chưng đã thành truyền thống suốt gần 20 năm nay.

Thời đại công nghệ thông tin, cách đây vài ba hôm khi dùng smart phone vào Facebook, tôi chợt thấy một số bạn bè, đồng nghiệp của mình ở cả Hà Nội và Sài Gòn cũng đang háo hức bày lá dong với nếp, thịt và đậu xanh để sẵn sàng cho nồi bánh chưng của riêng mỗi nhà. Dù Bắc hay Nam, gia đình nào trông cũng đông vui bên những lớp lá dong xanh mướt, những rổ nếp trắng tinh và dĩ nhiên là không thể thiếu những bàn tay gói bánh khéo léo như nghệ nhân và cả cảnh con cháu trong nhà phụ giúp vo nếp, lau lá. “Ồ, mọi nhà đều gói bánh chưng nhỉ” – tôi thầm nghĩ và bỗng chốc hồi tưởng “truyền thống” gói bánh chưng của riêng gia đình mình.

 

Những gia đình của bạn bè tôi ở Hà Nội quây quần gói bánh chưng bên cành đào hồng.

Những gia đình của bạn bè tôi ở Hà Nội quây quần gói bánh chưng bên cành đào hồng.

 

img
Gia đình một đồng nghiệp của tôi ở TP HCM cũng nhộn nhịp với những nguyên liệu gói bánh chưng.

Tôi vẫn nhớ từ năm 6-7 tuổi, cứ mỗi lần sắp đến Tết, tôi và các anh chị họ lại được giúp bà nội gói bánh chưng và được xem bà trổ tài gói bánh không cần khuôn. Tôi phục bà lắm, bởi bà không cần khuôn mà vẫn gói được những chiếc bánh vừa vuông vức vừa chắc tay. Ở trường lớp, tôi nghe thầy cô bảo gói bánh không cần khuôn khó hơn gói có khuôn rất nhiều, thế nên về nhà nhìn bà gói lại càng thích mê. Tôi với mấy anh chị họ cùng phụ bà ngâm dây lạt vào nước, rửa và lau lá dong, lá chuối cho sạch, xong đâu đó rồi chỉ việc ngồi xem bà gói bánh.

 

img

Bà tôi gói bánh chưng không cần khuôn.

Bên cạnh chồng lá dong và lá chuối bao giờ cũng là rổ nếp to tướng, nồi thịt ướp sẵn và rổ nhân đậu xanh đã vo thành từng khối tròn. Chúng tôi ai cũng muốn phụ, nhưng bà bảo “tay yếu mà đòi làm, cột không chắc là hỏng bánh”. Thế nên chúng tôi chỉ có thể chờ bà gói xong hết, còn dư ít nếp, ít lá với ít nhân đậu xanh rồi mới được gói những chiếc bánh chưng “mini” rất đáng yêu của mỗi đứa, mỗi cái bánh mini như thế chỉ to hơn bàn tay được một tẹo, nhưng trông xinh lắm cơ và khiến bọn tôi rất tâm đắc.

Bánh được gói xong, các cô chú tôi bắt đầu xếp bánh vào nồi lớn rồi ra sau nhà kê gạch xây dựng thành cái bếp 3 chân ngoài trời để nấu bánh thâu đêm. Nồi bánh được kê lên, củi lửa đâu đấy sẵn sàng, khi lửa bùng lên cũng là lúc các cô chú và các cháu quây quần quanh bếp lửa kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời. Thường gia đình tôi nấu bánh chưng từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau là vớt bánh. Hồi đó tôi còn nhỏ, cứ đến 11 giờ đêm là bị ba mẹ bắt đi ngủ, không cho canh bánh thâu đêm, khiến tôi lúc đó cảm thấy giận lắm. Tôi quyết lớn thật nhanh, phải tỏ ra mình trưởng thành để được trải nghiệm canh bánh ngoài trời từ đêm đến sáng nó ra làm sao.

 

img

 

Thế là từ năm 16 tuổi, tôi bắt đầu được các cô chú tin tưởng cho canh bánh chưng thâu đêm, hơn nữa tôi cũng đã cao lớn, khỏe hơn xưa và đã đủ sức canh củi lửa, châm thêm nước sôi vào nồi bánh khổng lồ mỗi khi nước bị vơi bớt. Công đoạn giữ lửa quan trọng, nhưng đoạn châm nước cũng quan trọng không kém bới nếu không giữ được mực nước ngập mặt bánh thì những chiếc bánh trên cùng sẽ bị “sống” không ăn được.

Thời gian ấy, tôi thường canh bánh chưng với các cô chú và cả ông bà nội, mọi người nói chuyệt rôm rả từ lúc đưa nồi lên bếp đến tận nửa đêm, sau đó thì mọi người cứ thay phiên nhau, người này ngủ thì người kia thức trông củi lửa. Trải nghiệm ấy tuyệt vời lắm cơ, nhất là mỗi khi mở nắp nồi đổ thêm nước, mùi lá dứa thơm trong nồi và mùi khói bốc lên thơm ngào ngạt, cộng với mùa củi cháy và khói lửa đã quyện nên một thứ mùi hương in đậm trong tâm trí tôi đến mức giờ chỉ cần nhắc đến từ “bánh chưng”, mũi tôi lại như ngửi thấy mùi hương ấy.

Hồi ấy trong xóm không chỉ riêng nhà nội tôi mà còn nhiều nhà khác gói bánh chưng lắm. Nhà nội tôi đầu hẻm có 1 nồi, trong hẻm còn 2 nhà khác cũng mỗi nhà một nồi bánh chưng lửa đỏ, rồi đi dạo qua các hẻm khác cũng thấy mỗi hẻm 1-2 nồi y như thế. Nhìn cảnh ấy thôi cũng khiến lòng tôi ấm như khi ngồi bên bếp lửa vậy, bởi tôi không ngờ ở giữa Sài Gòn chộn rộn này vẫn có nhiều gia đình giữ gìn truyền thống gói và nấu bánh chưng, khiến một đứa không có quê để về như tôi cũng cảm thấy như được “về quê” ăn Tết, ấm áp hạnh phúc lắm.

 

img

 

img

 

img

 

Khi các cô chú tôi lập gia đình, tôi bắt đầu có thêm nhiều em họ, cộng thêm em gái tôi nữa, thế là “lực lượng” canh bánh chưng hằng năm ngày một “hùng hậu” thêm. Cứ tầm 26, 27 Tết là tất cả lại tề tựu về bên nồi bánh chưng. Bên cạnh việc canh bánh bắt đầu phát sinh thêm những “tiết mục” mới, trong đó được chờ đợi nhất là “tiệc nướng tại chỗ”, tức là mỗi gia đình “đóng góp” vài món như mực, tôm, bạch tuộc, bánh tráng, rồi cứ thế khều than củi nóng đỏ từ trong lò bánh chưng ra nướng ăn. Đến đêm, các em tôi còn nhỏ tuổi bị bắt đi ngủ hệt như tôi hồi đó, đứa nào không bị bắt lên giường ngủ thì càng về khuya càng buồn ngủ dần, rồi cũng chỉ còn tôi và mấy cô chú “chiến đấu” đến sáng.

 

img

 

img

 

Rồi thời gian trôi đi, bà nội tôi không còn sung sức như xưa. Ngày trước mỗi khi vớt bánh xong, bà tôi còn dùng lá dong mới gói một lớp bên ngoài cho đẹp rồi mới “phân phát” cho các gia đình và đi biếu người ta. Nhưng mấy năm gần đây, có lẽ do công đoạn ấy mất sức tốn công quá nên tôi thấy bà vẫn để nguyên lớp lá gói ban đầu (vốn dĩ đã nhạt màu sau khi nấu do màu xanh của lá đã thấm vào bánh) để chia cho con cháu và đem đi biếu. Ai thấy sao chứ tôi thấy chiếc bánh chả cần gói thêm lá dong mới bên ngoài vẫn đẹp, khi cầm lên vẫn thấy chắc tay và phản phất mùi hương của nếp, lá dong và lá dứa.

Năm nay tôi đã 26 tuổi, bà tôi cũng đã yếu đi nhiều. Hai năm nay bà bị nhiều thứ bệnh nhưng đều qua khỏi. Bà vẫn hào sảng, yêu đời, thương con cháu, chỉ có điều chúng tôi phải chấp nhận sự thật rằng bà không còn sung sức như xưa. Gia đình nội tôi đông con cháu, nhưng ai cũng bị công việc và cuộc sống gia đình cuốn đi nên chưa có ai “kế thừa” xứng đáng ngón nghề gói bánh chưng của bà nội. Năm ngoái bà nội tôi đã “truyền nghề” lại cho một người cô ruột của tôi nên không lo bị “thất truyền”, nhưng năm nay thì cô tôi sinh em bé, sức khỏe bà lại không tốt, tôi cùng mấy chị em họ đã buồn thiu khi nghĩ rằng năm nay có thể không được canh bánh chưng vì không có ai biết gói bánh.

Thế nên khi biết bà tôi đủ sức khỏe để gói bánh, chúng tôi vui mừng lắm.  Năm nay một người thím dâu của tôi cũng đã bắt đầu học kỹ thuật gói bánh của bà nên cũng rất thú vị. Vì gói không khuôn không dễ tí nào nên ban đầu thím tôi gói bánh bị thành hình chữ nhật, nội tôi nói đùa rằng trông không khác gì đòn bánh tét, khiến cả nhà cười ngất, nhưng rồi thím tôi cũng thành công. Thế là nồi bánh năm nay có sản phẩm của 2 người! Ngoài ra còn có vài cái bánh “mini” của em tôi làm, cũng tập tành gói y như tôi lúc xưa vậy.

Đêm 27 Tết vừa qua tôi đã lại được cùng các cô chú và anh chị em vừa canh bánh chưng, vừa nướng “đồ nhắm” ăn tại chỗ vừa truyện trò thâu đêm suốt sáng. Ngồi bên lò bánh bập bùng lửa đỏ, tôi lại nhớ đến 3 câu đầu bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

Dù biết hoàn cảnh sáng tác bài thơ ấy rất khác với thực tế của chúng tôi bây giờ, nhưng vẻ đẹp của bếp lửa trước mặt khiến tôi vẫn không khỏi liên tưởng. Mấy chị em tôi yêu khoảnh khắc ngồi bên bếp nấu bánh chưng này biết bao và cũng yêu bà nội lắm. Giờ đã có cô tôi và thím dâu tôi biết gói bánh, nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau sang năm phải tranh thủ học nghề gói bánh của bà để bằng mọi giá phải duy trì truyền thống đẹp này của gia đình, để mỗi năm các cô chú anh chị em trong dòng họ tôi lại có được một đêm tề tựu về nồi bánh chưng để có được những thời khắc ấm áp bên gia đình trong thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo